Tạo sinh kế, giảm nghèo bền vững cho người dân Kon Tum

Nhiều hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo ở Kon Tum được tạo cơ hội phát triển sản xuất, tạo lập sinh kế, hướng tới mục tiêu thoát nghèo bền vững.
Chính sách giảm nghèo tạo dựng sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc Thủ đô Yên Bái: Xóa nhà tạm cho hộ nghèo trước 30/8 Giảm nghèo bằng chính sách, vươn tới phát triển bền vững

Thời gian qua, các địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã và đang tích cực triển khai Dự án “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021–2025. Qua đó, nhiều hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo đã có thêm cơ hội phát triển sản xuất, tạo lập sinh kế, hướng tới mục tiêu thoát nghèo bền vững.

Đa dạng mô hình, lan tỏa hiệu quả

Đầu năm 2021, Kon Tum có 21.989 hộ nghèo, chiếm 15,32% hộ dân toàn tỉnh (chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, với gần 21.000 hộ). Đến cuối năm 2024, Kon Tum chỉ còn 6.557 hộ nghèo. Đây kết quả từ sự đồng lòng, thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp từ các đề án, chương trình, mang đến một “sức bật” lớn cho kinh tế Kon Tum trong năm 2025.

Tại huyện Kon Rẫy, chính quyền địa phương đã xây dựng 16 mô hình sinh kế, chủ yếu tập trung vào chăn nuôi bò sinh sản với 116 hộ tham gia, trồng cây ăn quả như sầu riêng, mít Thái với 248 hộ, cây mắc ca với 121 hộ và trồng cao su với 20 hộ.

giảm nghèo bền vững
Người dân xã Đăk Ruồng được cấp bò sinh sản

Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ giống cây, vật nuôi, vật tư sản xuất, chuyển giao kỹ thuật canh tác mới và tập huấn kỹ thuật chăm sóc. Nhờ đó, các mô hình đều phát triển khả quan, mở ra cơ hội tăng thu nhập cho người dân.

Ông A Preh (69 tuổi, thôn 10, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy), một trong những hộ được hỗ trợ bò giống, chia sẻ: "Gia đình tôi thu nhập chủ yếu dựa vào lúa, mì nên quanh năm vẫn còn khó khăn. Từ khi biết gia đình được tham gia dự án, tôi chủ động xây dựng chuồng trại phù hợp và trồng thêm 1 sào cỏ voi để phục vụ chăn nuôi bò. Sau khi được hỗ trợ 1 con bò cái, gia đình đã mang đi phối giống, đến nay, con bò phát triển rất tốt và đẻ 1 con bê. Gia đình tôi sẽ tiếp tục chăm sóc để đàn bò khỏe mạnh, tạo sinh kế bền vững, phấn đấu vươn lên thoát nghèo".

Không chỉ riêng gia đình ông A Preh, tại xã Đăk Ruồng, đã có 20 hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ bò sinh sản với tổng kinh phí 390 triệu đồng.

Ông Đặng Vĩnh Phú - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Ruồng cho biết: “Để triển khai Dự án 2 hiệu quả, chúng tôi rà soát và lựa chọn những hộ khó khăn thực sự cần đến nguồn hỗ trợ và đề xuất với huyện. Hằng năm, UBND xã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức 2 - 3 lớp tập huấn để các hộ có thêm kỹ thuật chăm sóc, phòng ngừa dịch bệnh cho vật nuôi, cây trồng… Qua đó, người dân đã biết áp dụng khoa học - kỹ thuật vào chăn nuôi bò, nhờ đó mô hình được hỗ trợ đang phát triển tốt, từng bước tạo điều kiện để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững. Hiện, các con bò hỗ trợ đều khỏe mạnh và đã có 18/20 con đẻ”.

giảm nghèo bền vững
Chính quyền địa phương hỗ trợ người dân phát triển cây trồng

Tương tự, tại xã Đăk Tờ Re, trong hai năm qua, 56 hộ dân được tham gia dự án. Bà Trần Thị Phụng - Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Re cho hay: Khi dự án được phổ biến rộng rãi, địa phương đã tập trung tuyên truyền, phổ biến cho nhân dân biết và vận động nhân dân tham gia. Đồng thời, tổ chức rà soát hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo và hộ chưa được hỗ trợ từ các chương trình, dự án khác; sau đó, thông báo công khai điều kiện để được hỗ trợ.

"Nhiều hộ nghèo, cận nghèo trong xã đã chủ động cải tạo khu vực chăn nuôi, chuồng trại; cải tạo vườn tạp, đất rẫy để đáp ứng điều kiện hỗ trợ từ dự án. Đây là một tín hiệu rất đáng mừng trong thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương"- bà Trần Thị Phụng chia sẻ.

Hướng đến giảm nghèo bền vững

Để các mô hình sinh kế phát huy hiệu quả lâu dài, huyện Kon Rẫy đã thành lập Tổ kiểm tra phối hợp cùng các xã, thị trấn theo dõi sát sao tiến độ thực hiện, hỗ trợ kỹ thuật, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho người dân. Qua khảo sát, đa số các mô hình hỗ trợ đều phát triển tốt, mang lại hiệu quả thiết thực.

Trong hai năm 2022–2023, huyện Kon Rẫy đã có 460 hộ thoát nghèo và 155 hộ thoát cận nghèo. Từ những kết quả tích cực này, huyện phấn đấu đến cuối năm 2024 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống dưới 8%.

Với những cách làm bài bản, sát thực tiễn, các mô hình sinh kế trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang từng bước mở ra cơ hội mới, giúp người dân chủ động thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững của địa phương.

giảm nghèo bền vững
Các mô hình sinh kế trên địa bàn tỉnh Kon Tum đang từng bước mở ra cơ hội mới, giúp người dân chủ động thoát nghèo

Ông Nguyễn Trung Thuận - Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Kon Tum cho biết: Tỉnh sẽ tập trung nguồn lực từ ba Chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất, đa dạng hóa sinh kế, thoát nghèo bền vững. Đồng thời, nâng cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp, ngành, nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc quản lý nhà nước trong thực hiện chương trình giảm nghèo. Qua đó, hiện thực hóa mục tiêu giảm tối thiểu 2,5% hộ nghèo mỗi năm.

"Sở Nội vụ sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành có liên quan và địa phương huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả nguồn lực thuộc Chương trình giảm nghèo; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu và thực hiện có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ đặc thù; phát triển văn hóa - xã hội, cải thiện khả năng thụ hưởng, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân. Đặc biệt, Sở tham mưu tỉnh có cơ chế chính sách hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo không có khả năng lao động để nâng mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống của hộ trung bình"- ông Nguyễn Trung Thuận nhấn mạnh.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Kon Tum, năm 2024, tỉnh đã giảm được 3.650 hộ nghèo, tương ứng 2,51%, nâng tổng số hộ thoát nghèo giai đoạn 2021 – 2024 lên hơn 15.000 hộ.
Bài và ảnh: Hiền Mai

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.