16:06 | 10/04/2025
Biến sản phẩm vùng quê thành ‘chìa khóa’ mở hướng thoát nghèo Bản Nà Sự ‘thay da đổi thịt’ nhờ mô hình homestay Điện Biên: Hơn 30,7 tỷ đồng xây nhà cho hộ nghèo |
Khởi sắc du lịch cộng đồng
Theo Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Điện Biên Nguyễn Minh Phú: “Điện Biên xác định 3 trụ cột trong phát triển du lịch tỉnh: Ngoài phát triển về du lịch lịch sử tâm linh, du lịch chăm sóc sức khỏe nghỉ dưỡng gắn với thể thao thì du lịch văn hóa - cộng đồng đóng vai trò khá quan trọng.
Vì vậy, thời gian qua, tỉnh cũng có nhiều chính sách quan tâm, hỗ trợ cho phát triển du lịch cộng đồng, từ việc quy hoạch, khảo sát bài bản đến tuyên truyền, quảng bá, tạo các tour "Presstrip" đến hỗ trợ kinh phí cho các điểm có bà con tập trung làm mô hình homestay… bước đầu đã có nhiều khởi sắc”.
![]() |
Điện Biên có nhiều lợi thế để phát triển du lịch cộng đồng. Ảnh: Thu Thủy |
Từ vùng đất biên giới Mường Nhé, Nậm Pồ đến Tủa Chùa, Mường Ảng,… của Điện Biên, những bản làng người Mông, Hà Nhì, Thái trắng đang chuyển mình mạnh mẽ nhờ du lịch cộng đồng. Những homestay khang trang, đậm chất bản địa mọc lên không chỉ giúp người dân tăng thu nhập mà còn bảo tồn văn hóa truyền thống qua mỗi món ăn, điệu múa, khung cửi dệt thổ cẩm…
Bản Nà Sự (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ) là một trong những mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu của tỉnh Điện Biên. Đi vào hoạt động được gần 3 năm nhưng du khách khắp mọi nơi thường xuyên tìm đến trải nghiệm, tham quan. Với gần 40 hộ tham gia vào mô hình du lịch cộng đồng, cung ứng sản phẩm để cùng phát triển mô hình, nơi đây ngày càng khởi sắc, kinh tế người dân phát triển, thu nhập được nâng lên.
![]() |
Bản Nà Sự (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ) là một trong những mô hình du lịch cộng đồng tiêu biểu của tỉnh Điện Biên. Ảnh: Thu Thủy |
Đặc biệt, Nà Sự là một trong những mô hình du lịch cộng đồng đầu tiên ở Điện Biên áp dụng số hóa toàn diện. Đến đây, du khách chỉ cần quét mã QR là có đầy đủ thông tin các dịch vụ. Tại đây, chính quyền địa phương cũng đã xây dựng website, trang mạng xã hội cùng các thông tin, hình ảnh, các dịch vụ, nét văn hóa đặc sắc nơi đây để du khách có thể tìm hiểu, nhận diện đầy đủ về điểm du lịch này.
Tại thôn Huổi Lực, thị trấn Tủa Chùa, huyện Tủa Chùa, mô hình homestay của gia đình chị Lù Thị Pưng - là ví dụ điển hình cho sự đổi thay. Khởi đầu khó khăn, nhưng thời gian trở lại đây, homestay của gia đình chị đã thu hút hàng trăm lượt khách mỗi tháng, góp phần nâng thu nhập từ vài chục triệu lên hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
![]() |
Homestay Hà Nhì A Pa Chải thu hút ngày càng nhiều du khách bởi sự độc đáo văn hóa bản địa. Ảnh: Thu Thủy |
Homestay Hà Nhì A Pa Chải (xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé) của gia đình anh Chu Khai Phù cũng thu hút ngày càng nhiều du khách bởi sự độc đáo văn hóa bản địa người Hà Nhì.
“Gia đình chúng tôi cùng tập trung đầu tư khu du lịch cộng đồng, đầu tư không gian, khôi phục đúng theo nét văn hóa, truyền thống của dân tộc, tạo điểm đến hấp dẫn cho du khách khi đến nơi đây.
Rất nhiều bạn trẻ, du khách từ khắp mọi miền đất nước khi mong ước đến với cực Tây của Tổ quốc đều ghé qua đây trải nghiệm. Đây cũng là động lực thúc đẩy kinh tế gia đình phát triển và định hướng mở màn cho nhiều hộ gia đình bà con học tập”. anh Phù cho hay.
Gắn sản phẩm OCOP để phát triển bền vững
Một điểm đặc biệt khiến du lịch cộng đồng ở Điện Biên “giữ chân” du khách chính là sự gắn kết với các sản phẩm OCOP mang đậm đặc trưng địa phương. Với hơn 100 sản phẩm OCOP phong phú ở tỉnh, mỗi điểm du lịch cộng đồng, du khách có thể thỏa sức lựa chọn các sản phẩm.
Ở Mường Nhé có các loại rượu, lạc đỏ Mường Toong, lạp sườn, thịt trâu khô, thịt lợn khô cực Tây, mật ong hoa rừng. Ở Nậm Pồ có sản phẩm mật ong rừng, lạc đỏ Chà Nưa. Ở Tủa Chùa là chè shan tuyết, rượu gạo Pi Noọng, rượu Mông Pê Tả Chải, chẩm chéo, khoai sọ tím H'Mông. Ở Mường Ảng có cà phê phin Arabica, cà phê hòa tan Adew, cà phê bột Chị Em … Những sản phẩm này không chỉ phục vụ trải nghiệm mà còn là quà tặng du lịch giúp người dân nâng cao giá trị sản phẩm.
![]() |
Các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, lễ hội lớn với sự hỗ trợ của Sở Công Thương tỉnh Điện Biên đã đem lại hiệu quả. Ảnh: Thu Thủy |
Nhiều cơ sở homestay đã tổ chức trưng bày, giới thiệu sản phẩm ngay tại điểm lưu trú. Khi khách cần, chỉ cần đăng tin trong nhóm cộng đồng, bà con sẽ đem đến tận nơi. Cách làm này vừa linh hoạt, vừa lan tỏa hiệu quả kinh tế một cách công bằng và cộng đồng.
Để góp phần phát triển du lịch cộng đồng, đồng thời đẩy mạnh các sản phẩm giúp bà con tiêu thụ sản phẩm, Sở Công Thương tỉnh Điện Biên đã và đang tích cực triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP thông qua các hội chợ, lễ hội lớn như: Tuần Văn hóa - Du lịch Điện Biên, Hội chợ Du lịch Tây Bắc, Lễ hội Hoa Anh Đào 2024, chuỗi sự kiện giao lưu thương mại với Lào…
Đặc biệt, việc tổ chức điểm trưng bày OCOP và sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tại các địa phương giúp sản phẩm vùng cao có cơ hội tiếp cận rộng rãi hơn đến thị trường trong và ngoài nước.
![]() |
Ẩm thực độc đáo của người Thái trắng thu hút đông đảo du khách đến với các khu du lịch cộng đồng Điện Biên. Ảnh: Thu Thủy |
Sở Công Thương tỉnh Điện Biên không chỉ hỗ trợ xúc tiến mà còn đồng hành cùng các hợp tác xã, tổ nhóm sản xuất cải tiến mẫu mã, bao bì, nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP. Các sản phẩm như chè shan tuyết Tủa Chùa, gạo Séng Cù, cà phê Mường Ảng… đã trở thành món quà du lịch ý nghĩa, gia tăng giá trị trải nghiệm cho du khách.
Song song đó, việc khuyến khích các cơ sở lưu trú du lịch trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại chỗ đã góp phần hình thành mô hình du lịch cộng đồng gắn với thương mại bản địa, tăng doanh thu và mở ra hướng phát triển bền vững cho đồng bào vùng cao.
![]() |
Du khách giao lưu cùng đồng bào Thái trắng tại khu du lịch cộng đồng bản Nà Sự (xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ). Ảnh: Thu Thủy |
Việc lồng ghép chương trình OCOP trong phát triển du lịch không chỉ giúp quảng bá sản phẩm địa phương mà còn tạo ra cơ hội việc làm, tăng thu nhập, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa.
Theo định hướng của Sở Công Thương, thời gian tới, Điện Biên sẽ tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động kết nối tiêu thụ, đưa sản phẩm OCOP vào các kênh phân phối hiện đại, đồng thời xây dựng các điểm bán hàng đặc sản tại các khu du lịch, trở thành “cửa ngõ” để du khách khám phá, trải nghiệm và tiêu dùng hàng hóa mang đậm hồn cốt Tây Bắc.
Việc phát triển du lịch cộng đồng gắn với sản phẩm OCOP đang dần trở thành “công thức vàng” giúp Điện Biên khai thác hiệu quả các lợi thế đặc thù như: Địa hình, bản sắc văn hóa và tài nguyên bản địa. Đây không chỉ là giải pháp xóa đói giảm nghèo bền vững, mà còn là cách để tỉnh khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch quốc gia và khu vực. |
Đường dẫn bài viết: https://giamngheothongtin.congthuong.vn/dien-bien-cong-thuc-vang-tu-du-lich-cong-dong-gan-voi-san-pham-ocop-382277.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.