Xây dựng chợ, kết nối cung cầu: Lâm Đồng tạo đầu ra cho sản phẩm vùng cao

Lâm Đồng từng bước hoàn thiện mạng lưới chợ nông thôn, hướng tới mục tiêu lớn hơn: tạo đầu ra bền vững cho sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi.
Longform | Khi sản phẩm vùng cao ‘kể chuyện’ Mở lối cho hàng hóa vùng cao Kon Tum bắt nhịp thị trường Lai Châu tìm đầu ra bền vững cho sản phẩm vùng cao

Hạ tầng thương mại là nền tảng đầu tiên cho tiêu thụ nông sản

Theo báo cáo của Sở Công Thương Lâm Đồng, nhận thức được vai trò quan trọng của hạ tầng thương mại trong việc phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã chủ động triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm đầu tư, nâng cấp và phát triển mạng lưới chợ tại các địa bàn trọng yếu. Đây không chỉ là nơi trao đổi hàng hóa đơn thuần mà còn là điểm kết nối sản xuất với thị trường, là "bệ đỡ" không thể thiếu cho tiêu thụ sản phẩm của đồng bào.

Tính đến cuối năm 2024, toàn tỉnh Lâm Đồng có 82 chợ, bao gồm 7 chợ hạng 1, 4 chợ hạng 2 và 71 chợ hạng 3. Phân theo khu vực, có 31 chợ ở khu vực thành thị và 51 chợ tại nông thôn. Xét về điều kiện xây dựng, có 38 chợ kiên cố, 34 bán kiên cố và 10 chợ tạm. Về hình thức kinh doanh, hiện có 1 chợ đầu mối chuyên doanh nông sản, 6 chợ hạng 1 kết hợp bán buôn, bán lẻ và 75 chợ bán lẻ.

Xây dựng chợ, kết nối cung cầu: Lâm Đồng tạo đầu ra cho sản phẩm vùng cao
Chợ Đà Lạt không chỉ là nơi kinh doanh buôn bán mà còn là nơi truyền tải văn hoá địa phương (Ảnh: Viết Trọng)

Việc mạng lưới chợ được trải rộng trên các huyện, thành phố tạo điều kiện thuận lợi để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa có thể đưa hàng hóa ra thị trường. Đây là một bước đi chiến lược để thúc đẩy tiêu thụ nông sản tại chỗ, giảm phụ thuộc vào thương lái trung gian, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm cho bà con.

Trong năm 2022, tỉnh Lâm Đồng đã ưu tiên triển khai dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp chợ xã Tân Thanh (huyện Lâm Hà), một địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng và công trình công cộng huyện Lâm Hà làm chủ đầu tư, với tổng mức đầu tư 5 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.

Việc lựa chọn xã Tân Thanh để đầu tư không phải ngẫu nhiên. Đây là khu vực có tiềm năng sản xuất nông sản lớn nhưng lại thiếu hạ tầng thương mại tương xứng. Với dự án này, người dân địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số sẽ có không gian giao thương ổn định, vệ sinh, an toàn hơn. Đồng thời, chính quyền địa phương cũng có thêm công cụ để quản lý giá cả, kiểm soát chất lượng sản phẩm và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Không chỉ dừng lại ở xây dựng, việc quản lý và vận hành chợ sau đầu tư cũng được tỉnh chú trọng. Các Ban Quản lý chợ được giao nhiệm vụ phối hợp với chính quyền cơ sở và các phòng ban chuyên môn tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn người dân tham gia hoạt động kinh doanh một cách bài bản, từng bước thay đổi tập quán buôn bán nhỏ lẻ sang mô hình thương mại văn minh, hiện đại.

Hướng đến thị trường bền vững cho sản phẩm vùng cao

Dù việc đầu tư hạ tầng chợ là thiết yếu, nhưng để sản phẩm của đồng bào thực sự bước ra thị trường rộng lớn, cần có sự đồng hành từ nhiều phía. Tỉnh Lâm Đồng đã lồng ghép nguồn lực từ các chương trình phát triển thương mại, thương mại điện tử và khuyến công nhằm hỗ trợ hoạt động kết nối tiêu thụ hàng hóa nông sản miền núi.

Xây dựng chợ, kết nối cung cầu: Lâm Đồng tạo đầu ra cho sản phẩm vùng cao
Cà phê là sản phẩm tiêu biểu của miền núi Lâm Đồng (Ảnh: Chính Thành)

Từ góc độ chiến lược, Lâm Đồng xác định rõ việc không chỉ dừng lại ở tiêu thụ nội tỉnh mà còn phải mở rộng thị trường liên vùng và quốc tế. Để làm được điều này, vấn đề truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác, tiêu chuẩn chất lượng… được các đơn vị liên quan phối hợp hướng dẫn cho các hộ sản xuất, hợp tác xã và doanh nghiệp địa phương. Thêm nữa, xây dựng được các chuỗi liên kết bền vững giữa doanh nghiệp và người nông dân.

Đơn cử, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Cà phê Tám Trình đóng chân trên địa bàn xã Gia Lâm, huyện Lâm Hà là đơn vị nổi tiếng trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, chế biến cà phê của tỉnh Lâm Đồng. Ông Đoàn Mạnh Trình - Giám đốc Công ty cho biết, từ việc chọn lựa những hạt cà phê đạt chất lượng cao, cùng với quy trình sản xuất, chế biến nghiêm ngặt nên sản phẩm của công ty luôn được khách hàng tín nhiệm. Hiện nay, doanh nghiệp này đang liên kết chuỗi với 3.000 hộ nông dân sản xuất cà phê chất lượng cao ở khắp các huyện như: Lâm Hà, Lạc Dương, Di Linh, TP Đà Lạt, TP Bảo Lộc... với sản lượng cung ứng ra thị trường trong và ngoài nước lên đến 40 nghìn tấn/năm.

Hiện nay, mỗi năm công ty xuất ra thị trường hơn 10.000 tấn cà phê đã qua chế biến và cà phê nhân chất lượng cao. Trong đó, hơn 2.000 tấn xuất khẩu cho các thị trường truyền thống như: Anh, Mỹ, Ukraine và các thị trường mới nổi như: Trung Quốc, Philippines, Thái Lan.

Xây dựng chợ, kết nối cung cầu: Lâm Đồng tạo đầu ra cho sản phẩm vùng cao
Lâm Đồng triển khai nhiều giải pháp kết nối cung cầu nông sản miền núi (Ảnh: Nguyễn Nga)

Tỉnh cũng đề xuất Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành thông qua việc hỗ trợ kết nối cung cầu hàng hóa vùng miền, tổ chức hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại chuyên biệt dành cho nông sản vùng dân tộc thiểu số. Đây là những "cầu nối mềm" nhưng đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp sản phẩm vùng cao tiếp cận được với hệ thống siêu thị, kênh bán lẻ hiện đại và người tiêu dùng thành thị.

Trong năm 2024, tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức chuỗi sự kiện xúc tiến tiêu thụ cho bơ và các sản phẩm sơ chế, chế biến từ bơ; tổ chức cho 5 doanh nghiệp của tỉnh đi khảo sát, kết nối xúc tiến tiêu thụ nông sản tại Vinpearl Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa). Đồng thời, hỗ trợ các doanh nghiệp của tỉnh tham gia 8 hội chợ như OCOP Đông Anh - Hà Nội; Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP Hồ Chí Minh; hội chợ triển lãm Giống và Nông nghiệp cao TP Hồ Chí Minh; hội chợ Quốc tế thương mại, du lịch và đầu tư hành lang kinh tế Đông Tây Đà Nẵng năm 2024... Bên cạnh đó, các cơ quan, đơn vị cũng tích cực hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, HTX phát triển thương mại điện tử nông sản.

Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương, tỉnh Lâm Đồng cũng đã đưa ra những kiến nghị cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn II (2026 - 2030). Theo đó, đề nghị trung ương tiếp tục bố trí nguồn vốn cho các dự án đầu tư hạ tầng thương mại ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, ưu tiên các chợ đầu mối nông sản và trung tâm thu mua, sơ chế gắn với vùng nguyên liệu.

Bên cạnh đó, cần có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp lớn, hệ thống phân phối hiện đại và các sàn thương mại điện tử đồng hành cùng địa phương trong việc tiêu thụ sản phẩm. Hợp tác công – tư cần được thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa để từng bước hình thành chuỗi giá trị khép kín từ sản xuất đến tiêu dùng.

Lâm Đồng đang từng bước đặt nền móng vững chắc cho việc tiêu thụ nông sản của đồng bào dân tộc thiểu số bằng cách đầu tư có trọng điểm vào hạ tầng chợ, lồng ghép hiệu quả các chương trình phát triển thương mại và huy động nhiều nguồn lực cùng tham gia.
Lan Phương

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.