10:38 | 20/04/2025
Đòn bẩy giảm nghèo từ đặc sản bản địa Cánh đồng công nghệ cao mở lối giảm nghèo bền vững Chính sách giảm nghèo tạo dựng sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc Thủ đô |
Mở đường bằng chính sách, dựng xây bằng niềm tin
Ở miền non nước Hòa Bình nơi những bản làng người Mường, Dao, Tày, Thái dọc theo sườn núi vẫn còn in dấu vết của nghèo khó, hôm nay đang vươn mình trong một diện mạo khác: Chủ động phát triển, không trông chờ, không bị động. Điều đó không đến từ sự ngẫu nhiên, mà là kết quả của một chiến lược chính sách giảm nghèo mang dấu ấn đặc biệt của tỉnh, nơi mà mỗi đồng ngân sách được tính đến hiệu quả thực chất, không chỉ "cho" mà phải "giúp" dân tạo được sinh kế lâu dài.
Chính quyền Hòa Bình đã lựa chọn một hướng đi: giảm nghèo không chỉ là cứu đói, hỗ trợ, mà là kiến tạo môi trường phát triển kinh tế để người dân thoát nghèo bằng chính năng lực sản xuất, bằng tri thức, bằng liên kết thị trường.
![]() |
Nhờ nguồn vốn hỗ trợ từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, người dân phát triển sản xuất nông nghiệp cho hiệu quả cao. Ảnh: Lê Huệ |
Để thực hiện, tỉnh đã ban hành đồng loạt nhiều chính sách đặc thù, đi trước một bước so với Trung ương. Điển hình như Nghị quyết 216 về hỗ trợ vốn đi lao động nước ngoài theo hợp đồng mở ra cơ hội lọc thu nhập ổn định cho thanh niên vùng cao; hay chính sách bớt trợ y tế, tiền Tết cho hộ nghèo, hộ cận nghèo - không chỉ là trợ giúp vật chất mà là quan tâm đến an sinh tinh thần.
Điển hình như tại Mai Châu, mô hình du lịch cộng đồng gắn với OCOP đã biến những nhà sàn thành homestay, biến bà con thành hướng dẫn viên, người dệt vải, người nấu cơm lam, biểu diễn văn nghệ. Mỗi đoàn khách đến là một lần tiền đổ vào tay người dân.
Tại Đà Bắc, hàng loạt mô hình chăn nuôi bò lai Sind, trồng dược liệu, nuôi ong, đã được hỗ trợ thẳng vào hộ nghèo, cận nghèo với mức hỗ trợ trung bình 16 triệu đồng/hộ. Các dự án đã triển khai tại 10/10 huyện, với hơn 270 dự án sản xuất, sinh kế, đào tạo nghề, truyền thông giảm nghèo,...
Tổng nguồn lực huy động cho chương trình giảm nghèo giai đoạn 2021–2024 đã lên tới 732 tỷ đồng, trong đó đã giải ngân hơn 594 tỷ đồng. Các chương trình đã hỗ trợ xây dựng hoặc sửa chữa gần 2.500 nhà ở cho hộ nghèo, xây dựng hàng trăm công trình hạ tầng giao thông, nước sạch, trường học, trạm y tế...
Chính sách không chỉ là từ giấy đi xuống, mà là phải đi vào thực tế đời sống. Tỉnh Hòa Bình đã ban hành Nghị quyết 183 về lồng ghép vốn các chương trình; Nghi quyết 402 về phân cấp quản lý; đồng thời, ban hành hơn 16 kế hoạch, quyết định để đảm bảo chương trình triển khai đồng bộ, bài bản.
Không dừng lại ở đó, tỉnh còn giám sát chặt chẽ: 03 đoàn giám sát điều tra hộ nghèo, 02 đoàn đánh giá chương trình; hàng trăm lớp tập huấn cho 24.000 cán bộ xã, thôn, trưởng bản, chi hội đoàn thể.
Kết quả là: Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 15,49% vào năm 2021 xuống còn 6,59% vào năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 20,08% còn 8,46% và 100% hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện được hưởng chính sách y tế, giáo dục, nhà ở, tín dụng...
Giảm nghèo gắn với phát triển bền vững
Trên nền tảng của những thành quả đã đạt được, Hòa Bình không ngủ quên trong men say chiến thắng. Ngược lại, tỉnh đang thể hiện rõ một tinh thần hành động khẩn trương, với khát vọng không chỉ giảm nghèo mà phải xoá nghèo tận gốc, nâng chất cuộc sống người dân miền núi bằng các trụ cột phát triển bền vững.
Trong tầm nhìn phát triển đến năm 2025 và xa hơn tới 2030, tỉnh Hòa Bình xác định: giảm nghèo không đơn thuần là hạ tỷ lệ hộ nghèo, mà là tạo dựng một xã hội bao trùm, nơi mọi người dân đều được bảo đảm quyền tiếp cận cơ hội phát triển, từ y tế, giáo dục, đến nhà ở, đất sản xuất, tín dụng và thông tin. Tỉnh không chọn cách cứu trợ một lần mà chọn cách đồng hành lâu dài để mỗi người dân có thể đứng vững trên đôi chân mình.
![]() |
Ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình. Ảnh: Thu Hường |
Theo ông Nguyễn Văn Toàn – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoà Bình cho biết, mục tiêu cụ thể năm 2025, giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh xuống dưới 5% và đến năm 2030, Hòa Bình phải vươn mình trở thành tỉnh phát triển khá trong nhóm các địa phương miền núi phía Bắc, với mức sống trung bình và chỉ số phát triển con người (HDI) ngày càng nâng cao.
Đó không chỉ là con số, mà là khát vọng – khát vọng làm mới mình của một miền đất từng gắn với chữ "nghèo" qua nhiều thập kỷ. Giờ đây, Hòa Bình không chấp nhận nghèo là số phận. Nghèo chỉ là xuất phát điểm. Về đích, phải là tự do và thịnh vượng.
“Với nền tảng đã được tạo dựng, tỉnh Hòa Bình đang tiếp tục đặt ra mục tiêu lớn hơn, xa hơn: giảm nghèo đa chiều, bền vững và không để ai bị bỏ lại phía sau. Trọng tâm không chỉ là xóa nghèo thu nhập, mà còn là nâng cao tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin – những yếu tố cấu thành nên chất lượng cuộc sống của người dân”, ông Nguyễn Văn Toàn nhấn mạnh.
Để đạt mục tiêu này, tỉnh Hòa Bình không đơn thuần đưa ra một danh mục các chính sách, mà đang xây dựng một bản phối nhịp nhàng giữa hành động, niềm tin và khát vọng. Những định hướng chiến lược cho giai đoạn tới được cụ thể hóa thành các nhóm chính sách trụ cột, mỗi chính sách như một trụ chống trời cho mái nhà sinh kế của người dân miền núi.
Trước hết, tỉnh tập trung phát triển sinh kế đặc thù theo từng vùng. Tại các khu vực vùng cao, khí hậu mát mẻ và độ ẩm lớn là lợi thế để phát triển dược liệu bản địa, kết hợp với chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò. Vùng thấp và ven hồ thủy điện được định hướng trồng cây ăn quả, nuôi cá lồng, phát triển nông sản hàng hóa. Những vùng có thế mạnh văn hóa được định hướng rõ ràng phát triển du lịch cộng đồng gắn với các giá trị truyền thống, đưa sản phẩm OCOP đi cùng trải nghiệm văn hóa bản địa.
Bên cạnh đó, tỉnh tăng cường hỗ trợ tín dụng ưu đãi và thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp. Từ việc vay vốn chính sách, người dân không chỉ có thêm đồng vốn mà còn được kết nối với các hợp tác xã, doanh nghiệp, tổ chức tư vấn kỹ thuật và thị trường. Điều này giúp họ không bị đứt gãy trong chuỗi giá trị sản xuất – tiêu thụ, không bị bỏ rơi giữa cánh đồng nông sản không người mua.
Một mũi nhọn nữa là đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với nhu cầu thị trường. Tỉnh sẽ chú trọng đào tạo nghề phi nông nghiệp như kỹ năng số, vận hành thiết bị, thương mại điện tử, nghề dịch vụ du lịch mở thêm lối đi cho thanh niên vùng cao không chỉ làm nông, mà còn có thể lập nghiệp bằng nhiều con đường mới trong nền kinh tế hiện đại.
Cuối cùng, một trụ cột không thể thiếu trong bức tranh tổng thể ấy chính là sự điều hành linh hoạt và sâu sát từ chính quyền cơ sở. Tỉnh Hòa Bình tiếp tục kiên định với phương châm lồng ghép hiệu quả các nguồn lực đầu tư từ chương trình mục tiêu quốc gia đến ngân sách địa phương và huy động xã hội hóa để không chỉ tránh chồng chéo, lãng phí, mà còn tạo ra sức mạnh cộng hưởng.
Cùng với đó là chủ trương phân cấp mạnh mẽ cho cấp huyện, xã, bản – những người trực tiếp hiểu dân, sát dân, sống cùng dân. Chính sự trao quyền ấy không chỉ giúp bộ máy vận hành hiệu quả mà còn tạo ra những cán bộ "biết lo cho dân nghèo bằng trái tim của người trong cuộc".
Bởi chỉ khi xã, thôn, bản là người hiểu rõ nhất về dân, thì chính sách mới có thể đi đúng đường, đến đúng tay, và phát huy được đúng tác dụng. các nguồn lực và tăng cường phân cấp, trao quyền nhiều hơn cho cấp cơ sở. Bởi chỉ khi xã, thôn, bản là người hiểu rõ nhất về dân, thì chính sách mới có thể đi đúng đường, đến đúng tay, và phát huy được đúng tác dụng.
Tỉnh Hòa Bình không chọn cứu trợ nhất thời mà kiến tạo cơ hội lâu dài. Giảm nghèo bằng sinh kế, bằng tri thức, bằng chính khát vọng của người dân miền núi. Giảm nghèo không chỉ là giúc bà con đủ ăn đủ mặc, mà là khai mở con đường phát triển kinh tế tự thân. |
Đường dẫn bài viết: https://giamngheothongtin.congthuong.vn/giam-ngheo-bang-chinh-sach-vuon-toi-phat-trien-ben-vung-383970.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.