15:54 | 14/04/2025
Giấc mơ thoát nghèo ươm mầm từ những hạt cà phê Miến dong Bắc Kạn: Hành trình thoát nghèo từ cây dong riềng Dệt thổ cẩm – Dệt nên hành trình giảm nghèo bền vững |
Giúp bà con thoát nghèo
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, anh Phạm Văn Trường – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông dược Xanh Mỹ Lung (xã Mỹ Lung, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) cho biết, cơ duyên đến với cây sắn dây của anh bắt đầu từ năm 2014, khi đó anh nung nấu phát triển một sản phẩm nông dược có thể trồng và chăm sóc tại địa phương để thoát nghèo và tạo công ăn việc làm cho người dân tại địa phương.
Với ý tưởng đó, anh Phạm Văn Trường đã tìm hiểu và nhận thấy những lợi ích từ cây sắn dây nên đã bắt tay vào trồng. Tuy nhiên, vì chưa có kinh nghiệm nên cây phát triển không tốt, hiệu quả kinh tế không cao.
![]() |
Anh Phạm Văn Trường (bên phải) - Giám đốc Hợp tác xã Nông dược xanh Mỹ Lung (huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ) bên cây sắn dây vừa thu hoạch. Ảnh: Hoàng Tiệp |
Với tinh thần ‘bại nhưng không nản’ anh Phạm Văn Trường đã chủ động đi học hỏi kinh nghiệm tại tỉnh Hải Dương và trở về áp dụng tại tỉnh Phú Thọ, dần dần anh đã biến những vùng đất khô cằn tại địa phương trở thành những cánh đồng sắn dây bát ngát, cho lợi nhuận mỗi năm nhiều trăm triệu đồng.
‘Tính đến thời điểm hiện tại, diện tích trồng sắn dây của Hợp tác xã Nông dược xanh Mỹ Lung đã lên tới gần 10 ha và dự định tăng lên đến khoảng 12 ha vào năm tới’ – anh Phạm Văn Trường chia sẻ.
Cũng theo anh Phạm Văn Trường, với sự phát triển mạnh mẽ về diện tích trồng cây sắn dây, hiện hợp tác xã đã tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 20 người dân địa phương, với thu nhập bình quân một tháng khoáng 7 triệu đồng/ người/ tháng.
Không chỉ giúp nhiều người lao động ở địa phương có công ăn việc làm ổn định, thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc tại địa phương, theo anh Phạm Văn Trường, hiện Hợp tác xã Nông dược xanh Mỹ Lung cũng đang liên kết với một số hộ nghèo, hộ cận nghèo có đất để mở rộng vùng sản xuất sắn dây, hướng đến mục tiêu cao hơn trong giai đoạn tới.
![]() |
Đầu tư công nghệ để chế biến bột sắn dây. Ảnh: Hoàng Tiệp |
Dệt ước mơ đưa sản phẩm vào kênh phân phối hiện đại
Khi vùng nguyên liệu cơ bản được đảm bảo và đạt các tiêu chuẩn, để tạo ra được sản phẩm tinh bột sắn dây an toàn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, Hợp tác xã Nông dược xanh Mỹ Lung đã mạnh dạn đầu tư hệ thống nhà xưởng sản xuất, 4 bể lắng với hệ thống sục thuận tiện.
Đặc biệt Hợp tác xã đã đầu tư 1 phòng sấy sắn dây bằng công nghệ sấy lạnh với công suất 1,5 tấn/lượt, cho phép điều chỉnh nhiệt độ và độ ẩm tự động một cách chính xác theo yêu cầu của quá trình sấy, với công nghệ này giúp bột sắn dây sau khi sấy giữ được hương vị tự nhiên, màu sắc và các thành phần dinh dưỡng quan trọng.
Anh Phạm Văn Trường chia sẻ, tất cả công đoạn sản xuất bột sẵn dây của hợp tác xã toàn dùng máy móc hết đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đặc biệt, các sản phẩm đều có mã vạch và mã QR, nên người tiêu dùng có thể truy suất nguồn gốc dễ dàng.
Với những nỗ lực đó, cuối năm 2024, sản phẩm Tinh bột sắn dây Trường Thịnh của Hợp tác xã Nông dược xanh Mỹ Lung đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao. Hiện nay, Hợp tác xã Nông dược xanh Mỹ Lung đã chuyển đổi mở rộng diện tích sắn dây với quy mô đạt 10 ha, trong đó có 5 ha đã được chứng nhận tiêu chuẩn VietGAP, hướng tới mục tiêu phát triển sản phẩm tinh bột sắn dây chất lượng cao mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh được người tiêu dùng biết đến.
Với quy trình sản xuất đảm bảo các quy định về an toàn thực phẩm, tinh bột sắn dây Trường Thịnh có màu trắng tinh khiết, khối vuông to, hương vị thơm đặc trưng. Giám đốc Hợp tác xã Nông dược xanh Mỹ Lung cho biết: "Bột sắn dây là thực phẩm sạch có thể dùng để uống trực tiếp nên quy trình sản xuất rất khắt khe phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vì vậy công đoạn nào cũng đều quan trọng và đều được giám sát chặt chẽ. Sản phẩm được đóng gói hút chân không để bảo quản được lâu hơn và đảm bảo chất lượng”.
Thay đổi tư duy từ bán trực tiếp sang kết hợp chế biến sâu, Hợp tác xã Nông dược xanh Mỹ Lung đang từng bước xây dựng thương hiệu “Tinh bột sắn dây Trường Thịnh” tạo thu nhập cho các thành viên, góp phần phát triển sản phẩm OCOP cho địa phương.
Mục tiêu của hợp tác xã trong thời gian tới sẽ là đưa sản phẩm vào hệ thống phân phối hiện đại, cụ thể là xuất hiện trên kệ tại các siêu thị lớn trên toàn quốc. Để đạt được mục tiêu này, hợp tác xã bên cạnh mở rộng diện tích vùng trồng, đầu tư máy móc, còn đặc biệt chú trọng đến chất lượng sản phẩm, hình thức mẫu mã để đáp ứng đầu vào của kênh phân phối hiện đại.
Sản phẩm tinh bột sắn dây Trường Thịnh của Hợp tác xã Nông dược xanh Mỹ Lung đã đạt chứng nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao vào năm 2024 và đặt mục tiêu đạt chứng nhận sản phẩm OCOP 4 sao vào năm 2025. |
Đường dẫn bài viết: https://giamngheothongtin.congthuong.vn/vuon-len-thoat-ngheo-tren-vung-dat-kho-nho-cay-san-day-382955.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.