Giấc mơ thoát nghèo bừng sáng giữa sóng nước vùng cao

Từ mặt nước thủy điện mênh mông, đồng bào dân tộc thiểu số vùng cao Sơn La đang thắp lên khát vọng thoát nghèo, tự chủ sinh kế và bảo tồn văn hóa dân tộc.
Biến sản phẩm vùng quê thành ‘chìa khóa’ mở hướng thoát nghèo Giấc mơ thoát nghèo ươm mầm từ những hạt cà phê Dệt thổ cẩm – Dệt nên hành trình giảm nghèo bền vững

Khi lòng hồ thành nguồn lực chiến lược

Vùng cao Tây Bắc luôn mang trong mình vẻ đẹp hùng vĩ, hoang sơ, nơi sắc xanh của núi rừng hòa quyện với làn nước biếc của sông Đà. Chính nơi đây, lòng hồ thủy điện Sơn La đang trở thành một biểu tượng của sự phát triển mạnh mẽ. Với sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng của người dân tộc thiểu số, họ không chỉ làm chủ được cuộc sống mà còn khẳng định vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế du lịch, tạo dựng sinh kế bền vững, đồng thời bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần gìn giữ nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá cho thế hệ mai sau.

Lòng hồ thủy điện Sơn La với hơn 10.000 ha mặt nước đang trở thành “mỏ vàng xanh” với tiềm năng du lịch sinh thái và trải nghiệm cộng đồng đặc sắc. Trong năm 2024, toàn huyện Quỳnh Nhai đón trên 130.000 lượt khách, doanh thu từ các hoạt động du lịch tăng trưởng hơn 35% so với cùng kỳ. Thu nhập bình quân đầu người tại các xã ven hồ như Chiềng Bằng, Pá Ma Pha Khinh tăng gần gấp đôi trong vòng 5 năm qua.

Nơi đây, những thuyền cá cũ từng lặng lẽ trôi giữa lòng hồ nay đã hóa thành những con tàu du lịch chở giấc mơ sinh kế cho đồng bào. Những bản làng như Pá Uôn, Mường Giôn, Chiềng Bằng... giờ không chỉ là nơi cư trú mà trở thành điểm đến, nơi giao thoa giữa văn hóa, ẩm thực và cảnh quan, kết nối trái tim du khách.

Giấc mơ làm giàu bừng sáng giữa sóng nước vùng cao
Lòng hồ thủy điện Sơn La với hơn 10.000 ha mặt nước đang trở thành “mỏ vàng xanh” với tiềm năng du lịch sinh thái và trải nghiệm cộng đồng đặc sắc. Ảnh: Ngọc Hoa

Trong số những người khởi nghiệp từ lòng hồ, ông Là Văn Phong, người dân tộc Thái, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã (HTX) Quỳnh Nhai Travel là một câu chuyện đặc biệt. Sinh ra trong gia đình thuần nông tại bản Bó Ban, xã Chiềng Bằng, tuổi thơ ông gắn liền với sóng nước và những phiên chợ vùng cao. Tốt nghiệp Đại học Tây Bắc, thay vì tìm kiếm công việc nơi phố thị, ông quyết định trở về quê hương để khởi nghiệp với khát vọng: biến vẻ đẹp bản làng thành điểm đến du lịch cộng đồng.

Khởi nghiệp ban đầu với chiếc thuyền cá cũ, đưa khách đi tham quan cảnh sắc lòng hồ. Theo thời gian, dòng khách mỗi ngày một đông, không thể giữ mãi sự thô sơ, ông Phong cùng cộng sự đầu tư hai du thuyền hai tầng, mỗi chiếc sức chứa 40-120 khách, trị giá đến 500 triệu đồng. Từ chỗ "đón khách bằng tay không", HTX giờ đã xây dựng các tour bài bản: tham quan đảo, trải nghiệm chài lưới, ngủ bản, thưởng thức cá nướng Pa Pỉnh Tộp và xem múa xòe truyền thống.

Không dừng lại ở đó, ông Phong còn đầu tư khu nhà nổi tại vịnh Uy Phong, nằm tại bản Khoang, xã Pá Ma Pha Khinh như một bản du lịch nổi giữa lòng hồ. Nơi đây có sân bóng chuyền nước, khu đua thuyền, homestay, không gian tổ chức sự kiện.

Chia sẻ về hiệu quả mô hình, ông Là Văn Phong cho biết: "Thu nhập của bà con quanh khu vực vịnh Uy Phong hiện đã tăng hơn 1,6 lần so với trước. Mỗi năm, HTX đón từ 60.000 – 85.000 lượt khách, trong đó có nhiều đoàn khách quốc tế. Không chỉ tạo việc làm, chúng tôi còn giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, chú trọng đến trải nghiệm du lịch gắn với bảo tồn văn hóa và gìn giữ môi trường."

Từ ngư dân trở thành CEO du lịch không chỉ cần vốn, mà cần cả tư duy hiện đại, HTX đã mạnh dạn đầu tư chuyển đổi số trong quản lý và quảng bá dịch vụ. Đến nay, fanpage "Quỳnh Nhai Travel" với hơn 29.000 lượt theo dõi, cập nhật thường xuyên video trải nghiệm thực tế. Đồng thời, kênh TikTok của HTX cũng hút hơn 65.000 lượt thích – một con số ấn tượng với một vùng cao xa xôi.

Các tour tham quan, đặt phòng homestay, thanh toán trực tuyến... đều được tích hợp trên nền tảng số, giúp kết nối dễ dàng với du khách từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, đến quốc tế. Dữ liệu về khách hàng, hành trình, phản hồi được số hóa giúp cải thiện chất lượng dịch vụ theo thời gian thực. Nhờ đó, du lịch lòng hồ không còn là bức tranh chắp vá mà đang dần hình thành như một hệ sinh thái bài bản, có định hướng và có tương lai.

Những thước phim quay cảnh rừng núi, lòng hồ, người dân tộc cười tươi trong điệu múa xòe, khách Tây ăn cá nướng... đã khiến cộng đồng mạng xúc động. Du lịch ở đây không “bán cảnh”, mà bán trải nghiệm thật – cảm xúc thật – linh hồn thật. Tư duy mới ấy, khi gắn với giá trị văn hóa và tài nguyên bản địa, đã giúp vùng hồ Quỳnh Nhai hồi sinh. Không còn cảnh làm nông quanh năm vẫn nghèo, mà là cảnh chủ động làm du lịch – tạo việc làm – làm giàu bằng chính quê hương mình.

Gợi mở chính sách từ thực tiễn

Thành công của những mô hình như HTX Quỳnh Nhai Travel cho thấy tiềm năng rất lớn từ du lịch cộng đồng gắn với lòng hồ, đặc biệt trong việc giúp đồng bào dân tộc thiểu số chủ động phát triển sinh kế, từng bước thoát nghèo và làm giàu bền vững ngay tại quê hương mình. Nhưng để khơi thông và nhân rộng, cần sự đồng hành của chính sách từ cả cấp tỉnh lẫn Trung ương.

Giấc mơ làm giàu bừng sáng giữa sóng nước vùng cao
Du lịch trên lòng hồ thủy điện Sơn La – sắc nước đang thắp lên sắc sống. Ảnh: Ngọc Hoa

Trao đổi với Báo Công Thương, ông Nghiêm Văn Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Sơn La nhìn nhận, phát triển du lịch vùng hồ không chỉ là xu thế mà còn là lối mở chiến lược để xóa nghèo bền vững.

"Hiện nay, việc kết nối liên ngành giữa du lịch – thương mại – nông nghiệp là xu hướng tất yếu để thúc đẩy phát triển bền vững. Sơn La đang tập trung xúc tiến đầu tư các mô hình tích hợp giữa nông sản, văn hóa và du lịch tại các điểm dừng chân ven lòng hồ. Đây là hướng đi mới để nâng cao giá trị sản phẩm và kéo dài thời gian lưu trú của du khách”, ông Nghiêm Văn Tuấn chia sẻ.

Đặc biệt, để nâng cao chất lượng dịch vụ tại các điểm đến du lịch, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn cho bà con nhân dân làm du lịch, hướng dẫn viên, đội ngũ phục vụ tại các điểm đến. “Các lớp tập huấn này tập trung vào việc nâng cao nghiệp vụ đón tiếp khách, kỹ năng phục vụ buồng phòng, kỹ năng hướng dẫn du lịch chuyên nghiệp. Từ đó, bà con sẽ có ý thức hơn về việc làm du lịch, thay đổi cách thức phục vụ và có thái độ thân thiện, nhiệt tình với du khách”, ông Nghiêm Văn Tuấn nói.

Cũng theo Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Sơn La, tỉnh sẽ tiếp tục kiến nghị với Trung ương về việc hỗ trợ địa phương trong việc nâng cao năng lực quản lý, phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng, và hỗ trợ kinh phí để quảng bá du lịch Sơn La trên các kênh truyền thông lớn trong nước và quốc tế.

Những đốm lửa nhỏ đang bừng lên trên mặt nước mênh mông. Giữa đại ngàn Tây Bắc, người dân tộc thiểu số không chỉ làm du lịch để mưu sinh, mà đang viết nên một bản anh hùng ca mới – về sự tự chủ, sự vươn lên, và khát vọng không cam chịu nghèo đói. Du lịch trên lòng hồ thủy điện Sơn La – sắc nước đang thắp lên sắc sống.

Hành trình phát triển du lịch sinh thái tại lòng hồ Quỳnh Nhai không chỉ là câu chuyện một người trẻ dám nghĩ, dám làm. Đó còn là biểu tượng của sự chuyển mình từ nông dân sang người làm du lịch, từ người dân tộc chỉ quen nấu ăn, làm nông, giờ trở thành chủ homestay đón khách quốc tế.
Thiên Kim

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.