Mở lối cho hàng hóa vùng cao Kon Tum bắt nhịp thị trường
Xúc tiến thương mại Thứ hai, 12/05/2025 - 11:32
Người cao tuổi Kon Tum góp sức dựng xây nông thôn mới Kon Tum: Diện mạo các vùng nông thôn vùng đồng bào dân tộc chuyển mình mạnh mẽ Xen canh thông minh, nông dân Kon Tum thu lợi kép |
Đầu tư chợ để thúc đẩy lưu thông hàng hóa
Báo cáo mới nhất của Sở Công Thương Kon Tum về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, những năm gần đây, bằng việc huy động nhiều nguồn vốn từ các chương trình khác nhau, hệ thống chợ tại tỉnh Kon Tum đã dần được hình thành và phát triển. Hạ tầng chợ ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, góp phần mở rộng sản xuất, lưu thông hàng hóa và phục vụ tốt hơn đời sống người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Toàn tỉnh hiện có 34 chợ, bao gồm 17 chợ tại khu vực thành thị và 17 chợ tại khu vực xã. Trong đó có 4 chợ hạng 2, 27 chợ hạng 3 và 3 chợ tạm. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021–2025, tỉnh đã đầu tư xây mới 2 chợ và cải tạo, nâng cấp 5 chợ.
Tuy nhiên, không ít chợ xã được xây dựng từ lâu đã xuống cấp, hư hỏng nặng, trong khi nguồn kinh phí đầu tư sửa chữa còn hạn chế. Việc hạ tầng xuống cấp ảnh hưởng đến khả năng tiêu thụ hàng hóa, nhất là các sản phẩm nông nghiệp địa phương vốn mang tính mùa vụ và khó bảo quản dài ngày.
![]() |
Quảng bá sản phẩm địa phương gắn với du lịch (Ảnh: Đức Thành) |
Song song với đó, nhằm kết nối cung cầu, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm địa phương, tỉnh Kon Tum đã tích cực triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại. Trong giai đoạn 2021 - 2024, Sở Công Thương tỉnh đã tổ chức các gian hàng quảng bá, giới thiệu sản phẩm đặc trưng của tỉnh như sâm Ngọc Linh, cà phê, măng khô, chuối rừng, mật ong rừng…
![]() |
Kon Tum chú trọng tìm đầu ra cho sản phẩm của bà con dân tộc (Ảnh: Cổng Thông tin điện tử huyện Măng Đen) |
Đặc biệt, tỉnh đã triển khai hỗ trợ tem truy xuất nguồn gốc cho hơn 30 sản phẩm OCOP và sản phẩm đặc trưng nhằm tạo niềm tin cho người tiêu dùng, đồng thời thúc đẩy quá trình số hóa trong quản lý chuỗi cung ứng. Đồng thời tổ chức các hoạt động cụ thể như lớp tập huấn về kỹ năng số: chụp ảnh sản phẩm, livestream bán hàng, sử dụng mã QR truy xuất nguồn gốc; hỗ trợ các HTX xây dựng website, tài khoản mạng xã hội và tham gia các sàn thương mại điện tử
Ngoài ra, tỉnh đã hỗ trợ kết nối, tiêu thụ nông sản với các doanh nghiệp, hợp tác xã tại TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội và một số tỉnh lân cận. Thông qua các hội chợ, tuần lễ hàng Việt, sản phẩm vùng cao Kon Tum từng bước tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, không còn bó hẹp trong phạm vi địa phương.
Phát triển sản phẩm, nâng giá trị hàng hóa bản địa
Một trong những nội dung quan trọng được tỉnh chú trọng là hỗ trợ các hộ sản xuất, hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản phẩm theo hướng hàng hóa. Các hoạt động đào tạo, tập huấn kiến thức sản xuất sạch, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc được tăng cường. Đồng thời, tỉnh cũng đề xuất tăng cường nguồn lực để hỗ trợ máy móc thiết bị, nhà xưởng chế biến quy mô nhỏ cho các hợp tác xã, giúp nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản trước khi đưa ra thị trường.
Đơn cử, tại xã Tu Mơ Rông, HTX Dược liệu – Du lịch Forest Stay đã trở thành điểm tựa cho nhiều hộ dân tộc thiểu số chuyển đổi sản xuất hiệu quả. Chị Y Hoa, một thành viên của HTX đến từ thôn Đăk Chum 1, cho biết: "Tham gia HTX giúp chúng tôi thay đổi cây trồng. Trước trồng mì thì năng suất thấp, giờ trồng cà phê, sâm dây, sâm Ngọc Linh thì hiệu quả cao hơn. Bà con trong xã tham gia rất đông".
![]() |
Kon Tum chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết chặt chẽ giữa người dân và doanh nghiệp để nâng cao giá trị sản phẩm địa phương (Ảnh: Công ty CP Sâm Ngọc Linh Tu Mơ Rông) |
Không chỉ người dân, các HTX cũng được thành lập theo mô hình mới, hoạt động gắn với chuỗi liên kết sản phẩm. Một trong những đơn vị tiêu biểu là HTX Dược liệu – Du lịch Ngọc Linh H80 (xã Măng Ri), nơi người DTTS chiếm lực lượng sản xuất chủ lực. Hiện, bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở đây là nhân tố quan trọng trong phát triển vùng nguyên liệu dược liệu. Khi tham gia HTX, họ phải tuân thủ quy trình sản xuất và cam kết chất lượng. Nhờ đó, sản phẩm làm ra đạt yêu cầu về sản lượng và đầu ra ổn định.
Dù đã có 1 số thành công song, theo đánh giá của Sở Công Thương, nhiều sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn chưa xây dựng được thương hiệu rõ ràng, khả năng cạnh tranh thấp, khó mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh. Việc thiếu doanh nghiệp đầu mối thu mua, chế biến cũng khiến đầu ra sản phẩm không ổn định.
Nhằm chuẩn bị cho giai đoạn II của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Kon Tum kiến nghị nhiều giải pháp trọng tâm để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Cụ thể là tiếp tục đầu tư xây dựng mới, cải tạo chợ tại các địa bàn khó khăn, ưu tiên vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức hội chợ thương mại vùng, hỗ trợ chi phí vận chuyển, gian hàng cho doanh nghiệp và hợp tác xã. Hỗ trợ xúc tiến thương mại số, xây dựng sàn thương mại điện tử vùng miền và đào tạo kỹ năng bán hàng online cho người dân. Phối hợp với các kênh phân phối lớn, chuỗi siêu thị, sàn thương mại điện tử để đưa hàng vào hệ thống phân phối hiện đại.
Ngoài ra, tỉnh cũng đề xuất xây dựng trung tâm giới thiệu sản phẩm đặc trưng, ứng dụng chuyển đổi số trong quản lý chuỗi cung ứng, hướng tới mục tiêu phát triển thị trường bền vững cho sản phẩm của đồng bào các dân tộc thiểu số.
Con đường phía trước vẫn còn dài, nhưng những bước đi bài bản của Kon Tum đang cho thấy nỗ lực không ngừng để sản phẩm vùng cao không chỉ thoát cảnh "được mùa mất giá" mà còn vươn xa trên thị trường rộng lớn.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn về nguồn lực, Kon Tum xác định rõ: muốn phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phải đi từ hạ tầng thương mại đến hỗ trợ sản xuất, rồi mới mở rộng thị trường. Trong đó, “kết nối” chính là chìa khóa giúp liên kết nông dân và doanh nghiệp, giữa sản phẩm và thị trường, giữa địa phương và trung ương. |
Tin cùng chuyên mục

Longform | Giỏ trái cây triệu USD: Giấc mơ từ núi đồi đến bàn ăn thế giới

Tỉnh Yên Bái đưa đặc sản thành cây chủ lực giảm nghèo

Gia Lai: Mở đường xuống núi cho hàng hóa bản làng

Giảm nghèo bền vững qua hành trình khởi nghiệp từ cam Cao Phong

Bà con dân tộc thoát nghèo nhờ trồng nấm công nghệ

Sơn La: Gieo hạt liên kết, gặt mùa tiêu thụ

Bản làng Yên Bái bừng sáng với những 'mùa vàng' xuất khẩu

Hun khói thịt trâu, thắp sáng khát vọng vươn lên thoát nghèo

Longform | Nông sản vùng cao ‘chạm’ giấc mơ toàn cầu

Bắc Kạn nhân lên hiệu quả tiêu thụ sản phẩm của đồng bào nhờ mô hình thương mại mới

Sản phẩm vùng sâu vùng xa được ‘săn đón’ tại Vietnam Expo 2025

Miến dong Bắc Kạn: Hành trình thoát nghèo từ cây dong riềng

Dâu tây Sơn La: Từ nương rẫy đồng bào đến 'bàn tiệc' năm châu

Nâng giá trị sản phẩm vùng dân tộc bằng ‘cánh cửa’ online

Điện Biên: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu hàng hoá cho bà con đồng bào dân tộc

Bắc Kạn: Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản miền núi

Bài 2: Tháo gỡ thách thức cho phương thức livetream bán hàng

Bài 1: Hướng dẫn tiếp cận phương thức livestream bán hàng

Sàn thương mại điện tử chung tay tiêu thụ nông sản cho bà con miền núi, vùng dân tộc
