19:12 | 02/05/2025
Cánh đồng công nghệ cao mở lối giảm nghèo bền vững Giảm nghèo bằng chính sách, vươn tới phát triển bền vững Tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững cho người dân Kon Tum |
Chú trọng đào tạo nghề và xuất khẩu lao động
Huyện Thanh Sơn là một huyện miền núi còn nhiều khó khăn, thuộc tỉnh Phú Thọ. Đây là nơi sinh sống của 61% đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là dân tộc Mường và dân tộc Dao.
![]() |
Nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đào tạo kỹ năng làm nông nghiệp cho người dân địa phương nhằm giảm nghèo bền vững. Ảnh: Hoan Nguyễn |
Nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, những năm qua, huyện Thanh Sơn đã tập trung phát triển giáo dục nghề nghiệp cho người lao động ở nhiều độ tuổi khác nhau. Các khóa đào tạo nghề đã cung cấp kiến thức thực tiễn, kỹ năng làm nông nghiệp, chăn nuôi, và nghề truyền thống, giúp người dân nâng cao năng lực sản xuất.
Theo ông Đặng Quang Huy, Tỉnh uỷ viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Thanh Sơn: Trong 5 năm qua đã có hàng chục nghìn người là đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương trên địa bàn huyện được đào tạo nghề, tạo việc làm mới và xuất khẩu lao động.
Chị Phạm Thị Việt, xóm Ao Vèn, xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ là một minh chứng cho thấy hiệu quả của những lớp đào tạo nghề ngắn hạn được triển khai trên khắp các địa bàn huyện trong nhiều năm qua.
Sau khi tham gia các lớp tập tuấn về kỹ thuật chăn nuôi gà, quy mô chăn nuôi của gia đình chị đã tăng khoảng 7 lần, từ khoảng vài trăm con lên đến 7.000 con, cho chất lượng tốt hơn, giảm tình trạng gà chết bệnh, qua đó góp phần tăng năng suất và nguồn thu cho gia đình.
Bên cạnh đào tạo nghề, thời gian qua, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đối với người đi xuất khẩu lao động. Cụ thể, huyện Tam Nông đã phối hợp với các địa phương thông báo rộng rãi về nhu cầu tuyển dụng lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài để người dân được biết và lựa chọn thị trường phù hợp với năng lực và nhu cầu.
Với sự hỗ trợ đó, 100% xã, thị trấn trên địa bàn huyện Tam Nông đã thành lập ban chỉ đạo công tác xuất khẩu lao động. Nhằm tạo điều kiện thuận lợi về kinh phí cho lao động đi xuất khẩu lao động, các ngân hàng đóng trên địa bàn cũng tích cực triển khai cho vay xuất khẩu lao động và giải quyết việc làm; thực hiện thủ tục cho vay, giải ngân vốn nhanh chóng, chính xác, kịp thời.
Nhờ đó, năm 2024, toàn huyện Tam Nông đã đưa được gần 200 người đi xuất khẩu lao động. Thị trường được người lao động lựa chọn chủ yếu là: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc...
Để đạt được kết quả trên, huyện Tam Nông đã phối hợp lựa chọn và giới thiệu các doanh nghiệp có chức năng đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài uy tín, trách nhiệm và có các đơn hàng phù hợp với nhu cầu của người lao động.
Huyện tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tổ chức các buổi tư vấn tuyên truyền, tuyển chọn người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng; đồng thời tổ chức tuyên truyền, khuyến cáo cho người dân biết và đề cao cảnh giác trước những hoạt động môi giới đưa người lao động xuất cảnh trái phép.
Tại huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ, để hỗ trợ người dân tham gia xuất khẩu lao động tiếp cận được các doanh nghiệp, huyện đã mở 4 sàn giao dịch tại các cụm xã Thạch Kiệt, Lai Đồng, Xuân Đài và Long Cốc. Ngoài ra, khi quân nhân hoàn thành nghĩa vụ trở về địa phương, đều được tư vấn, hỗ trợ để họ tham gia xuất khẩu lao động.
Theo đó, hoạt động đưa người đi xuất khẩu lao động tại huyện Tân Sơn đã đạt được những kết qủa tích cực, nhiều gia đình ở các xã vùng cao tại huyện Tân Sơn đã có điều kiện cải thiện nhà ở và đời sống.
![]() |
Phú Thọ hỗ trợ người dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động. Ảnh minh hoạ |
Tặng cho người dân ‘cần câu thay vì con cá’
Có thể nói, chính sách đào tạo nghề và xuất khẩu lao động đang là một trong những giải pháp quan trọng được các địa phương trên địa bàn tỉnh Phú Thọ tích cực triển khai nhằm xoá đói giảm nghèo cho người dân địa phuơng. Đây cũng là chính sách được đánh giá cao, vì không chỉ tạo sinh kế bền vững cho người dân, chính sách này còn hỗ trợ người dân có được công việc ổn định về lâu dài để vươn lên thoát nghèo bền vững.
Tuy vậy, chính sách đào tạo nghề và xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Phú Thọ cũng đối mặt với những khó khăn, bởi Phú Thọ là tỉnh trung du miền núi, tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 17,15% dân số toàn tỉnh. Giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh có 58 xã thuộc khu vực I, II, III địa bàn miền núi và 70 thôn đặc biệt khó khăn, tập trung ở các huyện Thanh Sơn, Yên Lập, Tân Sơn.
Ở một số huyện như Thanh Sơn, Tân Sơn tỷ lệ hộ nghèo vẫn còn cao, cơ hội tiếp cận giáo dục của người dân còn hạn chế. Trong khi đó, các chương trình đào tạo nghề và phần lớn người sử dụng lao động tại thị trường nước ngoài đều muốn nhận lao động đã qua đào tạo, có trình độ chuyên môn, tay nghề, trình độ ngoại ngữ. Bởi lẽ, những lao động này có khả năng tiếp thu công việc nhanh, làm việc có năng suất và hiệu quả, thêm vào đó là ý thức tổ chức kỷ luật lao động và sinh hoạt tốt hơn.
Để công tác đào tạo nghề và xuất khẩu lao động đạt được hiệu quả ngày càng cao, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động trong và ngoài nước, thời gian gần đây, tỉnh Phú Thọ đặc biệt chú trọng đến công tác đào tạo từ nhà trường.
Theo đó, tỉnh Phú Thọ đã yêu cầu các cơ sở dạy nghề trên địa bàn không ngừng đổi mới trang thiết bị và chương trình giảng dạy, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp.
Khuyến khích tổ chức đào tạo các ngành nghề mà doanh nghiệp có nhu cầu sử dụng cao như: Công nghệ ô tô, hàn, cơ khí... để làm việc tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh và tham gia xuất khẩu lao động.
Đặc biệt, để phục vụ cho xuất khẩu lao động, việc định hướng, tư vấn cho sinh viên sau khi tốt nghiệp tham gia xuất khẩu lao động cũng được các cơ sở đào tạo quan tâm, cùng với đó tổ chức các sàn giao dịch việc làm, thu hút hàng chục doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, tư vấn ngành nghề với người lao động, từ đó, mở ra nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm với thu nhập cao cho sinh viên sau tốt nghiệp.
Đào tạo nghề và xuất khẩu lao động là một trong những hướng đi đang được tỉnh Phú Thọ áp dụng, nhằm nâng cao thu nhập và hỗ trợ người dân xoá đói, giảm nghèo. |
Đường dẫn bài viết: https://giamngheothongtin.congthuong.vn/phu-tho-tao-sinh-ke-cho-nguoi-dan-giam-ngheo-ben-vung-385801.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.