Longform
Thứ ba, 15/04/2025 - 21:59
Longform | Khi sản phẩm vùng cao ‘kể chuyện’

Thứ ba, 15/04/2025 - 21:59

Đã có ngày càng nhiều hơn những sản phẩm vùng cao biết kể câu chuyện của mình như vậy trên hành trình kết nối cung cầu, tiêu thụ và xây dựng thương hiệu.
Kết nối sản phẩm vùng cao tỉnh Quảng Ngãi VCAMart: 'Cú hích' cho nông sản vùng dân tộc thiểu số Dược liệu Quảng Nam: Từ sinh kế vùng cao đến trung tâm công nghiệp dược liệu quốc gia

Longform | Khi sản phẩm vùng cao ‘kể chuyện’

hi một tách trà, một trái na không chỉ là đồ ăn, thức uống mà còn là cầu nối giữa người làm ra nó với thị trường, văn hóa và khát vọng sinh kế, sản phẩm ấy sẽ không chỉ là sản phẩm mà còn kết tinh văn hoá. Nhiều năm quá, đã có ngày càng nhiều hơn những sản phẩm biết kể câu chuyện của mình như vậy trên hành trình kết nối cung cầu, tiêu thụ nông sản vùng cao.

Longform | Khi sản phẩm vùng cao ‘kể chuyện’

Từ vùng chè Thịnh An (Sông Cầu - TP. Thái Nguyên), hành trình làm thương hiệu cho sản phẩm vùng cao đang mở ra không chỉ câu chuyện về một loại nông sản đặc trưng, mà còn phản ánh khát vọng khẳng định giá trị văn hóa bản địa giữa thị trường đầy biến động.

Trong ráng chiều ấm áp của một ngày cuối xuân, chúng tôi có dịp được gặp nghệ nhân văn hoá trà Việt Vũ Thị Thương Huyền – Giám đốc HTX Chè Thịnh An - người phụ nữ đã dành gần như cả cuộc đời mình để gắn bó, yêu thương và dựng xây thương hiệu cho chè Thịnh An – một trong những niềm tự hào của vùng đất chè Thái Nguyên. Bà kể, từng là nông trường quốc doanh với hàng nghìn ha chè, vùng chè rộng lớn Sông Cầu đã từng có thời gian rơi gặp vô vàn khó khăn sau khi cổ phần hóa. Hơn 1.000ha chè bị bỏ hoang, lao động không biết đi đâu về đâu. Nhưng giữa đống tro tàn ký ức ấy, nghệ nhân văn hóa trà Việt Vũ Thị Thương Huyền đã quay về, bắt đầu hành trình tái sinh vùng chè từ con số 0.

"Nếu như trước đây, vùng chè Sông Cầu chỉ làm xuất khẩu với lượng chè vô cùng lớn thì thời điểm khó khăn ấy, chúng tôi buộc phải hồi sinh vùng chè từ những điều rất nhỏ. Ví dụ như tôi tự hái chè, làm chè, và đưa chè vào kênh chợ truyền thống…" – nghệ nhân Vũ Thị Thương Huyền chia sẻ.

Longform | Khi sản phẩm vùng cao ‘kể chuyện’

Bắt đầu từ những sản phẩm chè đầu tiên chưa có mẫu mã thật bắt mắt, đưa vào chợ truyền thống, HTX Chè Thịnh An ra đời với vai trò ráp nối các khâu trong chuỗi phân phối. Từ đó, việc hái chè được chuyển cho người nông dân, HTX Chè Thịnh An đóng vai trò là điểm kết nối sản phẩm từ vườn đến cơ sở sản xuất, kênh phân phối và người tiêu dùng.

Chắt chiu từng cơ hội nhỏ nhất, HTX Chè Thịnh An thụ hưởng tận dụng từng chút một từ những chính sách hỗ trợ của nhà nước, như tem nhãn, hồ sơ công bố sản phẩm, xúc tiến thương mại, xây dựng phòng trưng bày… Cứ thế, cứ thế, sản phẩm được đưa ra ngoài thị trường. Còn HTX vừa làm, vừa học vừa rút kinh nghiệm.

“HTX Chè Thịnh An nỗ lực thực hiện rất tốt khẩu hiệu nhà nước và nhân dân cùng làm. Chúng tôi còn đưa người dân đến các viện nghiên cứu chè khu vực phía Bắc để các nhà khoa học chỉ cho rằng trồng loại chè nào phù hợp, không bị phá hoại và tạo ra thu hoạch kép. Chúng tôi cũng kết hợp làm du lịch sinh thái để cho du khách thấy rằng chúng tôi làm chè như thế ở vùng chè như thế. Câu chuyện văn hoá được truyền tải từ cách làm chè, cách sao chè, cách thưởng trà…” – nghệ nhân Vũ Thị Thương Huyền nói.

Longform | Khi sản phẩm vùng cao ‘kể chuyện’

Không chỉ dừng lại ở đó, HTX Chè Thịnh An còn báo trước cho người dân những điểm đoàn khách sẽ tới để họ có thể mang măng miến, trứng gà, rau củ… đến để mua. Du khách đến với HTX Chè Thịnh An đã không chỉ mua trà, thưởng trà, mà còn mua cả các sản phẩm đặc trưng bản địa, và hấp thụ những nét văn hoá vô cùng riêng biệt của Thái Nguyên một cách tự nhiên như vậy.

HTX Chè Thịnh An không chỉ dừng lại ở sản xuất, mà còn là điểm khởi phát của một hệ sinh thái: vùng nguyên liệu sạch, kỹ thuật chế biến, kết nối du lịch, xúc tiến thương mại, bán hàng đa kênh. Những tour trải nghiệm "Một ngày làm người Thịnh An" hay lễ hội trà bản địa chính là những nỗ lực để "thổi hồn" vào sản phẩm. Mỗi tách trà vì thế trở thành một câu chuyện, một thông điệp từ núi đồi gửi đến tay người tiêu dùng.

Longform | Khi sản phẩm vùng cao ‘kể chuyện’

Câu chuyện của Chè Thịnh An cũng giống hàng nghìn sản phẩm vùng cao khác: chất lượng có, bản sắc có, nhưng đầu ra vẫn là bài toán nan giải. "Chúng tôi có rất nhiều sản vật hay ho: lạc bé, gà bản, chè hoa vàng… nhưng nếu không có người 'đỡ đầu', thì mãi quanh quẩn trong bản, trong chợ nhỏ", nghệ nhân Vũ Thị Thương Huyền thẳng thắn.

Longform | Khi sản phẩm vùng cao ‘kể chuyện’

Thực tế cho thấy, phần lớn nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn tiêu thụ ở dạng thô, giá trị thấp, lệ thuộc vào thương lái. Việc thiếu thương hiệu, bao bì, truy xuất nguồn gốc khiến sản phẩm dù tốt cũng khó tiếp cận thị trường lớn. Chính vì vậy, vai trò của các hợp tác xã, doanh nghiệp dẫn dắt thị trường ngày càng trở nên quan trọng.

Không chỉ là bài toán đầu ra, nông sản vùng cao còn đối diện với nhiều thách thức về hạ tầng, thông tin thị trường, kỹ năng bán hàng. Sự thiếu kết nối với hệ thống phân phối hiện đại, năng lực tiếp cận công nghệ còn hạn chế đang là rào cản lớn. Các sản phẩm OCOP đạt sao vẫn chưa chắc đã có nơi tiêu thụ nếu thiếu mạng lưới và chiến lược truyền thông bài bản. Đó là lý do vì sao nhiều hợp tác xã nông nghiệp dù có sản phẩm tốt vẫn gặp khó khi bước ra thị trường.

Ở góc độ quản lý nhà nước, kết nối cung cầu cho nông sản vùng cao là hoạt động được Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm. Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) – cho biết, Bộ Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều chương trình để thúc đẩy tiêu thụ nông sản vùng cao.

Longform | Khi sản phẩm vùng cao ‘kể chuyện’

"Chúng tôi đã hỗ trợ đầu tư xây dựng, cải tạo khoảng 300 chợ tại các vùng miền núi trong ba năm qua, trở thành nơi khởi phát và tiêu thụ hàng hoá hữu hiệu cho bà con. Đồng thời kết nối các sản phẩm OCOP với hệ thống phân phối hiện đại, phát triển các điểm bán hàng vùng miền, tăng cường đưa hàng vùng cao vào siêu thị, sàn thương mại điện tử để đa dạng đầu ra cho sản phẩm", ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Không dừng lại ở đó, các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ kết nối cung cầu, chuỗi sự kiện quảng bá đặc sản vùng miền cũng được Bộ Công Thương thúc đẩy nhằm tạo không gian giới thiệu sản phẩm, nâng cao nhận diện thương hiệu cho sản vật vùng cao.

Dù đã có nhiều nỗ lực, song ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn cũng thẳng thắn nhìn nhận, chính sách kết nối cung cầu sản phẩm vùng cao còn phân tán, thiếu cơ chế điều phối thống nhất, nguồn lực hạn chế nên hiệu quả chưa đạt như kỳ vọng. "Không chỉ giúp bà con bán được sản phẩm, mà còn phải giúp họ xây dựng thương hiệu, phát triển sinh kế và lan tỏa bản sắc vùng cao. Đó mới là mục tiêu cuối cùng", ông nhấn mạnh.

Longform | Khi sản phẩm vùng cao ‘kể chuyện’

Theo TS Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương), điểm đặc biệt của sản phẩm vùng cao không chỉ nằm ở chất lượng mà còn ở chiều sâu văn hóa. "Người tiêu dùng ngày nay không chỉ mua hàng – họ mua cả câu chuyện. Một quả na, một củ gừng, hay một gói trà, nếu không có câu chuyện gắn với vùng đất, con người, thì chỉ là hàng hóa vô hồn."

TS Lê Quốc Phương dẫn chứng: "Sâm Ngọc Linh được phát hiện năm 1973 trong một cuộc hành quân giữa Trường Sơn để tìm thuốc phục vụ cho bộ đội những năm kháng chiến. Na Chi Lăng nảy mầm trên núi đá Lạng Sơn, được coi là “vàng trắng” của bà con dân tộc thiểu số của địa phương. Những sản vật ấy sống được trên thị trường, khiến người tiêu dùng sẵn sàng “rút hầu bao” là vì chúng kể được chuyện".

Longform | Khi sản phẩm vùng cao ‘kể chuyện’

Như vậy, vấn đề đặt ra là làm sao để các sản phẩm vùng cao đều có thể kể chuyện. Đó là hành trình dài, cần có sự vào cuộc của các hợp tác xã, nhà sản xuất, người làm thương hiệu, nhà truyền thông. Nhưng trước hết, cần tháo gỡ những nút thắt về hạ tầng – trong đó có logistics.

"Chi phí logistics ở Việt Nam hiện chiếm 15-20% GDP – cao gần gấp đôi mức trung bình toàn cầu. Với sản phẩm vùng cao, con số này còn cao hơn do địa hình phức tạp, quy mô nhỏ lẻ. Nếu không đầu tư hạ tầng, kho lạnh, trung tâm bảo quản… thì sản phẩm sẽ chết trên đường ra chợ", TS Phương cảnh báo.

Một vấn đề khác là vai trò của các "bà đỡ" thị trường – tức các HTX, doanh nghiệp địa phương. Nghệ nhân Vũ Thị Thương Huyền nhìn nhận: "Bà con không thể đi ra thị trường một mình. Họ cần người kết nối, hướng dẫn, bao tiêu. Đó là lý do HTX Chè Thịnh An không chỉ sản xuất chè mà còn tổ chức tour trà, bán hàng online, đào tạo kỹ năng bán hàng số cho bà con".

Từ thực tiễn triển khai chính sách, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn nhận định: "HTX là nơi ráp nối từ sản xuất đến tiêu thụ. Doanh nghiệp là cầu nối với siêu thị, kênh bán hiện đại. Nếu không hỗ trợ họ mạnh mẽ, chính sách sẽ khó đi vào cuộc sống."

Một hướng đi đáng chú ý hiện nay là kết hợp giữa nông nghiệp và du lịch văn hóa. Nhiều địa phương đã triển khai mô hình farmstay, trải nghiệm nông sản tại chỗ, kết nối với làng nghề, ẩm thực bản địa. Đây là cách làm hiệu quả không chỉ để tiêu thụ sản phẩm mà còn lan tỏa bản sắc địa phương. Như tại HTX Chè Thịnh An, khách có thể tự tay hái chè, sao chè, nghe kể chuyện trà và mang về những hộp trà gắn với kỷ niệm.

Longform | Khi sản phẩm vùng cao ‘kể chuyện’

Câu chuyện tiêu thụ nông sản vùng cao vì vậy không đơn thuần là câu chuyện kỹ thuật hay thương mại, mà là hành trình gìn giữ và lan tỏa bản sắc. Trong xu thế phát triển xanh – bền vững – văn hóa, mỗi sản phẩm vùng cao có thể trở thành một đại sứ cho vùng đất ấy, nếu được dẫn dắt và đầu tư đúng hướng.

"Thái Lan có sầu riêng, tại sao Việt Nam không thể là 'giỏ trái cây của thế giới'? Chúng ta có đủ sản vật, đủ văn hóa, điều thiếu là chiến lược và sự liên kết", ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn đặt vấn đề.

Còn theo TS Lê Quốc Phương: "Chúng ta không chỉ bán sản phẩm – chúng ta đang bán cả hồn đất, hồn người. Câu chuyện đó nếu được kể đúng cách, sẽ khiến nông sản vùng cao không chỉ được mua – mà còn được trân trọng."

Và như nghệ nhân trà Việt Vũ Thị Thương Huyền từng nói: "Chúng tôi làm chè không để bán chè. Chúng tôi làm chè để kể chuyện. Mỗi tách trà là một lát cắt của văn hóa, của khát vọng giữ lấy bản sắc trong một thế giới đang dịch chuyển."

Từ một tách trà Thịnh An đến hành trình bắc cầu thị trường, con đường ấy còn dài, nhưng nếu có sự đồng hành từ chính sách – doanh nghiệp – HTX – người dân, thì sản phẩm vùng cao không chỉ vươn xa, mà còn vươn cao, như chính những ngọn núi ôm ấp chúng từ thuở sơ khai.

Phương Lan

Đồ họa: Ngọc Lan

Lan Phương