'Mở đường' cho nông sản vùng cao: Bộ Công Thương hành động quyết liệt

Xúc tiến thương mại, nâng cấp chợ vùng cao, xây dựng chuỗi liên kết… là giải pháp Bộ Công Thương triển khai nhằm hỗ trợ tiêu thụ nông sản vùng dân tộc thiểu số.
Tìm đầu ra cho nông sản vùng dân tộc thiểu số và miền núi Nghệ An Longform | Chuyên gia ‘hiến kế’ xây dựng thương hiệu cho nông sản vùng dân tộc Kinh tế vùng dân tộc thiểu số chuyển mình nhờ chính sách

Chính sách lớn từ Trung ương đến địa phương

Thực hiện các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước như: Nghị quyết 88/2019/QH14, Nghị quyết 120/2020/QH14, Quyết định số 1719/QĐ-TTg, Bộ Công Thương đã và đang triển khai đồng bộ nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Trong đó, việc tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm nông sản vùng cao được xác định là nhiệm vụ trọng tâm.

'Mở đường' cho nông sản vùng cao: Bộ Công Thương hành động quyết liệt
Nông sản vùng cao được đưa xuống tiêu thụ ở các thành phố lớn nhờ các sự kiện xúc tiến thương mại (Ảnh minh họa)

Theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, từ thực tế vùng dân tộc thiểu số và miền núi chủ yếu giao thương qua hệ thống chợ, nhưng phần lớn chợ còn lạc hậu, cơ sở vật chất yếu kém, Bộ Công Thương đã triển khai chương trình hỗ trợ xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp chợ nông thôn vùng cao.

“Tính đến ngày 31/12/2024, đã có 218 chợ được hỗ trợ đầu tư xây dựng, trong đó 79 chợ xây mới, 139 chợ được cải tạo, nâng cấp. Điều này không chỉ góp phần hiện đại hóa hạ tầng thương mại, mà còn tạo điều kiện tiêu thụ nông sản ngay tại địa phương, giúp bà con tăng thu nhập, cải thiện đời sống”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Bộ Công Thương đã hỗ trợ nhiều địa phương (Tuyên Quang, Kon Tum, Bắc Kạn, Quảng Trị, Bình Định, Nghệ An...) triển khai mô hình thương mại hai chiều - vừa đưa nông sản vùng cao về xuôi, vừa cung cấp hàng thiết yếu lên vùng sâu vùng xa.

Ngoài ra, các chương trình như Mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP), “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, khuyến công quốc gia, xây dựng điểm bán hàng Việt… cũng được lồng ghép triển khai mạnh tại địa bàn vùng dân tộc thiểu số và miền núi.

'Mở đường' cho nông sản vùng cao: Bộ Công Thương hành động quyết liệt
Nông sản vùng cao được người tiêu dùng ưu tiên chọn mua (Ảnh: Minh Anh)

Để sản phẩm nông sản vùng cao tiếp cận thị trường tốt hơn, Bộ Công Thương đang tập trung vào xúc tiến thương mại gắn yếu tố văn hóa vùng miền, tổ chức tuần hàng, hội chợ, lễ hội thương mại... Đồng thời, hỗ trợ các hợp tác xã, hộ sản xuất vùng cao tham gia sàn thương mại điện tử, đào tạo kỹ năng livestream, marketing số, triển khai tem truy xuất nguồn gốc để tăng độ tin cậy và nhận diện thương hiệu.

Chương trình hỗ trợ của Bộ Công Thương không chỉ giải quyết bài toán trước mắt mà còn tạo tiền đề lâu dài cho sản xuất hàng hóa tại vùng dân tộc thiểu số và miền núi phát triển theo hướng hiệu quả và bền vững. Đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung, nhiều sản phẩm như vải thiều Bắc Giang, nhãn Sơn La, sâm Ngọc Linh, dâu tây Sơn La… được kết nối vào hệ thống phân phối hiện đại, thậm chí vươn ra quốc tế.

Từ các chính sách của Bộ Công Thương, nhiều địa phương đã tìm được lối ra ổn định cho sản phẩm vùng dân tộc thiểu số. Đơn cử, theo đại diện Sở Công Thương Thái Nguyên đã triển khai nhiều hoạt động nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh kết nối sản phẩm lên sàn thương mại điện tử và ứng dụng chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại. Hoạt động này góp phần giúp các đơn vị mở rộng thị trường, nâng cao giá trị sản phẩm. Đơn cử như các sản phẩm của Công ty cổ phần chè Hà Thái ở xã Hà Thượng (Đại Từ) đã được quảng bá, xúc tiến qua nhiều kênh bán hàng trực tuyến.

'Mở đường' cho nông sản vùng cao: Bộ Công Thương hành động quyết liệt
Mận hậu Sơn La được hỗ trợ tiêu thụ qua nhiều kênh phân phối (Ảnh: Sở Công Thương Sơn La)

Theo Sở Công Thương tỉnh Sơn La, thời gian qua, địa phương đã giúp doanh nghiệp, hợp tác xã liên kết, tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Đơn cử, trong vụ mận hậu 2024, tỉnh Sơn La đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại tiêu thụ nông sản địa phương.

Theo đó, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP. Hồ Chí Minh (Saigon Co.op) đã kết nối thu mua 100 tấn “Mận hậu Sơn La” đưa vào 130 siêu thị Co.opmart và Co.opXtra trên toàn quốc, được khách hàng phản hồi tích cực, đánh giá cao về mẫu mã, chất lượng sản phẩm.

Ngoài Saigon Co.op, Trung tâm Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại và Du lịch tỉnh Sơn La cũng đã tham mưu xây dựng biên bản thỏa thuận hợp tác giữa UBND tỉnh với các hệ thống Winmart và BigC nhằm góp phần đưa nhiều sản phẩm nông sản an toàn của tỉnh Sơn La vào trong hệ thống phân phối bán hàng trên toàn quốc.

Doanh nghiệp, hợp tác xã cần chủ động vào cuộc

Dù các chính sách của Nhà nước là rất lớn, theo ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, vai trò của doanh nghiệp và hợp tác xã trong bao tiêu, tổ chức sản xuất, mở rộng kênh phân phối là cực kỳ quan trọng.

“Doanh nghiệp, hợp tác xã cần thực sự trở thành ‘bà đỡ’, ‘người dẫn dắt’ trong chuỗi giá trị tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Cần đầu tư bài bản, chủ động kết nối nông dân, hợp tác xã trên cơ sở chính sách Nhà nước để giải quyết căn cơ bài toán đầu ra, giúp bà con nâng cao thu nhập và đời sống”, ông Tuấn chia sẻ.

'Mở đường' cho nông sản vùng cao: Bộ Công Thương hành động quyết liệt
Mận hậu Sơn La có mặt tại 130 siêu thị Co.opmart và Co.opXtra trên toàn quốc (Ảnh: Đỗ Nga)

Bộ Công Thương đang hoàn tất báo cáo tổng kết và đề xuất tiếp tục triển khai các mô hình tiêu thụ sản phẩm vùng dân tộc thiểu số và miền núi trong giai đoạn 2026 - 2030. Trong đó, tập trung các nhóm giải pháp như xúc tiến thương mại gắn du lịch - văn hóa; đào tạo nguồn nhân lực thương mại tại chỗ; tăng cường kết nối cung - cầu, phát triển thương hiệu.

Bên cạnh đó, mở rộng thị trường từ các kênh thương mại điện tử, gắn với truy xuất nguồn gốc. Thúc đẩy xây dựng mô hình “sinh kế cộng đồng”, “thương mại hai chiều” tại các địa phương. Việc Bộ Công Thương đồng hành cùng các địa phương, doanh nghiệp, hợp tác xã để mở rộng đầu ra cho sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi không chỉ là nhiệm vụ trước mắt, mà còn là chiến lược dài hơi, nhằm phát triển nền kinh tế vùng một cách bền vững, toàn diện và bao trùm.

Với những kết quả đã đạt được trong giai đoạn 2021 - 2025, cùng hàng loạt giải pháp đang tiếp tục được đề xuất và triển khai giai đoạn 2026 - 2030, hoàn toàn có cơ sở để kỳ vọng rằng những sản phẩm đặc trưng, đậm đà bản sắc của đồng bào dân tộc thiểu số sẽ ngày càng vươn xa, chinh phục thị trường trong nước và quốc tế.

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn: Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước:

Khi chính sách vĩ mô được đồng bộ hóa, hạ tầng thương mại được đầu tư, doanh nghiệp và hợp tác xã vào cuộc quyết liệt thì đầu ra của nông sản vùng cao không còn là bài toán nan giải. Ngược lại, đây chính là đòn bẩy để bà con vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng trên quê hương mình.

Lan Phương

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.