10:54 | 21/04/2025
Vẽ sáp ong trên vải lanh: Nghề người Mông giữa hội nhập Củ cải muối Hà Giang tiếp tục ‘xuất ngoại’ thành công sang Nhật Bản Fìn Hò Trà: Nâng tầm vị chè Shan tuyết nơi rẻo cao |
Từ khung cửi bản làng đến thị trường quốc tế
Năm 2001, Xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ đã thành lập Hợp tác xã (HTX) dệt lanh Lùng Tám, (Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) nhằm vừa giải quyết việc làm cho lao động địa phương, vừa sản xuất các mặt hàng thổ cẩm phục vụ du khách. Không dừng lại ở các mặt hàng quần áo truyền thống, phụ nữ Mông ở đây đã biết cách tạo ra nhiều mẫu sản phẩm mới như: Khăn, ví, túi xách, vỏ gối, khăn trải bàn... từ lanh với nhiều màu sắc và hoa văn tinh tế.
![]() |
Bà Vàng Thị Mai - Giám đốc HTX dệt lanh Lùng Tám |
Chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương, bà Vàng Thị Mai - Giám đốc HTX Dệt lanh Lùng Tám cho biết: Đến nay, Hợp tác xã có 9 tổ sản xuất, với hơn 130 xã viên, đa phần là người địa phương và 100% là dân tộc Mông. Thu nhập bình quân của xã viên trung bình từ 3-4 triệu đồng/tháng. Những xã viên có trình độ tay nghề cao thu nhập dao động từ 6-7 triệu đồng/tháng.
Những năm trở lại đây, sản phẩm lanh của HTX đã có thương hiệu được khách hàng trong và ngoài nước ưa chuộng, tiêu dùng. Tiêu biểu như đã có mặt tại các thị trường như: Pháp, Mỹ, Nga, Canada, Thụy Sỹ, Nhật Bản...
Không chỉ là nơi bảo tồn, phát triển nét văn hóa độc đáo, giúp cải thiện thu nhập cho người dân bản địa mà HTX Dệt lanh Lùng Tám còn trở thành địa điểm được nhiều du khách tìm đến.
![]() |
Du khách Pháp đến thăm quan mua sắm tại Hợp tác xã |
Chỉ tính riêng năm 2024, HTX Dệt lanh Lùng Tám đón trên 2.000 lượt khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm và mua sắm sản phẩm. Đây đang là hướng đi hiệu quả của Hợp tác xã khi kết hợp nghề truyền thống với phát triển du lịch, qua đó từng bước nâng cao thương hiệu sản phẩm từ lanh của bà con.
Chị Sùng Thị Dua (36 tuổi, xã viên) cho biết: Tôi làm việc tại hợp tác xã gần 18 năm, thu nhập hiện nay khoảng hơn 4 triệu đồng một tháng, có những tháng cao điểm lên tới hơn 7 triệu đồng. Hiện tại, nguồn thu nhập chính của chị từ công việc dệt lanh, ngoài ra gia đình chị Dua vẫn làm những công việc sản xuất nông sản.
![]() |
Các xã viên tại HTX Dệt lanh Lùng Tám có thu nhập trung bình từ 3-5 triệu đồng/người/ tháng |
Để sản phẩm có thể bắt kịp với nhu cầu của thị trường, HTX không ngừng học hỏi, cải tiến mẫu mã thành nhiều sản phẩm đa dạng, bắt mắt với trên 18 mẫu sản phẩm gồm: Đồ để trang trí, tranh treo tường, miếng trải gối, túi đựng điện thoại… với nhiều kiểu hoa văn, họa tiết độc đáo, hấp dẫn mang đậm nét văn hóa của đồng bào Mông.
Trung bình các sản phẩm có giá trị dao động 60.000 - 1.500.000 tùy từng kích thước, chủng loại. Đến nay, hợp tác xã đã tìm được thị trường ổn định như Hà Nội, Điện Biên… Ngoài ra, sản phẩm còn được bán cho khách du lịch đến địa phương.
Khi du lịch và nghề truyền thống cùng nâng tầm sản phẩm bản địa
Còn tại HTX lanh Cán Tỷ, được thành lập năm 2010, tạo việc làm cho 30 phụ nữ từ các thôn bản lân cận. Bên cạnh những sản phẩm thổ cẩm với hoa văn truyền thống còn có nhiều sản phẩm mới, hoa văn cách điệu hơn, hiện đại hơn.
![]() |
Bà Giàng Thị Say- Giám đốc Hợp tác xã Lanh Cán Tỷ |
Sản phẩm thổ cẩm của HTX rất được ưa chuộng, hiện đã góp mặt ở nhiều thị trường trong nước và thế giới, ngoài nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống còn góp phần bảo tồn và giữ gìn giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của cộng đồng người Mông ở khu vực này.
Bà Giàng Thị Say- Giám đốc Hợp tác xã cho biết, bà đã cùng một nhóm các chị em có nghề dệt đứng lên thành lập HTX Dệt lanh Cán Tỷ năm 2010. Khi mới thành lập HTX Dệt lanh Cán Tỷ, sản phẩm lanh của HTX gặp rất nhiều khó khăn. Nhưng nhờ các cơ chế khuyến khích của tỉnh, huyện, hỗ trợ trưng bày, giới thiệu sản phẩm ở các lễ hội, hội chợ, khu du lịch… nên sản phẩm lanh của HTX dần có chỗ đứng, nhận được sự tin tưởng, yêu thích của khách hàng.
Theo Giám đốc HTX Dệt lanh Cán Tỷ, để sản xuất ra một sản phẩm được làm từ vải thổ cẩm lanh, những phụ nữ dân tộc Mông phải mất rất nhiều công sức với hàng chục công đoạn làm hoàn toàn bằng thủ công.
![]() |
Xã viên HTX Lanh Cán Tỷ giới thiệu những sản phẩm có màu sắc, kiểu dáng thời trang phù hợp thị hiếu du khách |
Từ những sản phẩm thổ cẩm lanh, phụ nữ người Mông Cán Tỷ ngày nay đã làm gần 40 sản phẩm như: Váy, áo, trang phục cách điệu, khăn quàng, ví, túi đeo điện thoại, ba lô, chiếc móc chìa khóa xinh xắn trở thành hàng hóa được rất nhiều khách du lịch trong và ngoài nước ưa chuộng. Nghề dệt lanh Cán Tỷ truyền thống của đồng bào dân tộc Mông không chỉ có ý nghĩa bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc mình mà còn góp phần thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế xã hội của địa phương.
Bà Giàng Thị Say cho biết: Trước kia, khi mới thành lập, các sản phẩm vải lanh của HTX cũng gặp không ít khó khăn trong quá trình tiêu thụ. Nhưng nhờ có các cơ chế khuyến khích, hỗ trợ của tỉnh trong quá trình giới thiệu và quảng bá sản phẩm tại các lễ hội, các hội chợ, các khu du lịch… nên hiện nay các sản phẩm từ nghề dệt lanh của HTX đã có chỗ đứng trên thị trường.
![]() |
Bà Giàng Thị Say giới thiệu về những tấm vải lanh với màu sắc, hoa văn đa dạng |
Các sản phẩm từ nghề dệt lanh của HTX đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của khách tham quan, người tiêu dùng và đã có mặt tại hầu hết các hội chợ trong và ngoài tỉnh. 13 năm thành lập và phát triển HTX Dệt lanh Cán Tỷ tạo công ăn việc làm và thu nhập cho hàng chục phụ nữ người Mông trên địa bàn. Tùy từng công đoạn và độ khéo tay mà người lao động sẽ được trả tiền công tương xứng, trung bình 3 - 5 triệu đồng/tháng.
Theo ông Trần Việt Thế - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang cho biết :Năm 2025, Hà Giang phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều 4,7%, tương ứng giảm 8.493 hộ nghèo và cận nghèo.
"Thông qua việc phát huy hiệu quả của các chương trình quốc gia cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số, cùng với ngành văn hóa, du lịch chúng tôi cũng đã tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm thủ công truyền thống, sản phẩm nông sản hàng hóa, các sản phẩm OCOP đồng thời đẩy mạnh khai thác các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc vào phát triển du lịch. Đây là hoạt động thiết thực, giúp người dân có thu nhập ổn định, góp phần cải thiện đời sống của cộng đồng, quảng bá và lan tỏa văn hóa đến du khách trong, ngoài nước"- ông Thế cho hay.
Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch, sản phẩm truyền thống thành hàng hóa đã tạo ra bước đột phá nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm dệt lanh, đáp ứng nhu cầu về chất lượng sản phẩm đối với người tiêu dùng trong và ngoài nước, góp phần hình thành chuỗi sản xuất hàng hóa giá trị cao.
Có thể thấy, việc triển khai hiệu quả nhiều mô hình phát triển kinh tế ở Hà Giang thời gian qua đã mang lại hiệu quả tích cực, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, cải thiện đời sống, tăng thu nhập của người dân. Đặc biệt là ở các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn thông qua tìm kiếm việc làm phi nông nghiệp và hỗ trợ xây dựng. Tạo điều kiện cho người nghèo, hộ nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản… |
Đường dẫn bài viết: https://giamngheothongtin.congthuong.vn/det-lanh-tu-thu-cong-truyen-thong-den-chuoi-gia-tri-hang-hoa-384075.html
In bài viếtBản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.