Gia Lai: Mở đường xuống núi cho hàng hóa bản làng

Sau gần 5 năm triển khai Quyết định 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Gia Lai đã từng bước tạo dựng hệ sinh thái tiêu thụ hàng hóa cho vùng đồng bào dân tộc.
Nâng cao năng lực phát triển, quản lý chợ tại Gia Lai Sở Công Thương Gia Lai đồng hành cùng doanh nghiệp xăng dầu Gia Lai Coffee Festival 2025: Robusta đặc sản chinh phục du khách

Các phiên chợ, hội chợ, mô hình tiêu thụ sản phẩm đặc trưng đã góp phần khơi thông dòng chảy hàng hóa tại vùng cao nguyên nắng gió.

Đưa sản phẩm từ bản làng ra thị trường

Theo báo cáo của Sở Công Thương Gia Lai, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Gia Lai đã tập trung triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa địa phương, đặc biệt là các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu.

Bà Đào Thị Thu Nguyệt - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai cho biết, Gia Lai xác định trọng tâm của việc thúc đẩy sản xuất kinh doanh trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số là tăng cường các kết nối, hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm, thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu các sản phẩm vùng miền, các chương trình kết nối giao thương giữa các tỉnh, thành trên cả nước.

Gia Lai: Mở đường xuống núi cho hàng hóa bản làng
Gia Lai triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại nông sản (Ảnh: Moit)

Theo đó, chỉ riêng trong năm 2023, Sở Công Thương tỉnh đã tổ chức 4 chương trình xúc tiến thương mại. Năm 2024, tỉnh tiếp tục duy trì các phiên chợ tại các địa phương có đông đồng bào dân tộc như Krông Pa, Phú Thiện, Ia Pa, Ia Grai, Kông Chro, Ayun Pa… Các chương trình này đã thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận thị trường, kết nối với doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Đáng chú ý, mô hình tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Glar, huyện Đăk Đoa được triển khai đã mở ra hướng đi mới cho hoạt động thương mại tại chỗ. Cùng với đó, các phiên chợ tại xã Biển Hồ, Ia Kênh, Đăk Taley (Mang Yang) đã tạo điểm nhấn trong việc giới thiệu sản phẩm và kết nối giao thương ngay tại địa phương.

Theo đánh giá của Sở Công Thương Gia Lai, hoạt động xúc tiến thương mại đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ các cấp chính quyền và doanh nghiệp. Người dân bắt đầu nhận thức rõ hơn về giá trị hàng hóa mình làm ra, từng bước học cách trưng bày, quảng bá và bán hàng hiệu quả hơn.

Song song với các hoạt động xúc tiến thương mại, Gia Lai đặc biệt chú trọng đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ tại khu vực miền núi. Giai đoạn 2022 - 2024, tỉnh đã đầu tư xây mới và hoàn thiện nhiều chợ dân sinh như: chợ xã Kông Lơng Khơng (Kbang), chợ xã Sró (Kông Chro), chợ xã Ia Lang (Đức Cơ), chợ xã Chư Rcăm (Krông Pa), chợ xã Ia Bă (Ia Grai), chợ xã Ia Yeng (Phú Thiện)...

Gia Lai: Mở đường xuống núi cho hàng hóa bản làng
Gia Lai chú trọng đầu tư cho hệ thống chợ (Ảnh: Sở Công Thương Gia Lai)

Việc xây dựng chợ không chỉ phục vụ mua bán mà còn khơi dậy nét văn hóa bản địa, góp phần bảo tồn chợ truyền thống với vai trò là không gian giao lưu kinh tế, xã hội đặc trưng của đồng bào các dân tộc thiểu số. Dự kiến trong năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư thêm chợ xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang với kinh phí khoảng 2 tỷ đồng.

Cùng với sự vào cuộc của địa phương, các doanh nghiệp, hợp tác xã cũng nỗ lực xây dựng chuỗi liên kết để tiêu thụ sản phẩm địa phương. Đơn cử, năm 2024, Trung tâm ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ tỉnh Gia Lai đã hỗ trợ bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đăk Tơ Ver (huyện Chư Păh) xây dựng mô hình sản xuất măng khô. Ông Lê Tiến Toàn - Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Đăk Tơ Ver cho hay, thực hiện dự án khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào bào dân tộc thiểu số và miền núi năm 2024, Trung tâm đã đồng hành cùng địa phương xây dựng mô hình sản xuất măng khô.

Theo đó, dự án đã hỗ trợ HTX với tổng kinh phí hơn 140 triệu đồng. Trong đó, Trung tâm tập trung hỗ trợ đào tạo nâng cao trình độ công nghệ, kỹ thuật sản xuất tại chỗ và hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, quảng cáo, xây dựng thương hiệu sản phẩm”.

Gia Lai: Mở đường xuống núi cho hàng hóa bản làng
Sản phẩm măng khô của HTX Nông lâm nghiệp và dịch vụ Đăk Tơ Ver (Ảnh: Trần Dung)

Bà Hích (làng Tuêk, xã Đăk Tơ Ver) chia sẻ, trước đây, gia đình tôi lên rừng lấy măng le về luộc và phơi khô rồi đem ra chợ bán. Nhiều lúc măng phơi khô không đạt nên bán cũng khó khăn. Giờ tôi chỉ lấy măng tươi về bán cho HTX làm măng khô. Măng khô do HTX phơi sấy đúng kỹ thuật nên thơm ngon và đảm bảo chất lượng, thời gian bảo quản được lâu hơn, tiêu thụ tốt hơn.

Tháo gỡ khó khăn cho tiêu thụ sản phẩm

Dù đạt nhiều kết quả tích cực, nhưng việc kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn còn nhiều thách thức. Theo báo cáo của Sở Công Thương Gia Lai, đa phần xã đặc biệt khó khăn có rất ít hộ kinh doanh, sản xuất chủ yếu theo hình thức tự cung tự cấp, người dân chưa quen với hoạt động thương mại bài bản.

Bên cạnh đó, hạ tầng thương mại tại nhiều địa phương xuống cấp, việc huy động vốn đối ứng để đầu tư xây dựng, duy trì quản lý chợ gặp nhiều khó khăn. Nhiều xã, huyện vẫn lúng túng trong công tác rà soát địa điểm đầu tư phù hợp, nhất là sau khi có sự thay đổi phân loại xã, thôn theo các quyết định mới của Chính phủ.

Đặc biệt, điều kiện địa lý phức tạp, khí hậu khắc nghiệt khiến việc bảo quản, trưng bày hàng hóa gặp khó khăn. Tỷ lệ sản phẩm OCOP và đặc sản tham gia các hội chợ còn hạn chế, chưa phản ánh đầy đủ tiềm năng của địa phương.

Trong giai đoạn tiếp theo, tỉnh Gia Lai sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại, kết hợp thương mại, du lịch và lễ hội, kết nối tiêu thụ sản phẩm với thị trường trong và ngoài tỉnh. Đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn phát triển nguồn nhân lực thương mại tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Đặc biệt, tỉnh đề xuất Trung ương hỗ trợ đầu tư xây mới 13 chợ, cải tạo nâng cấp 3 chợ tại khu vực miền núi nhằm nâng cao năng lực phân phối, tiêu thụ hàng hóa tại chỗ, khơi thông dòng chảy hàng hóa lên rẻo cao.

Hành trình tìm đầu ra cho sản phẩm của người đồng bào dân tộc thiểu số tại Gia Lai là quá trình đòi hỏi sự kiên trì, bài bản và đồng bộ từ chính sách đến thực tiễn. Từng phiên chợ, từng gian hàng, từng điểm bán lẻ nhỏ bé nơi vùng cao đang dần tạo nên một mạng lưới thương mại bền vững, góp phần đưa nông sản, sản phẩm bản địa của Gia Lai đến gần hơn với người tiêu dùng khắp mọi miền.
Phương Lan

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.