Tìm đầu ra cho nông sản vùng dân tộc thiểu số và miền núi Nghệ An
Kinh tế nông thôn và miền núi Thứ sáu, 09/09/2022 - 16:50
Loay hoay tìm hướng tiêu thụ
Vùng dân tộc thiểu số và miền núi Nghệ An, có lợi thế về sản xuất các loại nông sản đặc trưng để chế biến và xuất khẩu. Tuy nhiên hiện nay, lĩnh vực chế biến này chưa thu hút được các doanh nghiệp tham gia đầu tư. Do đó nhiều mặt hàng nông sản không phát huy giá trị, thậm chí, không thể tiêu thụ, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Tìm đầu ra cho nông sản vùng dân tộc thiểu số và miền núi Nghệ An. Trong ảnh: Vườn mận Tam hoa ở Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An. |
Nghệ An có hơn 207.100 ha đất nông nghiệp và có lợi thế về khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với nhiều loại cây trồng. Vùng đất này trở thành trọng điểm sản xuất các loại nông sản chủ lực như chè, gừng, sắn... cùng nhiều loại cây ăn quả. Tuy nhiên, nền nông nghiệp của toàn vùng phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế. Tình trạng được mùa mất giá, được giá mất mùa vẫn xảy ra, có lúc nông sản "tắc" đầu ra, đẩy nông dân vào vòng luẩn quẩn trồng-chặt, chặt-trồng...
Nghịch lý trên là do người dân nhiều nơi sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, nhiều nơi lại tự ý phát triển diện tích cây trồng không theo khuyến cáo, định hướng của ngành chức năng. Các sản phẩm nông nghiệp chỉ tập trung vào số lượng mà chưa chú trọng về chất lượng, dẫn đến chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường. Dù sinh sống trên vùng đất trù phú, nhưng cuộc sống của người dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, việc tìm đầu ra ổn định cho nông sản vùng dân tộc thiểu số là yêu cầu cấp thiết.
Ngày 15/11/2019, sản phẩm gừng Kỳ Sơn được Cục Sở hữu trí tuệ ban hành Quyết định số 5587/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký Chỉ dẫn địa lý số 00077. Thời điểm đó diện tích quy hoạch gừng của huyện Kỳ Sơn là 450ha, nhưng đến nay đã lên tới 850ha. Cung vượt cầu cùng nhiều yếu tố khác đã dẫn tình trạng tiêu thụ gừng gặp khó khăn. Sản phẩm đặc sản gừng Kỳ Sơn được trồng trên lưng chừng núi, chất lượng tốt, tập trung tại các xã Tây Sơn, Na Ngoi, Đọc Mạy, Mường Lống, Nậm Cắn... Gừng Kỳ Sơn có 2 loại: gừng dé và gừng sừng trâu. Nếu như những năm trước, giá thu mua gừng cho bà con lên đến trên 20.000 đồng/kg, nhưng từ đầu năm nay giảm sâu xuống chỉ còn chưa đầy 6.000 đồng/kg, dù giá rất rẻ nhưng vẫn không tiêu thụ được.
Khó tiêu thụ là do ảnh hưởng của dịch COVID-19 kéo dài, khiến cho gừng không xuất khẩu được, mặt khác năm nay gừng được mùa, sản lượng có tăng hơn so với các năm trước, trong khi đó giá cước vận chuyển cao, đường sá xa xôi khiến cho việc tiêu thụ càng khó khăn hơn.
Sản phẩm gừng huyện Tương Dương khó tiêu thụ trong những tháng đầu năm 2022. |
“Vòng đời của sản phẩm gừng rất ngắn, trong khi không được hỗ trợ bởi công nghiệp chế biến, dẫn đến tình trạng chỉ bán sản phẩm tươi. Về lâu dài, bên cạnh tăng năng suất, huyện cũng đề xuất cần gắn với công tác bảo quản và chế biến, xây dựng nhà máy sơ chế. Thực tế, gừng là một loại dược liệu quý, nhu cầu sử dụng của người dân khá cao thế nên cần đa dạng hóa sản phẩm tránh tình trạng tồn đọng”, ông Phan Văn Mạnh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn cho biết.
Không chỉ ở Kỳ Sơn, mà đây là tình trạng chung của bà con huyện miền núi Tương Dương. Trước tình trạng gừng tồn đọng với số lượng lớn lãnh đạo xã Tam Hợp cũng đã phải viết thư ngỏ “kêu cứu”, để “giải cứu” 80 tấn gừng còn tồn đọng trong dân.
Ông Lê Hồng Thái - Bí thư Đảng ủy xã, Tam Hợp cho hay, "Tam Hợp là xã biên giới đặc biệt khó khăn. Nhất là đường sá đi lại khó khăn dẫn đến những sản phẩm, nông sản người dân làm ra khó tiêu thụ ngay. Nhiều năm qua, Nghệ đỏ là nông sản được tổng đội thanh niên xung phong 9 tiêu thụ cho người dân, và làm ra các sản phẩm bán ra cho thị trường trong và ngoài nước. Còn gừng vẫn rất khó khăn để tiêu thụ, giá thành thấp…”.
Không chỉ gừng, còn có mận tam hoa ở Mường Lống, huyện Kỳ Sơn, không phải năm nào việc tiêu thụ cũng thuận lợi. Gia đình ông Hừ Chồng Pó, ở bản Mường Lống 2, xã Mường Lống có trên 50 gốc mận trên khu đất vườn của gia đình, mỗi năm thu về hàng tấn mận. “Mấy năm vừa rồi không bán được, năm nay may hết dịch Covid bán được nhiều hơn, nhất là dịp nhà nước tổ chức hội chợ bán mận, khách vô vườn mua nhiều. Nhưng cũng chỉ bán được hơn một nửa. Nhiều cây chưa bán kịp, chưa có khách mua, rụng hết”, ông Hừ Chồng Pó nói.
Không chỉ gia đình ông Pó, toàn xã Mường Lống có 23 ha mận, mỗi năm cho xấp xỉ hàng trăm tấn quả, nhưng theo ông Lầu Bá Chò, phó chủ tịch uỷ ban nhân dân Mường Lống xã, bà con chỉ bán được từ 30- 50% sản lượng.
Ngoài mận Tam Hoa, Kỳ Sơn còn có bí rẫy, gừng, khoai sọ, dưa chuột Mông, chè Tuyết shan… Mỗi năm, sản lượng mận khoảng 100- 120 tấn, từ 1.300- 1.400 tấn khoai sọ, trên 5.000 tấn gừng, nghệ. Hầu hết, nông sản của Kỳ Sơn có chất lượng, an toàn an toàn vệ sinh thực phẩm…thế nhưng vẫn nằm trong tình trạng tiêu thụ phập phù, giá cả có khi xuống rất thấp thậm chí ế thừa.
Để đầu ra của nông sản ổn định hơn
Để phát huy hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, tỉnh Nghệ An đã và đang nỗ lực kêu gọi thu hút các doanh nghiệp đầu tư, hỗ trợ, hướng dẫn nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đến xây dựng thương hiệu, nhãn mác và tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước.
Nghệ ở xã Tam Hợp, huyện Tương Dương được tổng đội TNXP 9 thu mua, chế biến cho bà con. |
Về chế biến nông sản, đến nay, Nghệ An đã xây dựng được nhiều vùng nguyên liệu tập trung phục vụ cho chế biến, xuất khẩu, với sản phẩm khá đa dạng. Bên cạnh đó, địa phương đã có hàng trăm mô hình liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến, gia công sản phẩm giữa các hợp tác xã, chủ trang trại với các doanh nghiệp. Thế nhưng, hầu hết sản phẩm nông sản chỉ mới xuất khẩu ở dạng thô, hàm lượng giá trị gia tăng khá thấp.
Theo ông Phạm Văn Mạnh, chủ tịch Hội Nông dân huyện Kỳ Sơn, “Khó nhất là cung đường vận chuyển. Không chỉ khoảng cách từ các tuyến giao thông lớn, các đô thị như thành phố Vinh đến Kỳ Sơn rất xa, mà từ thị trấn Mường Xén, để đến được các xã khác cũng có khoảng cách rất dài, địa hình đồi núi cao, nên các tư thương ngại vào thu mua vì vận chuyển khó khăn, tăng chi phí. Thậm chí đã có doanh nghiệp đến Kỳ Sơn khảo sát để thu mua, chế biến nhưng lại bỏ do giao thông quá khó khăn”, ông Phạm Văn Mạnh cho hay.
Nhiều năm qua, cũng đã kêu gọi các doanh nghiệp, tìm một hướng đi tiêu thụ sản phẩm cho bà con, nhưng đến nay trên địa bàn vẫn chưa có doanh nghiệp nào vào kết nối, hỗ trợ, chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Trên địa bàn, ngoài tổng đội thanh niên xung phong 8 đã làm, thì liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ vẫn được coi là giải pháp hiệu quả nhất, cả trước mắt và lâu dài.
Vừa qua, Kỳ Sơn đã có những giải pháp như kết nối quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đưa đi tham gia các hội chợ hàng nông sản; một số sản phẩm như gừng đã được công nhận là sản phẩm Occop, có chỉ dẫn địa lý và hiện đang tiếp tục xây dựng làm sản phẩm Occop cho một số sản phẩm khác như mận, thịt bò giàng, gà đen… Tuy nhiên, để sản phẩm nông sản đặc sản của huyện có chỗ đứng vững chắc, nâng cao giá trị sản phẩm, thu nhập và đời sống bà con vùng miền núi cao, rất cần thêm sự hỗ trợ từ nhà nước, kêu gọi được các doanh nghiệp đồng hành cùng địa phương và người dân.
Theo ông Nguyễn Văn Đệ - Giám đốc sở Nông nghiệp và nông thôn tỉnh Nghệ An, hiện nay trên địa bàn vẫn chưa có các tập đoàn lớn đầu tư vào chế xuất mà chỉ có các doanh nghiệp nhỏ lẻ của địa phương. Kết quả thu hút đầu tư vào lĩnh vực này chưa đạt như kỳ vọng. Hiện nay cả tỉnh Nghệ An mới chỉ có một vài doanh nghiệp nhỏ chế biến sâu. Nguyên nhân, là các huyện miền núi, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, ngân sách tỉnh hạn hẹp, trong khi chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng lại rất lớn. Hơn nữa, đặc thù đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn lợi nhuận thấp, thị trường đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp thường không ổn định, có nhiều rủi ro, nên khó thu hút được các doanh nghiệp đầu tư.
Hiện các doanh nghiệp đầu tư vào chế biến nông sản vùng dân tộc thiểu số và miền núi không chỉ khó khăn về cơ sở hạ tầng, mà còn đối diện với sự bất cập về phát triển vùng nguyên liệu. Đó là sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu sự hợp tác, liên kết, bị cắt khúc bởi giới hạn địa giới hành chính… Hoặc nhiều vùng nguyên liệu đã được hình thành, nhưng lại thiếu cơ sở thông tin dữ liệu sản xuất để thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm, xây dựng mã vùng trồng...Do đó, để thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư nâng cao chất lượng, sản lượng, giá trị nông sản, trong thời gian tới cần có giải pháp khắc phục hiệu quả những bất cập trên.