Dấu ấn người trẻ trên hành trình đổi mới nông thôn

Mang khát vọng đổi thay, nhiều người trẻ chọn gắn bó với làng quê, bắt đầu từ những việc nhỏ, chính họ đang tạo nên chuyển biến tích cực cho nông thôn hôm nay.
Người dân xã đạt chuẩn nông thôn mới ở huyện miền núi Quảng Nam: Còn nhiều tâm tư Làng nghề trăm tuổi 'chuyển mình': Giữ hồn xưa, tìm hướng xuất khẩu Người cao tuổi Kon Tum góp sức dựng xây nông thôn mới

Rời phố thị về làng quê, mang theo hoài bão đổi thay những vùng đất còn nhiều khó khăn, không ít bạn trẻ trên địa bàn tỉnh Gia Lai đang âm thầm tạo nên những chuyển biến tích cực cho nông thôn. Từ việc đưa giống cây mới về làng, lập hợp tác xã, đến việc thay đổi tư duy sản xuất – họ đang ghi dấu ấn bằng sức trẻ, sự kiên trì và lòng tin vào giá trị của từng bước nhỏ trên hành trình đổi mới.

Chọn về làng, chọn việc khó

Không hào nhoáng, không ồn ào, hành trình đổi mới nông thôn đang từng ngày được viết nên bởi những người trẻ âm thầm cống hiến. Họ đến với làng quê bằng tâm huyết, ở lại bằng trách nhiệm và dựng xây bằng niềm tin vào sự thay đổi từ những điều nhỏ nhất.

Dấu ấn người trẻ trên hành trình đổi mới nông thôn
Anh Nguyễn Thế Ánh trao đổi kinh nghiệm trồng cây nhãn cho đoàn viên thanh niên xã An Thành

Một buổi chiều giữa tháng tư, xã An Thành (huyện Đak Pơ, tỉnh Gia Lai) nóng như đổ lửa, anh Nguyễn Thế Ánh – Bí thư Đoàn xã – đang đi kiểm tra mô hình trồng nhãn của thanh niên địa phương. 23 tuổi, tốt nghiệp đại học ở TP. Hồ Chí Minh, có công việc ổn định nơi phố thị, nhưng anh Ánh quyết định về quê, bắt đầu từ con số không.

Anh Ánh cho biết, năm 2015, trở về quê hương, nhờ năng nổ trong các hoạt động, anh được giao nhiệm vụ Phó Trưởng Công an xã An Thành. Năm 2020, sau khi thực hiện chủ trương bố trí Công an chính quy về đảm nhận các chức danh Công an xã, anh được lãnh đạo xã tin tưởng luân chuyển, giao nhiệm vụ Bí thư Đoàn xã An Thành và gắn bó từ đó đến nay.

Hơn 5 năm đảm nhận vai trò “thủ lĩnh” Đoàn xã An Thành, anh Ánh đã tạo được dấu ấn bởi sự nhiệt huyết, tinh thần trách nhiệm với công việc. Nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo do anh Ánh triển khai đã góp phần tập hợp, đoàn kết đoàn viên, thanh niên ở địa phương. Cùng với đó, nhằm tạo động lực cho đoàn viên, thanh niên vươn lên thoát nghèo, Đoàn xã An Thành đã vận động nguồn lực trao tặng mô hình sinh kế cho đoàn viên, thanh niên khó khăn.

Dấu ấn người trẻ trên hành trình đổi mới nông thôn
Đoàn viên, thanh niên dọn dẹp con đường nông thôn

Ngoài thời gian dành cho hoạt động Đoàn, anh Ánh còn phát triển kinh tế với 1,7 ha mía, 140 gốc nhãn Hưng Yên cho thu nhập khoảng 100 triệu đồng/năm. Mô hình kinh tế không chỉ giúp anh Ánh có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình mà còn giải quyết việc làm thời vụ cho 10 đoàn viên, thanh niên trên địa bàn.

Ông Đinh Drung - Bí thư Chi bộ kiêm trưởng thôn Kuk Đak cho hay: “Anh Ánh là người nhiệt tình, trách nhiệm trong công việc. Anh Ánh thường xuyên liên hệ, nắm bắt những khó khăn của làng để kết nối nguồn lực, trao tặng những phần quà ý nghĩa cho làng và người dân. Bà con trong làng ai cũng quý anh Ánh”.

Những “ngọn lửa nhỏ” giữa đại ngàn

Tại huyện Kbang, nơi còn nhiều xã vùng sâu của đồng bào Bahnar sinh sống, dấu ấn người trẻ cũng hiện diện rất rõ trong hành trình chuyển mình của nông thôn. Nguyễn Thị Mai Anh – cán bộ xã – mới ngoài 30 tuổi nhưng đã có gần 8 năm “cắm bản” cùng bà con. Một ngày của Mai Anh bắt đầu từ 5 giờ sáng, đi xe máy hàng chục cây số để hướng dẫn kỹ thuật trồng sâm dây, trồng chanh dây, rồi chiều về còn kịp viết báo cáo, đề xuất mô hình mới.

“Làm nông nghiệp mà không sát dân thì không hiệu quả. Có lần mình bị bà con từ chối vì là con gái, lại còn trẻ, sợ không biết gì. Nhưng khi cùng họ ra đồng, cầm cuốc, nhặt sâu từng gốc sắn thì dần dần họ tin” - Mai Anh cười nói.

Cô kể, điều hạnh phúc nhất không phải là hoàn thành dự án, mà là thấy bà con bắt đầu tự tin hơn, chủ động hơn. “Trước kia, thấy giống cây trồng mới là sợ. Giờ thì có người gọi hỏi mình trước: Cô Mai ơi, năm nay trồng gì được?. Đó là tín hiệu của đổi mới" - Mai Anh chia sẻ.

Dấu ấn người trẻ trên hành trình đổi mới nông thôn
Vườn cúc Đà Lạt trồng theo hướng công nghệ cao của anh Võ Văn Luân.

Tư duy sản xuất manh mún, thiếu liên kết là rào cản lớn với nông thôn. Tuy nhiên, những người trẻ, bằng góc nhìn mới, đã và đang dần tháo gỡ điều này. Anh Võ Văn Luân (thôn 4, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê) – là một ví dụ.

Anh Luân là người tiên phong đưa cây hoa cúc Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) về trồng thử nghiệm ở huyện Chư Sê từ năm 2019. Thấy cây hoa phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng và đem lại thu nhập tương đối cao nên anh đầu tư mở rộng sản xuất. Năm 2020, anh đầu tư gần 500 triệu đồng làm nhà màng, kết hợp hệ thống béc phun, áp dụng biện pháp kỹ thuật nhằm chủ động ép hoa nở theo ý muốn, giúp tăng thêm thời vụ cũng như kiểm soát tốt sâu bệnh.

Hiện anh Luân đang hỗ trợ kỹ thuật, giống và bao tiêu sản phẩm cho người dân trên địa bàn huyện. Điều quan trọng hơn, theo anh là bà con nông dân hôm nay đã dám nghĩ lớn, dám làm sạch. “Đổi mới nông thôn không chỉ là thay cái nhà, làm cái đường, mà là thay đổi cách làm ăn, cách nghĩ. Điều đó phải bắt đầu từ những người trẻ, từ sự kiên trì mỗi ngày” - anh Luân nói.

Chị Hà Thị Giang Thảo - Bí thư Tỉnh Đoàn Gia Lai cho biết: Từ khi ra quân Tháng Thanh niên năm 2025 đến nay, các cấp bộ Đoàn đã triển khai 43 công trình, phần việc thanh niên với tổng trị giá hơn 585 triệu đồng; duy trì 103 tuyến đường và triển khai mới 28 tuyến đường “sáng-xanh-sạch-đẹp-văn minh-an toàn”; triển khai xây dựng 5,5 km công trình “Thắp sáng đường thôn”, trồng mới 2.820 cây xanh…

“Đâu cần thanh niên có, đâu khó có thanh niên” là phương châm hành động của thế hệ trẻ. Mỗi phong trào, hoạt động tình nguyện được tuổi trẻ triển khai hiệu quả. Trước kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, các bạn trẻ càng phải nỗ lực, thể hiện trách nhiệm của mình bằng những công trình, phần việc và hành động cụ thể để hướng đến mục tiêu xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh" - chị Hà Thị Giang Thảo nhấn mạnh.

Từng bước nhỏ trong hành trình của người trẻ nơi làng quê đang góp phần làm nên diện mạo mới cho nông thôn. Họ không chờ đợi cơ hội, mà tự mình tạo ra cơ hội. Không hào nhoáng, nhưng đầy sức nặng – dấu ấn của họ chính là hy vọng cho một nông thôn hiện đại, văn minh và bền vững.

Đến nay, tuổi trẻ toàn tỉnh Gia Lai đã thực hiện 333 hoạt động tình nguyện xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; 282 hoạt động tình nguyện bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; 357 hoạt động tình nguyện tham gia đảm bảo trật tự an toàn giao thông và hơn 100 hoạt động tình nguyện tham gia đảm bảo an sinh xã hội.
Bài và ảnh: Hiền Mai

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.