20:11 | 15/04/2025
Hỗ trợ khẩn cấp tỉnh Cao Bằng khắc phục thiệt hại bão số 3 Về thăm "làng đá nở hoa" nơi biên cương Cao Bằng Cao Bằng: Nhiều giải pháp tiêu thụ nông sản cho bà con dân tộc |
Xóm nhỏ giữ lửa nghề truyền thống
Trên độ cao hơn 1.000 mét so với mực nước biển, giữa đại ngàn Phja Oắc - Phja Đén mây phủ quanh năm, có một xóm nhỏ mang tên Hoài Khao (xã Quang Thành, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng) – nơi cư ngụ của gần 200 người Dao Tiền.
![]() |
Hoài Khao - điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn của Cao Bằng. Ảnh: Tuệ Minh |
Những nếp nhà gỗ cổ kính lợp mái ngói âm dương nép mình bên sườn núi, tiếng khèn, tiếng hát giao duyên vẫn ngân nga qua mỗi sớm mai. Và giữa thung lũng ấy, một ngọn lửa văn hóa - nghề thêu, in hoa văn trên sáp ong đang được giữ gìn bền bỉ bởi những người phụ nữ cần mẫn.
Trong gian bếp nhỏ của ngôi nhà gỗ, chị Bàn Thị Liên – người phụ nữ sinh năm 1984 có làn da rám nắng, rắn rỏi, đôi tay khéo léo chậm rãi đun miếng sáp ong trên đĩa men đặt trên than hồng. Mùi thơm thoang thoảng lan trong không khí se lạnh miền sơn cước. Từng nét hoa văn hiện dần trên nền vải chàm từ những động tác điêu luyện, khéo léo.
“Chúng tôi học từ bà, từ mẹ từ khi còn nhỏ. Từng họa tiết không chỉ để trang trí mà còn kể chuyện về đời sống, về niềm tin và truyền thống của người Dao Tiền” – chị Liên chia sẻ, ánh mắt bừng sáng niềm tự hào.
Tại Hoài Khao, tất cả phụ nữ đều biết thêu, in sáp ong trên vải và họ tự tay làm trang phục truyền thống. Với phụ nữ Dao Tiền ở Hoài Khao những tấm vải nhuộm chàm, in sáp ong với họa tiết hình học, cỏ cây, muông thú không chỉ là sản phẩm thủ công, mà còn là hiện thân của văn hóa, của bản làng.
Hoài Khao đổi thay nhờ 'làn gió' du lịch
Nhờ giữ được những giá trị văn hoá truyền thống đặc sắc, từ năm 2020, Hoài Khao chính thức trở thành điểm du lịch cộng đồng hấp dẫn của tỉnh Cao Bằng. "Làn gió" du lịch đã giúp cho Hoài Khao chuyển mình, đổi thay, đặc biệt nghề thêu, in hoa trên sáp ong được lan toả và dần trở thành sức hút mời gọi, níu chân du khách phương xa.
![]() |
Chị Bàn Thị Liên (bên phải) – không chỉ là người giữ nghề, mà còn là “đại sứ" văn hóa, du lịch của Hoài Khao. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Không có resort, không nhà cao tầng, Hoài Khao mời gọi du khách bằng sự nguyên sơ của một bản làng mang đậm lối sống, kiến trúc, phong tục và cả… nghề xưa cũ. Du khách đến đây không chỉ để ngắm cảnh, mà còn trải nghiệm in hoa văn sáp ong, nghe kể chuyện văn hóa, học cách nhuộm vải, thưởng thức ẩm thực truyền thống và ngủ đêm trong những căn nhà gỗ lợp ngói âm dương.
Chính những điều “chân thật đến từng chi tiết” đã khiến Hoài Khao trở thành một trong những điểm sáng của du lịch cộng đồng vùng cao Cao Bằng. Xóm nhỏ Hoài Khao đã phát triển nhiều hộ làm homestay, trung bình mỗi năm đón từ 400 - 600 lượt khách, bao gồm cả khách quốc tế. Nhiều sản phẩm thủ công như khăn tay, túi xách, váy áo thổ cẩm… từ in sáp ong cũng được bán ra ngay tại làng, mang lại thu nhập đều đặn cho người dân.
Du lịch phát triển, Hoài Khao dần định vị điểm đến trên bản đồ du lịch. Và, chị Bàn Thị Liên không chỉ là người giữ nghề, mà còn là “đại sứ' văn hóa, du l ịch của Hoài Khao khi nhiều lần đại diện xóm tham dự các sự kiện lớn xúc tiến, quảng bá hình ảnh quê trong và ngoài tỉnh.
![]() |
Chị Bàn Thị Liên miệt mài với nghề thêu truyền thống. Ảnh: Hoa Quỳnh |
Tháng 4/2025, chị Bàn Thị Liên mang bộ váy Dao Tiền thêu tay cùng những tấm vải in sáp ong lên đường về thủ đô dự Hội chợ Du lịch Quốc tế (VITM Hà Nội 2025). Trong không khí của sự kiện giao thương sôi động, chị Bàn Thị Liên gây ấn tượng đặc biệt khi chia sẻ về bản Hoài Khao, về nghề thêu in hoa văn trên sáp ong độc đáo của quê hương.
Chị Bàn Thị Liên hồ hởi chia sẻ với Báo Công Thương, sản phẩm in sáp ong hiện nay không chỉ phục vụ mặc truyền thống, mà còn được cải tiến thành đồ lưu niệm, trang trí nội thất, thời trang ứng dụng…; là sản phẩm du lịch đặc sắc của Hoài Khao, đưa hình ảnh Hoài Khao lan toả.
Hình ảnh chị Liên cúi nghiêng luồn từng đường kim, mũi chỉ lên nền vải chàm là hình ảnh hết sức đẹp đẽ về phụ nữ vùng cao gìn giữ văn hóa bằng chính đôi tay mình giữa Thủ đô.
Và hơn thế, người phụ nữ Dao Tiền này còn mang trong mình những mong muốn rất lớn lao hơn. “Tôi đến Hà Nội không chỉ để giới thiệu thổ cẩm, nghê thêu, in sáp ong mà còn mong muốn kể chuyện về quê hương Hoài Khao, để du khách đến với Hoài Khao nhiều hơn. Du lịch phát triển, đời sống người Dao Tiền sẽ bớt khó khăn” – chị Liên chia sẻ.
![]() |
Hoài Khao mời gọi du khách bằng sự nguyên sơ, các giá trị văn hoá truyền thống được gìn giữ. Ảnh: An Bùi |
Những năm qua, tỉnh Cao Bằng đã tích cực triển khai Dự án 6 của Chương trình Mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Riêng Hoài Khao được đầu tư hạ tầng, tập huấn kỹ năng làm du lịch, tổ chức học tập mô hình tại các làng nghề như Phia Thắp, Khuổi Ky, Phúc Sen… Nhờ đó, người dân có thêm kiến thức, kỹ năng và niềm tin để giữ nghề – giữ làng.
Có thể thấy rằng, nhờ những chính sách hiệu quả, kịp thời, đời sống của người Dao Tiền tại Cao Bằng đang ngày càng có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều hộ gia đình thoát nghèo, từng bước phát triển kinh tế. “Từ ngày làm du lịch, tôi không còn phải đi làm nương nặng nhọc quanh năm, thu nhập lại cải thiện. Đặc biệt, nhờ có khách du lịch, có người đặt mua sản phẩm, nên chị em trong xóm cùng làm nghề với nhau, cuộc sống vui hơn rất nhiều” – chị Liên trải lòng.
Phát triển du lịch được tỉnh Cao Bằng xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; đồng thời xác định phương châm phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, bảo tồn thiên nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc. Vì vậy, việc xây dựng, phát triển những mô hình du lịch cộng đồng ở xóm Hoài Khao là một điển hình để cụ thể hóa chủ trương này. |
Đường dẫn bài viết: https://giamngheothongtin.congthuong.vn/cao-bang-nghe-xua-mo-loi-du-lich-cong-dong-hoai-khao-383182.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.