
Thanh niên Công Thương với sứ mệnh xung kích trong kỷ nguyên số
Thanh niên ngành Công Thương được xác định là lực lượng nòng cốt trong chuyển đổi số, cần được trao cơ hội, bồi dưỡng năng lực số và phát huy vai trò đổi mới.
Nhằm thiết thực kỷ niệm 74 năm ngày truyền thống ngành Công Thương Việt Nam (14/5/1951 - 14/5/2025), sáng 9/5, Báo Công Thương phối hợp Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) tổ chức tọa đàm với chủ đề: "Thanh niên ngành Công Thương: 74 năm phát triển và định hướng tương lai".
Thanh niên ngành Công Thương sẽ tiếp nối truyền thống vẻ vang, là lực lượng đi đầu trong công cuộc hiện đại hóa chuyển đổi số và hội nhập, góp phần xây dựng ngành Công Thương ngày càng phát triển và bền vững, đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.
Đây là hoạt động trọng tâm trong chương trình công tác đoàn và phong trào thanh niên năm 2025 với mục tiêu khơi dậy tinh thần tiên phong, sáng tạo và trách nhiệm xã hội của thế hệ trẻ trong ngành trước yêu cầu mới của thời đại số và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Thông qua tọa đàm, Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương kỳ vọng mỗi đoàn viên sẽ xác định rõ vai trò, sứ mệnh cá nhân trong quá trình thực thi nhiệm vụ chuyên môn, góp phần xây dựng lực lượng sản xuất mới, hiện đại hóa hạ tầng công nghiệp, thương mại, và lan tỏa khát vọng phụng sự đất nước bằng tri thức, công nghệ và bản lĩnh đổi mới

Thanh niên ngành Công Thương 'đón sóng' AI, tiên phong trong chuyển đổi số
Nhằm thiết thực kỷ niệm 74 năm Ngày Truyền thống ngành Công Thương Việt Nam (14/5/1951 - 14/5/2025), sáng 9/5, Báo Công Thương phối hợp Đoàn Thanh niên Bộ Công Thương, Công ty TNHH MTV Vận hành hệ thống điện và thị trường điện Quốc gia (NSMO) tổ chức tọa đàm với chủ đề: "Thanh niên ngành Công Thương: 74 năm phát triển và định hướng tương lai".
Đây là hoạt động trọng tâm trong chương trình công tác đoàn và phong trào thanh niên năm 2025 với mục tiêu khơi dậy tinh thần tiên phong, sáng tạo và trách nhiệm xã hội của thế hệ trẻ trong ngành trước yêu cầu mới của thời đại số và hội nhập quốc tế sâu rộng.
Ứng dụng AI, công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong công nghiệp, thương mại điện tử; Cơ hội và thách thức đối với thanh niên ngành Công Thương trong giai đoạn hội nhập và chuyển đổi số
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Nhà báo Nguyễn Tiến Cường - Phó Tổng Biên tập Báo Công Thương khẳng định: Trong suốt 74 năm hình thành và phát triển, ngành Công Thương đã không ngừng lớn mạnh, khẳng định vai trò nòng cốt trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế và bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Trong bối cảnh ngành Công Thương đang tích cực thúc đẩy ứng dụng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo theo định hướng Nghị quyết số 57-NQ/TW, tọa đàm nhằm định hướng tư duy đổi mới, nâng cao năng lực thích ứng và khả năng chủ động nắm bắt cơ hội trong kỷ nguyên chuyển đổi số, kinh tế xanh và hội nhập sâu rộng.
Tại tọa đàm, đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ Công Thương đã trình bày các tham luận và thảo luận xoay quanh chủ đề: Vai trò lãnh đạo, định hướng của Đảng ủy Bộ Công Thương trong xây dựng đội ngũ cán bộ trẻ có bản lĩnh chính trị, năng lực số và tư duy hội nhập; Ứng dụng AI, công nghệ số và đổi mới sáng tạo trong công nghiệp, thương mại điện tử; Cơ hội và thách thức đối với thanh niên ngành Công Thương trong giai đoạn hội nhập và chuyển đổi số.
Thông qua tọa đàm, Ban tổ chức kỳ vọng mỗi đoàn viên sẽ xác định rõ vai trò, sứ mệnh cá nhân trong quá trình thực thi nhiệm vụ chuyên môn, góp phần xây dựng lực lượng sản xuất mới, hiện đại hóa hạ tầng công nghiệp, thương mại và lan tỏa khát vọng phụng sự đất nước bằng tri thức, công nghệ và bản lĩnh đổi mới.

Bộ Công Thương giữ vai trò đầu mối xuất khẩu nông sản
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 59/CĐ-TTg ngày 8/5/2025 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung chỉ đạo bảo đảm sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu nông - lâm - thủy sản trong bối cảnh biến động thương mại toàn cầu.
Trong đó, Bộ Công Thương được giao vai trò chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Môi trường, Bộ Ngoại giao để tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhất là tại các quốc gia đã ký FTA với Việt Nam. Đồng thời, Bộ cần triển khai các chương trình kết nối thị trường trong và ngoài nước, tổ chức tuần lễ nông sản, hội chợ hàng Việt, nhằm hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm bền vững.
Bộ Công Thương cũng được yêu cầu chủ động đàm phán, xây dựng biện pháp phòng vệ thương mại phù hợp, bảo vệ sản xuất trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó hiệu quả với chính sách nhập khẩu, thuế quan từ các nước đối tác.
Thời gian gần đây, đặc biệt trong thời gian tới tình hình thương mại toàn cầu có thể sẽ có biến động mạnh do thay đổi chính sách thuế quan của một số quốc gia, nguy cơ ảnh hưởng đến sản xuất, xuất khẩu nói chung và sản xuất, tiêu thụ nông lâm thủy sản nói riêng. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân đẩy mạnh chuyển đổi, đa dạng hóa sản phẩm, thị trường để sản xuất theo hướng bền vững.

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam nêu các nhiệm vụ trọng tâm với Công đoàn Công Thương
Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam nêu các nhiệm vụ trọng tâm với Công đoàn Công Thương. Ảnh: Cấn Dũng.
Những ngày qua, ngành Công Thương đã có nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2025. Đây không chỉ là chuỗi hoạt động phong trào đơn thuần, mà là lời hiệu triệu mạnh mẽ, là lời cam kết hành động cụ thể vì một mục tiêu cao cả: chăm lo toàn diện cho người lao động – lực lượng tiên phong kiến tạo sự phát triển.
Phát biểu tại buổi lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2025, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị các cấp công đoàn và đoàn viên, người lao động ngành Công Thương phát huy tinh thần thi đua sáng tạo để thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ.

Công đoàn Công Thương Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới
Tháng Năm – tháng của lịch sử, tháng của lao động, tháng của những khởi đầu mới. Trong khí thế cả nước kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, 139 năm Ngày Quốc tế Lao động, hàng triệu công nhân, người lao động trên cả nước lại cùng hòa nhịp trong cao trào thi đua – hưởng ứng Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động năm 2025.
Hòa trong khí thế đó, ngành Công Thương – với vai trò trụ cột của nền kinh tế quốc dân – đã chính thức phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động. Đây không chỉ là chuỗi hoạt động phong trào đơn thuần, mà là lời hiệu triệu mạnh mẽ, là lời cam kết hành động cụ thể vì một mục tiêu cao cả: chăm lo toàn diện cho người lao động – lực lượng tiên phong kiến tạo sự phát triển.
Từ nhà máy thủ công đầu thế kỷ XX đến dây chuyền tự động hóa hôm nay, công nhân Việt Nam luôn là lực lượng nòng cốt kiến tạo sự phát triển của đất nước. Trong công cuộc chuyển đổi số và phát triển bền vững, họ không chỉ là người lao động – mà là lực lượng tiên phong.
Hơn một thập kỷ qua, Công đoàn Công Thương Việt Nam không ngừng lớn mạnh về tổ chức, đổi mới về nội dung, hiệu quả trong hành động. Vai trò đại diện, chăm lo và bảo vệ người lao động luôn được khẳng định mạnh mẽ.
Đại hội Công đoàn Công Thương Việt Nam lần thứ IV, nhiệm kỳ 2023–2028 là dấu mốc chính trị quan trọng, nơi hội tụ trí tuệ, tâm huyết và khát vọng đổi mới vì người lao động. Đại hội đã thông qua những định hướng lớn: Tăng cường vai trò đại diện công nhân trong thương lượng, cải thiện điều kiện lao động, phát triển công đoàn số, nâng cao chất lượng đào tạo nghề và khuyến khích sáng kiến từ cơ sở.
Những năm qua, Công đoàn Công Thương Việt Nam không chỉ “nói thay” người lao động – mà thực sự “làm thay”, “lo thay” bằng cả trái tim. Đó là lý do vì sao, trong mọi hoàn cảnh khó khăn thì người lao động vẫn có thể ngẩng cao đầu, bởi luôn có một tổ chức bên cạnh.
Công đoàn các cấp trong ngành Công Thương luôn chú trọng tập trung chăm lo đầy đủ các chế độ, chính sách liên quan đến đoàn viên và người lao động. Đặc biệt là đảm bảo tốt các điều kiện về an toàn, vệ sinh lao động; quan tâm thực hiện chế độ chính sách đối với lao động nữ, thăm hỏi, hỗ trợ kịp thời những trường hợp ốm đau, mắc bệnh hiểm nghèo hay có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Thông qua chương trình “Mái ấm Công đoàn” đã hỗ trợ 676 triệu đồng kinh phí xây 16 nhà sửa chữa 03 nhà cho đoàn viên công đoàn khó khăn tại các cấp công đoàn trực thuộc, Công đoàn ngành Công Thương các tỉnh, thành phố.
Với phương châm “Tất cả đoàn viên và người lao động đều có Tết”, nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024 Công đoàn Công Thương Việt Nam tích cực tổ chức thực hiện, chăm lo hỗ trợ bằng tiền mặt và hiện vật cho 5.132 lượt người và 21 tập thể, đơn vị, cơ sở trong và ngoài Ngành với tổng số đạt gần 3 tỷ đồng.
Chăm lo, hỗ trợ, ủng hộ khắc phục thiệt hại do cơn bão số 3 (Yagi), các đơn vị phối hợp với chuyên môn đồng cấp thông qua Mặt trận Tổ quốc cấp Trung ương, cấp địa phương và thông qua các tổ chức, đơn vị khác để ủng hộ số tiền, hiện vật trị giá hơn một trăm tỷ đồng.
Tổ chức "Bữa cơm Công đoàn" cho 44.877 đoàn viên, công nhân lao động tại các bếp ăn của đơn vị. Tổng số tiền chi cho "Bữa cơm Công đoàn" năm 2024 trong toàn ngành Công Thương 4,5 tỷ đồng.
Năm 2025, các hoạt động chăm lo Tết tiếp tục được mở rộng cả về quy mô lẫn chiều sâu. Không chỉ có quà Tết, vé xe, mà còn là các chương trình văn hóa, giải trí, khám sức khỏe miễn phí, hỗ trợ tiền thuê nhà trọ, giúp công nhân vui Tết an toàn – ấm áp – đủ đầy.
Các phong trào “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Học và làm theo tấm gương đạo đức phong cách Hồ Chí Minh”, “Thực hành tiết kiệm”, “Chống lãng phí, tham ô”, “Bảo đảm vệ sinh an toàn lao động”;...vv. Kết quả nhiều tập thể, cá nhân đã có những mô hình điển hình, sáng kiến hay, tiêu biểu xuất sắc, hàng trăm nghìn sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, các phát minh, sáng tạo...
Những sáng kiến đã được áp dụng vào thực tiễn với tổng giá trị làm lợi hàng trăm tỷ đồng; nhiều tấm gương lao động tiêu biểu xuất hiện từ lao động sản xuất đã được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Công đoàn Công Thương Việt Nam ghi nhận, khen thưởng.
Công đoàn các cấp trong ngành Công Thương luôn chú trọng tập trung chăm lo đầy đủ các chế độ, chính sách liên quan đến đoàn viên và người lao động
Chính việc các cấp công đoàn ngành Công Thương quan tâm, khích lệ công nhân, người lao động là nguồn động lực to lớn để công nhân lao động hăng say, đồng thời biến lý tưởng thành sáng kiến, biến nghị quyết thành sản lượng và giá trị gia tăng. Không chỉ giỏi nghề mà họ còn là những đảng viên gương mẫu. Chính họ là minh chứng sống động rằng: Người công nhân hôm nay không chỉ vận hành dây chuyền – mà còn kiến tạo tương lai bằng trí tuệ và bản lĩnh.
Không chỉ là tổ chức chăm lo, Công đoàn Công Thương Việt Nam còn là cầu nối vững chắc giữa Đảng, Nhà nước với người lao động. Thông qua hệ thống công đoàn cơ sở, nhiều hoạt động tuyên truyền, đào tạo, hướng dẫn pháp luật, nâng cao nhận thức chính trị và chuyên môn đã được triển khai rộng khắp – góp phần giúp người lao động nâng cao trình độ, thích ứng tốt hơn với yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
Công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở, công tác tài chính, kiểm tra giám sát, nữ công và đối ngoại cũng được quan tâm và đạt được kết quả cao.
Không dừng lại ở tuyến Trung ương, sức mạnh của Công đoàn Công Thương Việt Nam còn thể hiện rõ nét ở các công đoàn cơ sở – nơi trực tiếp gắn bó, đồng hành với người lao động từng ngày, từng giờ.
Các công đoàn cơ sở không chỉ là nơi tiếp nhận và truyền tải chủ trương chính sách, mà còn là đơn vị triển khai sáng tạo các phong trào thi đua, cải tiến kỹ thuật, chăm sóc đời sống, sức khỏe và tinh thần cho người lao động.
Nhiều công đoàn cơ sở còn chủ động lập danh sách công nhân khó khăn, tổ chức đối thoại trực tiếp để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng – từ đó có hỗ trợ sát thực, hiệu quả. Chính vì vậy, công đoàn cơ sở không chỉ là tổ chức đại diện, mà là người bạn đồng hành thiết thực và đáng tin cậy nhất.
Khi tổ chức công đoàn hiện diện mạnh mẽ từ cấp cơ sở – thì từng tiếng nói, từng nhu cầu nhỏ nhất của người lao động đều được lắng nghe và đáp ứng. Chính từ nền móng ấy, vai trò của Công đoàn Công Thương Việt Nam ngày càng trở nên vững chắc, nhân văn và toàn diện hơn bao giờ hết.
Trong bối cảnh mới, Công đoàn Công Thương Việt Nam không ngừng đổi mới tư duy, nâng cao năng lực, trang bị kỹ năng hiện đại để thích ứng nhanh với tình hình. Qua đó bảo vệ tốt nhất quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong toàn ngành.
Hành trình phía trước còn dài, thách thức còn nhiều. Nhưng với nền tảng là lòng tin của hàng trăm ngàn người lao động, Công đoàn Công Thương Việt Nam sẽ tiếp tục tiên phong – hành động – đổi mới – và dẫn dắt, để người công nhân hôm nay thực sự là những người tiên phong bước vào kỷ nguyên mới.
“Công đoàn Công Thương Việt Nam tiên phong bước vào kỷ nguyên mới”.

Viết tiếp câu chuyện hòa bình với bản lĩnh vượt khó của ngành Công Thương
Giai đoạn 2021–2024, ngành Công Thương Việt Nam đã thể hiện bản lĩnh vượt khó, đóng vai trò trụ cột trong phục hồi và phát triển kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Ngành Dầu khí đạt doanh thu kỷ lục, mở rộng mạnh mẽ sang năng lượng tái tạo. Ngành điện giữ vững an ninh năng lượng, hoàn thành thi công thần tốc đường dây 500kV.
Khai thác dầu khí trên mỏ Bạch Hổ. Ảnh: Nguyễn Trường Sơn
Hóa chất chuẩn bị khung pháp lý mới với Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), logistics bảo đảm lưu thông hàng hóa thông suốt, hỗ trợ xuất siêu gần 25 tỷ USD năm 2024.
Xuất nhập khẩu liên tiếp lập kỷ lục, đạt gần 800 tỷ USD năm 2024. Thương mại điện tử tăng trưởng thần tốc, quy mô vượt 25 tỷ USD, đóng góp 2/3 kinh tế số quốc gia.
Những thành tựu đó là nền tảng vững chắc để ngành Công Thương bước vào năm 2025 với tâm thế chủ động, tự tin, quyết tâm hoàn thành thắng lợi mục tiêu nhiệm kỳ 2021–2025, đưa đất nước tiến bước mạnh mẽ trong kỷ nguyên phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng.

Vượt gian khó, những người Công Thương viết tiếp câu chuyện hòa bình
50 năm sau ngày đất nước thống nhất, những người Công Thương vẫn bền bỉ viết tiếp câu chuyện hoà bình bằng trí tuệ, nghị lực và khát vọng kinh tế thời bình.
Có chúng tôi, những người Công Thương đang viết tiếp câu chuyện hoà bình bằng trái tim, bàn tay, khối óc để cho đất nước mãi tiến về phía trước bằng sức mạnh kinh tế thời bình trong bản hùng ca 50 năm hoà bình, thống nhất, hội nhập và phát triển.
Hồi ức của lửa và thép
30/4/1975 – đất nước non sông liền một dải. Tiếng súng vừa im trên thành phố, đoàn xe chở than đá, xăng dầu, vải vóc, sắt thép, lương thực đã rầm rập vào miền Nam. Những người Công Thương không cởi bỏ quân phục, họ chỉ thay súng bằng vô lăng xe tải, búa, thước cặp, máy in hóa đơn, máy phát điện... Lặng lẽ, bền bỉ và quyết liệt như chính dân tộc này.
Trong thời kháng chiến chống Mỹ, ngành Công Thương không chỉ vận chuyển hàng hoá, xăng dầu, mà còn tổ chức sản xuất ngay trong rừng, dưới bom đạn, ở các trạm hậu cần. Những chiếc lò luyện gang dã chiến, những cửa hàng thương nghiệp mọc lên từ hầm đất. Những người lính từ mặt trận khi trở về đã tiếp tục xung phong vào Binh đoàn 318 để phát triển dầu khí, hay trở thành những cán bộ quản lý thị trường, công nhân các nhà máy dệt, luyện kim, hóa chất... Họ là những chiến binh, nhưng cũng là những người kiến thiết.
Có hàng nghìn, hàng vạn người lính đã không trở về với hào quang vũ khí, mà khoác lên mình bộ đồng phục công nhân, kỹ sư, cán bộ thị trường trở thành nốt nhạc bền bỉ trong bản giao hưởng mùa Xuân 50 năm đất nước vươn mình. Binh đoàn 318 chuyển thành binh đoàn dầu khí bền bỉ khai thác vàng đen cho Tổ quốc.
5 năm, một đại thử thách
Thế giới 5 năm qua là một chuỗi những trận động đất: COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, lạm phát, suy thoái, khủng hoảng năng lượng, khó khăn logistics, đứt gẫy chuỗi cung ứng và cả chiến tranh thương mại. Trong khi nhiều nền kinh tế lớn vỡ vụn chuỗi cung ứng, hàng triệu doanh nghiệp phá sản, Việt Nam vẫn xuất khẩu tăng trưởng liên tục, công nghiệp chế biến không đứt nhịp, năng lượng không thiếu điện diện rộng, thị trường nội địa được giữ vững...
Ngành Công Thương là trụ cột của thành tựu đó. Không phải bằng những lời tung hô, mà bằng các con số: Kim ngạch xuất khẩu từ 281,5 lên 405,53 tỷ USD (tăng 44%); Nhập khẩu từ 262,4 lên 380,76 tỷ USD (tăng 45,1%); Xuất siêu đạt 24,77 tỷ USD – cao nhất trong lịch sử 50 năm qua; Thương mại điện tử tăng hơn 110% – đạt 25 tỷ USD; Giá trị thương hiệu quốc gia vọt lên 507 tỷ USD – tăng 59%; Công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng 9,6% (2024); Tổng công suất điện đạt 82.400 MW.
Xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế. Ảnh: Cấn Dũng
Những con số ấy không vô cảm. Nó là mồ hôi, là nước mắt, là sự thức trắng hàng nghìn đêm của hàng triệu con người, từ cán bộ đàm phán thương mại, chuyên gia logistics, kỹ sư điện lực, giảng viên ngành hóa dầu đến anh lái xe container, chị công nhân dây chuyền, người bảo vệ nhà máy hóa chất giữa dịch giã...
Vẽ lại bản đồ những người lặng lẽ
Trong cuộc tổng tấn công thời bình, không có súng, không có bom, nhưng có những con người lặng thầm góp sức dựng lại hạ tầng, tái cơ cấu thị trường, bảo vệ biên cương thương mại.
Đó là anh kỹ sư bám giàn khoan ở mũi Cà Mau hay thềm lục địa phía Đông. Đó là chị nhân viên marketing thương mại điện tử ngồi văn phòng nhỏ giữa Thành phố Hồ Chí Minh, mở hàng Việt ra thế giới. Đó là những giảng viên dạy làm công nghiệp, làm điện hạt nhân ở Đại học Công nghiệp, Đại học Điện lực. Đó là các chuyên gia đàm phán, hội nhập của Bộ Công Thương đang phản biện mạnh mẽ tại WTO và nhiều chế định thương mại khác để bảo vệ quyền lợi Việt Nam trong các vụ kiện chống trợ cấp.
Đó là những chiến sĩ xúc tiến thương mại, cán bộ thương vụ ở Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia, Mỹ hay Pháp, âm thầm mở đường cho hàng thủy sản, nông sản, điện tử...Đó là hàng vạn bước chân cán bộ quản lý thị trường giữa đêm mưa rét đi kiểm tra kho hàng lậu. Đó là các kỹ sư vận hành trung tâm điện mặt trời Ninh Thuận, điện gió Bạc Liêu, điện gió ngoài khơi...
Họ là những nốt nhạc. Bản giao hưởng đất nước 50 mùa xuân, 50 mùa hoa không thể thiếu những nốt nhạc.
Viết tiếp câu chuyện hoà bình
Cùng tôi viết tiếp câu chuyện hoà bình
Nhìn quê hương sáng tươi trong bình minh
Nhìn ánh nắng chiếu rực rỡ quốc kỳ tung bay phấp phới
Lời bài hát mới của nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung đang lan toả như một ngọn lửa hy vọng. Trong mỗi phân xưởng, mỗi phiên đàm phán, mỗi chuyến tàu logistics xuyên lục địa, những người làm Công Thương hôm nay cũng đang viết tiếp câu chuyện hoà bình. Họ giữ vững thị trường, bảo vệ thương hiệu Việt, làm cầu nối với thế giới, đưa hàng Việt tới những thị trường xa nhất.
Không có phát triển nào bền vững nếu không có hoà bình. Nhưng cũng không có hoà bình thực sự nếu không có thịnh vượng và công lý. Ngành Công Thương đang là một phần của sứ mệnh ấy: Đưa Việt Nam không chỉ hội nhập, mà khẳng định mình bằng giá trị, trách nhiệm và bản lĩnh.
Có chúng tôi, những người Công Thương đang viết tiếp câu chuyện hoà bình!

Công đoàn Công Thương Việt Nam: Đổi mới, sáng tạo vì quyền lợi người lao động
Sáng 29/4, tại Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (Phú Thọ), đã diễn ra Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, Vệ sinh lao động năm 2025, với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Tổng liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Nguyễn Hữu Tú,…
Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Lê An Hải. Ảnh: Ngọc Tiến
Phát biểu tại lễ phát động, Chủ tịch Công đoàn Công Thương Việt Nam Lê An Hải cho biết, cho đến nay, công đoàn các cấp tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong trong đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, góp phần xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, vững mạnh trong thời kỳ hội nhập.

Giai cấp công nhân ngành Công Thương tiên phong đổi mới sáng tạo
Sáng 29/4, tại Công ty CP Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao (tỉnh Phú Thọ), đã diễn ra Lễ phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn, Vệ sinh lao động năm 2025, với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang, Tổng giám đốc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam Nguyễn Hữu Tú…
Mở đầu chuỗi hoạt động, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các đại biểu đã thị sát dây chuyền hoạt động sản xuất kinh doanh tại Công ty Cổ phần Supe phốt phát và Hoá chất Lâm Thao.
Ngay sau các hoạt động tham quan, khảo sát tại công ty, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cùng các thành viên trong đoàn công tác đã tham quan các gian hàng phúc lợi, khu vực chăm sóc sức khỏe, gian trưng bày sản phẩm Việt...Chương trình do Công đoàn Công Thương Việt Nam, Công đoàn Công nghiệp hóa chất Việt Nam phối hợp thực hiện kéo dài từ ngày 26/4 đến nay.
Đây là sự kiện mở màn mang tính biểu tượng, thể hiện sự quan tâm sát sao và hành động cụ thể của tổ chức công đoàn trong việc chăm lo sức khỏe - an sinh cho người lao động ngay từ những ngày đầu tiên của chuỗi hoạt động tháng 5.
Phát biểu tại lễ phát động, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và chuyển đổi số diễn ra mạnh mẽ, giai cấp công nhân ngành Công Thương cần trở thành lực lượng tiên phong về đổi mới sáng tạo, nâng cao tay nghề và bản lĩnh chính trị. Cùng với đó, tổ chức công đoàn phải thực sự là cầu nối giữa Đảng, chính quyền và người lao động; tích cực chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động, nhất là các nhóm yếu thế như lao động nữ, người làm việc trong môi trường độc hại.
Lễ phát động năm nay có ý nghĩa hơn khi diễn ra vào thời điểm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử 30/4, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là dịp để giai cấp công nhân, người lao động cả nước cùng ôn lại truyền thống đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; cùng ôn lại truyền thống vẻ vang và những đóng góp quan trọng của đội ngũ công nhân, người lao động trong thành tựu cách mạng chung của đất nước
Các đại biểu thực hiện nghi thức phát động Tháng Công nhân và Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động năm 2025. Ảnh: Cấn Dũng
Tại buổi lễ, Công đoàn Công Thương Việt Nam đã phát động và đề nghị các cấp công đoàn công thương Việt Nam tổ chức các hoạt động nhằm phát huy hiệu quả tại đơn vị. Ngoài ra, Công đoàn Công Thương Việt Nam sẽ tổ chức trao quà cho đoàn viên, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, bị tai nạn lao động trong ngành; tổng kết Tháng Công nhân và Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động năm 2025 trong tháng 5 và tháng 6.
Lễ phát động không chỉ khẳng định vai trò, vị trí và đóng góp của giai cấp công nhân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà còn thúc đẩy công nhân tích cực học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng, chuyển đổi nghề nghiệp, tiếp cận các xu hướng lao động hiện đại, thích ứng với bối cảnh hội nhập quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuẩn bị tâm thế cho giai đoạn phát triển mới của đất nước.

Đảng bộ Báo Công Thương: Vượt thách thức, nắm thời cơ, vững bước vươn mình
Nhiệm kỳ 2020 - 2025, dưới sự lãnh đạo toàn diện, xuyên suốt của Đảng bộ Báo Công Thương, tờ báo đã vững vàng vượt qua nhiều thử thách lịch sử: từ đại dịch COVID-19 đến những chuyển dịch địa - kinh tế phức tạp toàn cầu. Sự lãnh đạo sát sao của Đảng ủy, đặc biệt là chỉ đạo trực tiếp từ Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, chính là điểm tựa tư tưởng vững chắc để tập thể lãnh đạo Đảng bộ Báo Công Thương thích ứng linh hoạt, đổi mới quyết liệt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng ủy Báo Công Thương đã ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đề án Đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động Báo Công Thương giai đoạn 2023 - 2025 được xây dựng và thực hiện từ năm 2022.
Bắt đầu thực hiện từ năm 2023, Báo in Báo Công Thương đã tăng lên 3 kỳ/tuần (thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu); dung lượng 12 trang/kỳ. Đảng ủy Báo Công Thương cũng cho phép phát triển thêm các ấn phẩm phụ, chuyên đề, đặc san, song ngữ, báo giấy điện tử… theo xu thế phát triển công nghệ và yêu cầu nhiệm vụ tuyên truyền từng giai đoạn.
Điểm nổi bật nhất trong nhiệm kỳ này sự tăng trưởng vượt bậc của hệ thống Báo điện tử: Nếu như trước nhiệm kỳ Báo điện tử Công Thương vẫn giữ phương thức làm báo truyền thống với lượt xem trang là trên 17,6 triệu lượt xem, trung bình 1,4 triệu lượt xem mỗi tháng; năm 2021 giảm còn xấp xỉ 12 triệu lượt xem, trung bình gần 1 triệu lượt/tháng. Đến năm 2022 đã có sự bứt phá, đạt 30,5 triệu lượt xem, tăng 156% so với năm trước, đạt gần 2,6 triệu lượt xem/tháng. Từ tháng 1/2023 đến tháng 7/2023, lượng người xem trên Báo Công Thương điện tử hiện đạt mức hơn 1 triệu lượt xem (page view)/ngày, với hơn 30 triệu lượt xem mỗi tháng; cao gấp 12 lần so với năm 2022 và cao hơn 30 lần so với năm 2021.
Đặc biệt, đến thời điểm hiện tại, Báo Công Thương điện tử đã vươn lên nằm trong Top đầu trong nhóm các cơ quan báo chí bộ, ngành, có những thời điểm số lượt truy cập lên đến hơn 2 triệu/ngày. Nếu như tháng 2/2022, theo xếp hạng của Similarweb, Báo Công Thương điện tử chỉ xếp hạng vị trí 626 thì đến tháng 12/2023, Báo vươn lên vị trí Top 54, và hiện nay, là vị trí số 24 trong số các báo chí, trang tin điện tử có số lượng người xem cao nhất tại Việt Nam
Với việc lọt Top 24 tờ báo có số lượng người xem cao nhất tại Việt Nam năm 2024, Báo Công Thương đã về đích sớm 1 năm so mục tiêu năm 2025 mà Đề án Đổi mới đề ra. Đồng thời, thứ hạng trên cũng cho thấy, hướng đi đúng của Báo Công Thương trong việc phát triển báo chí theo xu hướng đa phương tiện và chuyển đổi số.
Cùng với đó, Báo Công Thương đã thiết lập hệ sinh thái truyền thông đa nền tảng. Từ chỗ chưa có nền tảng mạng xã hội nào, Báo Công Thương đã nhanh chóng xây dựng và phát triển, đến nay có đủ các nền tảng mạng xã hội: Facebook, Youtube, TikTok, Zalo… đều được chứng nhận tick xanh, tick xám, có từ hàng chục nghìn đến hơn 3 triệu người theo dõi; có nhiều tin, clip đưa trên mạng xã hội lượng truy cập đạt trung bình hàng chục ngàn đến hàng triệu lượt; thậm chí hơn 8 triệu lượt truy cập chỉ trong một thời gian ngắn. Đặc biệt kênh Youtube Báo Công Thương từ chưa có, đến nay đã được xây dựng đạt hơn 1,2 triệu người theo dõi. Trang Fanpage của Báo Công Thương có hơn 1,2 triệu người theo dõi...
Xác định chuyển đổi số báo chí là xu thế tất yếu ở tất cả các cơ quan báo chí, Đảng ủy Báo đã chỉ đạo thành lập Tổ công tác chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Đồng thời, liên tục chỉ đạo tổ chức lớp bồi dưỡng chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo. Thông qua các lớp đào tạo, các cán bộ, phóng viên đã từng bước triển khai ứng dụng AI vào biên tập, gợi ý đề tài, phân tích dữ liệu hành vi độc giả, tổng hợp thông tin thị trường…
Hàng năm, công tác tổ chức các sự kiện, hội thảo, tọa đàm chuyên sâu về chính sách ngành, liên kết vùng, xúc tiến thương mại, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng… được triển khai bài bản và thu hút sự quan tâm đặc biệt từ giới chuyên gia, doanh nghiệp và các cấp quản lý trung ương – địa phương.
Là thành viên của Ban Chỉ đạo 35 Bộ Công Thương và Cơ quan ngôn luận của Bộ, Báo Công Thương đã đi đầu trong việc tuyên truyền và tham mưu tổ chức các cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong ngành Công Thương.
Đảng ủy Báo Công Thương đã chỉ đạo thực hiện nhiều tuyến bài, chuyên đề bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác luận điệu sai trái, thù địch, qua đó góp phần củng cố niềm tin, khẳng định vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam trên mặt trận tư tưởng.
Với nền tảng được vun đắp từ nhiệm kỳ 2020 - 2025, toàn thể Đảng bộ, cán bộ, đảng viên, người lao động Báo Công Thương quyết tâm hành động và hiện thực hóa những mục tiêu chiến lược của nhiệm kỳ 2025 - 2030 trong Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tại Đảng bộ Báo Công Thương, công tác xây dựng Đảng luôn được đặt ở vị trí trung tâm, là “kim chỉ nam” cho mọi hoạt động.
Đảng bộ Báo Công Thương gồm 45 đảng viên, sinh hoạt tại ba chi bộ trực thuộc. Trong suốt nhiệm kỳ, công tác xây dựng Đảng được Đảng bộ xác định là nhiệm vụ then chốt, là nền tảng để triển khai thành công các hoạt động chuyên môn. Các chỉ tiêu về công tác Đảng đều đạt và vượt yêu cầu như: 100% chi bộ đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh; 90% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; trên 15% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mỗi năm…
Về công tác xây dựng Đảng về chính trị, các chi bộ và đảng viên kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát đường lối, chủ trương của Đảng. Các nghị quyết chuyên đề đã góp phần giải quyết nhiều vấn đề thực tiễn như xây dựng tòa soạn đa phương tiện, truyền thông chính sách, hay tháo gỡ khó khăn trong tuyển dụng viên chức theo kết luận 71 của Ban Bí thư.
Về công tác xây dựng Đảng về tư tưởng, công tác quán triệt và học tập nghị quyết, chỉ thị luôn được thực hiện nghiêm túc, nhất là việc đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 05 về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Các chi bộ tổ chức sinh hoạt chuyên đề, kết hợp hoạt động thực tiễn và giao lưu với các đơn vị trong và ngoài ngành.
Về công tác xây dựng Đảng về đạo đức, Đảng bộ kiên quyết triển khai các nghị quyết, kết luận Trung ương về chỉnh đốn Đảng, ngăn chặn biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Công tác giám sát tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu, được chú trọng.
Trong nhiệm kỳ qua, Đảng bộ Báo Công Thương đã thực hiện hiệu quả công tác tổ chức, kiện toàn bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả. Các ban mới như Ban Bạn đọc, Trung tâm Đa phương tiện và Nội dung số được thành lập, bố trí nhân sự đúng người, đúng việc, ưu tiên lực lượng làm báo. Từ cuối 2024, đơn vị đã giảm 18% đầu mối nội bộ theo tinh thần Nghị quyết 18.
Công tác xây dựng tổ chức Đảng luôn được chú trọng. Báo đã kết nạp 7 đảng viên mới, tiếp nhận 10, chuyển sinh hoạt 15 trường hợp; hằng năm có tới 80% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ. Việc sinh hoạt, tự phê bình và công tác kiểm tra giám sát được tổ chức định kỳ, đúng quy định.
Công tác cán bộ được thực hiện dân chủ, chặt chẽ; các quyết định nhân sự đều thông qua Đảng ủy. Công tác bảo vệ chính trị nội bộ được triển khai nghiêm túc, không để xảy ra vi phạm trong việc đi công tác, học tập hay thăm người thân ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, Đảng ủy đã phát huy tốt vai trò của các đoàn thể – Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Liên Chi hội Nhà báo – trong tham gia xây dựng Đảng, chăm lo đời sống người lao động.
Bước vào nhiệm kỳ mới 2025 - 2030, Đảng bộ Báo Công Thương xác định rõ phương hướng: tiếp tục xây dựng tổ chức Đảng trong sạch, vững mạnh; phát huy tinh thần đoàn kết, dân chủ, trách nhiệm; kiên định mục tiêu chính trị, tư tưởng, đạo đức gắn với nhiệm vụ chuyên môn.
Trên nền tảng Nghị quyết 57-NQ/TW về chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, Đảng bộ định hướng quy hoạch cán bộ có năng lực trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông đa phương tiện tham gia cấp ủy, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số toàn diện trong hoạt động báo chí.
Công tác kiểm tra, giám sát, xây dựng tổ chức và nâng cao chất lượng đảng viên tiếp tục được chú trọng. Mỗi cán bộ, đảng viên không chỉ là người viết báo, mà còn là người giữ gìn nền tảng tư tưởng Đảng, chủ động phản bác quan điểm sai trái, thù địch.
Trên mặt trận thông tin, Báo Công Thương sẽ tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung, phát triển mạnh báo điện tử và mạng xã hội, giữ vững vai trò báo in, xây dựng thương hiệu trở thành tờ báo kinh tế điện tử hàng đầu Việt Nam.
Hướng đến năm 2030, Đảng bộ Báo Công Thương đặt mục tiêu lọt top 20 tờ báo có lượng người đọc lớn nhất Việt Nam, tiến tới top 10 sau năm 2030. Cùng với đó là xây dựng mô hình newsroom số hiện đại, phát triển kinh tế báo chí bền vững, tăng thu nhập cán bộ khoảng 10% mỗi năm.
100% đảng viên tham gia học tập nghị quyết; các Chi bộ duy trì nền nếp sinh hoạt, nâng cao chất lượng lãnh đạo và sức chiến đấu. Đảng bộ phấn đấu không có đảng viên vi phạm kỷ luật, ít nhất 15% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm. Công đoàn, Đoàn Thanh niên giữ vững danh hiệu vững mạnh, tiêu biểu.
Trong nhiệm kỳ mới, công tác chính trị tư tưởng được tăng cường, gắn liền chuyển đổi số, Al hóa, sáng tạo báo chí thời đại mới. Đảng ủy chú trọng công tác kiểm tra, giám sát, phát triển đảng viên trẻ, nâng cao đạo đức cách mạng, chống chủ nghĩa cá nhân.
Đặc biệt, việc tinh gọn bộ máy, nâng cao chất lượng nhân sự theo tinh thần Nghị quyết 18 sẽ là giải pháp then chốt để xây dựng đội ngũ vững chuyên môn – vững chính trị, đưa Báo Công Thương sẵn sàng cho một “kỷ nguyên vươn mình” mạnh mẽ và toàn diện.
Với nền tảng được vun đắp từ nhiệm kỳ 2020- 2025, toàn thể Đảng bộ, cán bộ, đảng viên, người lao động Báo Công Thương quyết tâm hành động, tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần đổi mới sáng tạo không ngừng, đưa tờ báo ngày càng phát triển và hiện thực hóa những mục tiêu chiến lược của nhiệm kỳ 2025 - 2030 trong kỷ vươn mình của dân tộc.