Người Cơ Tu thoát nghèo nhờ chè dây Ra Zéh

Cây chè dây Ra Zéh đang trở thành mô hình kinh tế hiệu quả tại xã Tư, huyện Đông Giang (Quảng Nam), giúp người Cơ Tu từng bước thoát nghèo, ổn định sinh kế.
Quảng Nam: Xúc tiến thương mại theo thế mạnh từng địa phương Quảng Nam: Chè dây Ra Zéh - sản vật của đồng bào Cơ Tu Giai đoạn 2022-2025, Quảng Nam phấn đấu giảm gần 12.000 hộ nghèo

Từ cây rừng thành cây kinh tế vùng cao

Chè dây vốn là loại cây mọc hoang dưới tán rừng và được đồng bào dân tộc Cơ Tu (huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam) gọi là Ra Zéh.

Từ xưa, người Cơ Tu khi vào rừng săn bắt thường hái chè dây về làm nước uống hằng ngày, nhất là với những gia đình có người đau bụng, mất ngủ, phụ nữ sau sinh. Sau này, khi nhu cầu tăng lên, người dân bắt đầu đưa chè dây về trồng gần nhà, hình thành các vùng canh tác nhỏ lẻ. Chè dây cũng từ đó theo các gùi hàng của phụ nữ Cơ Tu xuống chợ để bán. Tuy nhiên, việc mua bán này chủ yếu mang tính nhỏ lẻ, tự phát, thường bán ở dạng thô.

Người Cơ Tu thoát nghèo nhờ chè dây Ra Zéh
Từ mọc hoang trong rừng, chè dây Ra Zéh dần trở thành cây thoát nghèo của người Cơ Tu tại huyện Đông Giang (tỉnh Quảng Nam)

Nhận thấy thị trường có nhu cầu tiêu dùng chè dây Ra Zéh, ông Phạm Quốc Phòng (xã Tư, huyện Đông Giang) đã đưa loại cây này về trồng thử nghiệm, sau đó nhân rộng diện tích và hướng đến thương mại hóa sản phẩm.

Ông Phòng cho biết, mỗi ha chè dây có thể cho năng suất khoảng 7–8 tấn/năm, tương đương doanh thu khoảng 180 triệu đồng/ha/năm. Với 2 ha chè dây, sản lượng đạt khoảng 15–16 tấn nguyên liệu, thu về 180–200 triệu đồng sau khi trừ chi phí. Mức thu nhập này cao gấp nhiều lần so với trồng keo hay các loại cây ngắn ngày.

Để đảm bảo nguồn cung ổn định, ông Phòng liên kết với các hộ dân xung quanh để hình thành vùng trồng tập trung. Đồng thời, ông đầu tư bao bì, mẫu mã, nhãn mác để tăng giá trị gia tăng cho sản phẩm chè dây.

“Điểm đặc biệt là nước chè Ra Zéh sau khi nấu có thể để được vài ngày, ban đầu hơi đắng, sau có vị ngọt. Vì vậy, nhiều khách hàng ở thành phố đặt mua thường xuyên để nấu nước uống”, ông Phòng chia sẻ.

Cùng với hộ ông Phòng, nhiều hộ dân tại các thôn Panan, Zơ Rịa, Bhơ Hôồng trên địa bàn huyện Đông Giang cũng mở rộng diện tích trồng chè dây, từ vài sào ban đầu lên đến vài nghìn mét vuông mỗi hộ. Một số hộ kết hợp trồng hoa hồng cổ, mở vườn sinh thái và khai thác thêm dịch vụ tham quan, trải nghiệm.

Người Cơ Tu thoát nghèo nhờ chè dây Ra Zéh
Chè dây Ra Zéh lên sàn thương mại điện tử

Đồng hành cùng người dân từ sản xuất…

Trồng, chăm sóc và chế biến chè dây Ra Zéh là mô hình kinh tế được địa phương xác định là hướng phát triển trong chương trình giảm nghèo bền vững. Theo UBND xã Tư, chè dây Ra Zéh phù hợp với điều kiện đất rừng, dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng chỉ khoảng 7–8 tháng là có thể thu hoạch.

Để hỗ trợ người dân nâng cao chất lượng sản phẩm, tỉnh Quảng Nam đã quy hoạch vùng trồng tập trung, hỗ trợ giống và tổ chức tập huấn kỹ thuật cho người dân.

Cụ thể, năm 2017, Quảng Nam đã dành gần 1,14 tỷ đồng để nghiên cứu, phát triển và chế biến chè dây tại xã Tư. Theo đó, huyện Đông Giang đã triển khai các hoạt động nhằm hoàn thiện quy trình kỹ thuật nhân giống bằng hạt, cành, nuôi cấy invitro; trồng, chăm sóc, thu hoạch và sơ chế chè dây. Quá trình thực hiện đề tài nghiên cứu gắn với thực tế, người dân và hợp tác xã được hướng dẫn kỹ thuật tạo giống và chế biến sản phẩm.

Từ năm 2022, UBND xã phối hợp với Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đông Giang tổ chức nhiều lớp tập huấn canh tác, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, bảo quản sau thu hoạch và giới thiệu các kênh tiêu thụ ổn định. Nhờ đó, bà con không còn phụ thuộc vào thị trường tự phát với giá cả biến động thất thường.

Cũng nhờ nguồn giống chất lượng cao từ đề tài nghiên cứu, kết hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp, diện tích trồng chè dây liên tục được mở rộng. Hiện nay, tổng diện tích trồng chè dây tại xã Ba và xã Tư (huyện Đông Giang) đã lên đến hơn 35 ha, nguồn nguyên liệu giống ổn định, mang lại thu nhập lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi ha.

Người Cơ Tu thoát nghèo nhờ chè dây Ra Zéh
Chè dây Ra Zéh được quảng bá tại một hội chợ tại thành phố Đà Nẵng

Đến thương mại sản phẩm

Bên cạnh việc hỗ trợ giống cây, kỹ thuật trồng và chăm sóc chè dây, thời gian qua, huyện Đông Giang còn chú trọng xây dựng, quảng bá thương hiệu và tìm đầu ra cho sản phẩm.

UBND xã Tư đã thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp Dược liệu chuyên chế biến chè dây thành trà khô, trà túi lọc, trà dược liệu để cung cấp ra thị trường.

Năm 2021, sản phẩm chè dây Đông Giang được công nhận là sản phẩm OCOP 4 sao; được hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm và các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu tại tỉnh Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung. Ngoài ra, sản phẩm còn được liên kết bán qua kênh thương mại điện tử, đưa vào siêu thị.

Theo thống kê, trong hơn 60 hộ từng tham gia mô hình trồng chè dây tại xã Tư, hơn 70% đã thoát nghèo. Một số hộ không chỉ đủ chi tiêu sinh hoạt mà còn tích lũy được vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Các hộ khó khăn được hỗ trợ giống cây, phân bón ban đầu và đầu ra sản phẩm thông qua hợp tác xã.

Hiện nay, sản phẩm chè dây Ra Zéh của xã Tư đã được đưa vào nhóm sản phẩm tiêu biểu của huyện Đông Giang, trở thành sản phẩm quà biếu của lãnh đạo huyện khi đi công tác hoặc hội họp. Và, mô hình sản xuất, chế biến, tiêu thụ chè dây Ra Zéh đang mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt cho người Cơ Tu, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững vùng cao.

Chè dây Ra Zéh đang trở thành cây kinh tế chủ lực tại xã Tư, huyện Đông Giang (Quảng Nam), giúp hàng chục hộ đồng bào Cơ Tu thoát nghèo. Nhờ sự hỗ trợ giống, kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm qua hợp tác xã, diện tích chè dây ngày càng mở rộng, sản phẩm chè dây dần được đón nhận và tiêu thụ ổn định trên thị trường.
Vũ Lê

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.