11:57 | 19/04/2025
Kinh tế vùng dân tộc thiểu số chuyển mình nhờ chính sách Quế Bình Liêu: ‘Vàng xanh’ giúp bà con dân tộc làm giàu Những cánh tay nối dài chạm đến giấc mơ thoát nghèo của đồng bào dân tộc |
Giữ nghề, giữ hồn văn hoá
Giữa không gian xanh mát của vùng đất Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội), Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam không chỉ là nơi tái hiện đời sống truyền thống của 54 dân tộc anh em mà còn là “ngôi nhà chung” mang lại cả giá trị tinh thần và vật chất cho đồng bào. Ở đó, bà con không chỉ góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc mình mà còn tìm thấy cơ hội mưu sinh, có thêm thu nhập ổn định.
![]() |
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam hiện đã thu hút sự tham gia của 61/63 tỉnh, thành phố, với nhiều địa phương có tần suất đóng góp cao các chương trình, hoạt động như: Tỉnh Sơn La, Hà Giang, Đắk Lắk, Ninh Thuận … Mỗi hoạt động đều để lại dấu ấn đậm đà, từ lễ hội đua bò Bảy Núi, đua ngựa dân tộc Mông, tái hiện chợ nổi Nam Bộ… đến những ngày hội văn hóa vùng miền ngập tràn sắc màu.
Từ năm 2020, ông Trịnh Ngọc Chung - Cục trưởng Cục Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch cho biết, Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam bắt đầu thực hiện chương trình mời luân phiên 16 nhóm đồng bào dân tộc thiểu số về sinh hoạt và biểu diễn dài ngày tại Làng. Các nhóm đến từ những dân tộc như Tày, Nùng, Mông, Dao, Khơ Mú, Thái, Cơ Tu, Raglai, Ba Na… Mỗi đợt luân phiên thường kéo dài từ 3 đến 6 tháng, với 6–8 người/nhóm.
Tính đến cuối năm 2024, đã có gần 9.000 lượt nghệ nhân, già làng, trưởng bản từ khắp mọi miền đất nước được mời về đây. Họ trực tiếp trình diễn dân ca, dân vũ, giới thiệu nghề thủ công, tái hiện lễ hội, nếp sống truyền thống và các món ẩm thực vùng miền đặc sắc.
Bà con chính là những “đại sứ văn hóa” – người kể chuyện sống động và chân thực nhất về hồn cốt dân tộc, từ lễ cưới, ngày Tết, món ăn đến cách đón khách, đốt lửa trại. Những điều đó không chỉ truyền cảm hứng, mà còn khơi gợi sự đồng cảm, kết nối giữa các dân tộc vùng miền.
Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào
Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam không chỉ bảo tồn văn hóa mà đang từng bước trở thành không gian tạo sinh kế nhân văn, ổn định cho cộng đồng dân tộc thiểu số. Mỗi mái nhà, mỗi góc trưng bày, mỗi gian hàng thủ công tại đây đều mang theo câu chuyện của một vùng văn hóa, đồng thời cũng là nơi trao cơ hội mưu sinh cho đồng bào.
![]() |
Lượng du khách trong nước và quốc tế đến Làng Văn hóa - Du lịch ngày càng tăng. Ảnh: Văn Hiền |
Từ dệt thổ cẩm, làm gốm, chế tác nhạc cụ, đến biểu diễn dân ca, dân vũ… bà con được giới thiệu, biểu diễn, bán sản phẩm ngay tại không gian văn hóa đặc trưng của dân tộc mình. Không chỉ vậy, Làng còn là nơi “huấn luyện” cho bà con học kỹ năng giao tiếp, thuyết minh, biểu diễn chuyên nghiệp, từ đó nâng cao khả năng trình bày văn hóa bản địa, đáp ứng tốt hơn nhu cầu du khách trong và ngoài nước.
Thậm chí, đã có những nghệ nhân sau thời gian lưu trú tại Làng, quay về địa phương tiếp tục mở mô hình homestay, tổ chức tour trải nghiệm văn hoá tại bản làng, tạo thêm việc làm cho con cháu và thanh niên trong vùng,
Đáng chú ý, từ ngày 15/9/2024, bà con được hưởng mức hỗ trợ 4.800.000 đồng/người/tháng, theo Thông tư 05/2024/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. So với trước đây (mức thấp nhất chỉ 1.500.000đ/tháng), con số hiện tại là nguồn hỗ trợ rất thiết thực. Với nhiều nghệ nhân lớn tuổi hoặc gia đình ở vùng khó khăn, đây không chỉ là chi phí sinh hoạt, mà còn là nguồn động viên tinh thần lớn để họ yên tâm cống hiến, gìn giữ văn hóa.
Gắn bó với Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam đã hơn 10 năm, nghệ nhân ưu tú Y Sinh (dân tộc Xơ Đăng) nói với ánh mắt đầy xúc động, bà con đến đây để biểu diễn, để sống cùng văn hóa của mình – nhưng thật sự, Làng cũng là nơi giúp bà con có việc làm, có thu nhập, bớt đi phần nào khó khăn ở quê nhà.
Việc tạo điều kiện để đồng bào dân tộc vừa “giữ văn hóa” vừa “sống được” là định hướng lâu dài mà Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch kiên trì thực hiện. Trong đó, việc tăng mức hỗ trợ, đào tạo kỹ năng, bổ sung hiện vật trưng bày, phối hợp chọn đúng nhân sự có chuyên môn tiếp tục được đẩy mạnh.
Từ năm 2025 trở đi, Làng Văn hoá – Du lịch các dân tộc Việt Nam đặt mục tiêu mời thường xuyên 40-50% dân tộc trong số 54 cộng đồng dân tộc Việt Nam, với ít nhất 8 người/nhóm, đảm bảo đại diện vùng miền và xoay vòng luân phiên đều đặn. Đây sẽ là nguồn động lực mới mở rộng cơ hội việc làm cho hàng trăm hộ dân mỗi năm.
![]() |
Bà con đồng bào dân tộc trình diễn nghề truyền thống tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Ảnh: TTXVN |
Thứ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thuỷ nhấn mạnh, 15 năm hình thành và phát triển của Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam được đánh dấu bởi sự khởi sắc trong các hoạt động văn hóa phong phú, đa dạng, với sự hiện diện thường xuyên, ngày một sâu sắc, sông động của các nhóm đồng bào dân tộc đến từ các địa phương.
Sức hấp dẫn ấy đã được minh chứng rõ nét thông qua những con số biết nói, lượng du khách trong nước và quốc tế ngày càng tăng, năm sau cao hơn năm trước, các hoạt động ngày càng phong phú, hấp dẫn hơn, để lại những ấn tượng tốt đẹp, góp phần lan tỏa giá trị văn hóa đặc sắc của các dân tộc tới công chúng trong và ngoài nước.
Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vì thế không chỉ là biểu tượng của đại đoàn kết, mà còn là minh chứng sống động cho một cách làm văn hóa gắn liền với kinh tế, nhân văn và bền vững, nơi văn hóa trở thành sinh kế, di sản trở thành cơ hội phát triển.
Thời gian tới, lãnh đạo Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch mong muốn cùng xác lập một định hướng phát triển lâu dài, bền vững hơn để Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam thực sự trở thành biểu tượng sinh động của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là điểm đến văn hóa hấp dẫn, giàu bản sắc và mang tính nhân văn sâu sắc, cũng như là nơi tạo sinh kế bền vững cho cộng đồng.
Giai đoạn đến 2030, Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đặt mục tiêu mời thường xuyên 40 - 50% thành phần dân tộc trong tổng số 54 dân tộc Việt Nam tham gia sinh hoạt hàng ngày, mỗi nhóm tối thiểu 8 người, đảm bảo tính đại diện vùng miền và luân phiên giữa các cộng đồng |
Đường dẫn bài viết: https://giamngheothongtin.congthuong.vn/ngoi-nha-chung-mo-loi-sinh-ke-cho-dong-bao-dan-toc-383848.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.