Hậu Giang: Khơi dậy tinh thần vượt khó giúp người nghèo chủ động vươn lên
Kinh tế nông thôn và miền núi Thứ sáu, 08/09/2023 - 15:59
Lan tỏa phong trào "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, xóa đói giảm nghèo" Hậu Giang thông qua Quy hoạch phân khu xây dựng 2 Khu công nghiệp |
Tạo sinh kế thoát nghèo cho người dân
Cuối năm 2022, Hậu Giang đã ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 - 2025. Theo đó, HĐND tỉnh đã ra Nghị quyết giao kế hoạch vốn ngân sách Nhà nước thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia với tổng số vốn 141.016 triệu đồng.
Công tác xóa đói giảm nghèo tại Hậu Giang được quan tâm |
Với kế hoạch như trên, tỉnh đã phân bổ cho các huyện để nhân rộng và phát triển các mô hình giúp nhau thoát nghèo có hiệu quả như: Tổ hùn vốn, mô hình nuôi dê, mô hình lâm - ngư kết hợp, hỗ trợ phát triển, kinh doanh, dịch vụ, du lịch, khởi nghiệp nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.
Chẳng hạn như ở huyện Phụng Hiệp, căn cứ vào nguồn vốn được tỉnh phân bổ, huyện đã chỉ đạo phòng chuyên môn xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện các dự án, mô hình giảm nghèo. Trong đó có Dự án Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo, với kinh phí thực hiện trong năm 2023 hơn 8 tỉ đồng. Theo ông Đặng Việt Hiểu, Phó trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Phụng Hiệp, nguồn vốn được hỗ trợ từ Dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo”, sẽ thực hiện hỗ trợ cho 3 nhóm đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trong vòng 36 tháng. Tính đến thời điểm này, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã khảo sát thực tế nhu cầu hỗ trợ của địa phương và xây dựng các mô hình dự kiến triển khai đề xuất về huyện. Qua thống kê sơ bộ sẽ có khoảng 250 hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ từ dự án.
Bên cạnh chương trình hỗ trợ sản xuất, đa dạng hóa sinh kế và nhân rộng mô hình giảm nghèo từ nguồn ngân sách nhà nước; các mô hình của hội, đoàn thể triển khai cũng đã góp phần tích cực giảm nghèo, nhất là trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Theo đó, thông qua Hội phụ nữ ở các địa phương, nhiều hộ dân được vay vốn tín chấp ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội. Từ chính sách ưu đãi, hỗ trợ và khuyến khích phát triển kinh tế hộ gia đình, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng, tích cực đóng góp cho phong trào xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo, góp phần thay đổi diện mạo vùng nông thôn…
Với những chương trình trên, hoạt động giảm nghèo giai trên địa bàn đạt được nhiều kết quả tích cực. Tính đến nay hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm đáng kể và chỉ còn 9.736 hộ nghèo (tỷ lệ 4,84%) và 7.426 hộ cận nghèo (tỷ lệ 3,96%).
Chú trọng công tác tuyên truyền
Theo bà Hồ Thu Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Hậu Giang, địa phương đặt mục tiêu hết năm 2023 sẽ tăng thu nhập, cải thiện đời sống của người dân, đặc biệt là ở các địa bàn khó khăn, khu vực nông thôn; tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận thuận lợi các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch sinh hoạt và vệ sinh, tiếp cận thông tin; thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo. Hậu Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong toàn tỉnh bình quân từ 1%/năm, giảm tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số trên 2%/năm.
Để thực hiện được mục tiêu trên, thời gian tới tỉnh sẽ tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bền vững; tăng cường tuyên truyền các điển hình về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng; tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách giảm nghèo bền vững như: thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách giảm nghèo bền vững của tỉnh và kiến nghị các bộ, ngành hoàn thiện cơ chế chính sách của Trung ương.
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã ban hành kế hoạch tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Chương trình giảm nghèo nhằm tạo sự đồng thuận, ủng hộ của toàn xã hội góp phần huy động nguồn lực thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; truyền thông cho các đối tượng thụ hưởng của Chương trình về các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng.
Việc truyền thông này, theo UBND tỉnh Hậu Giang nhằm trang bị cho người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại; xây dựng, tổ chức thực hiện các nội dung truyền thông định hướng cho người dân tham gia, thụ hưởng Chương trình; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về việc làm, giáo dục nghề nghiệp, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch và vệ sinh, thông tin, trợ giúp pháp lý, trợ giúp xã hội và bình đẳng giới; truyền thông về các tấm gương điển hình, sáng kiến hay, mô hình giảm nghèo tiêu biểu nhằm tạo sự lan tỏa trong toàn xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững; tạo sự đồng thuận trong xã hội, cộng đồng và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.