Đòn bẩy giảm nghèo từ đặc sản bản địa

Từ món ăn dân dã nơi bản nhỏ, cá tép dầu sấy khô đang mở ra con đường làm kinh tế mới, giúp đồng bào dân tộc thiểu số Sơn La thoát nghèo bền vững.
Mai Châu (Hòa Bình) phát huy nguồn lực giảm nghèo bền vững Kinh tế vùng dân tộc thiểu số chuyển mình nhờ chính sách Dệt thổ cẩm – Dệt nên hành trình giảm nghèo bền vững

Những thách thức trên hành trình khởi nghiệp

Trên mảnh đất huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La quanh năm mây phủ, cá tép dầu là loài thủy sản nhỏ, sinh sống trong các khe suối đầu nguồn, được người dân tộc Mường, Thái, Mông… đem về chế biến thành món ăn truyền thống – khi thì phơi khô, khi thì sấy giòn tẩm gia vị. Vị ngọt thanh của cá quyện cùng hương khói bếp củi đã trở thành một phần hương vị tuổi thơ của bao thế hệ vùng cao.

Chị Đinh Thị Yến, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thái Tuấn – là một trong những người đầu tiên nhìn thấy tiềm năng thương mại từ loại cá dân dã này chia sẻ. “Cá tép dầu không chỉ là món ăn, mà là bản sắc, là ký ức của cả cộng đồng. Chúng tôi không làm nông sản một cách cũ kỹ, mà phải làm sao để khách Hà Nội, Sài Gòn nếm thử một lần là nhớ mãi,” chị Yến nói.

Đòn bẩy giảm nghèo từ đặc sản bản địa
Cá tép dầu khô được coi là đặc sản huyện Quỳnh Nhai. Ảnh minh hoạ

Chính từ tình yêu đó, HTX Thái Tuấn đã bắt tay vào việc xây dựng quy trình sơ chế, sấy khô, đóng gói đạt tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, đồng thời học cách kể câu chuyện bản địa đằng sau từng sản phẩm. Mỗi gói cá tép dầu giờ đây không chỉ chứa đựng hương vị, mà còn là thông điệp văn hóa và nỗ lực làm kinh tế, thoát nghèo của cộng đồng vùng cao.

Từ góc bếp đến gian hàng, từ bản nhỏ lên sàn thương mại điện tử – đó là chặng đường dài, gian nan nhưng đầy tự hào của những người phụ nữ dân tộc thiểu số. Được sự hỗ trợ từ các cấp chính quyền, chị Yến cùng các thành viên trong hợp tác xã được tham gia lớp tập huấn chuyên sâu về đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử, kỹ năng livestream bán hàng trực tuyến, cách viết mô tả sản phẩm và tiếp cận người tiêu dùng thành thị.

Dưới sự dẫn dắt của chị Yến, HTX Thái Tuấn không chỉ tham gia các hội chợ trong tỉnh mà còn có mặt ở chuỗi siêu thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng. Họ xây dựng fanpage riêng để bán hàng online, hợp tác với các sàn thương mại điện tử để đưa sản phẩm đến tay khách hàng khắp mọi miền.

Không chỉ dừng lại ở việc tiêu thụ, sản phẩm cá tép dầu còn được chị Yến tích cực đưa vào các tour du lịch cộng đồng, trở thành quà tặng trải nghiệm bản sắc của vùng cao.

HTX Thái Tuấn đã chứng minh rằng các sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số hoàn toàn có giá trị cao, mang tính cạnh tranh mạnh mẽ nếu được phát triển đúng hướng. Cá tép dầu sấy khô hiện đang có giá từ 180.000–250.000 đồng/kg, không hề thua kém các đặc sản vùng miền khác.

Người dân tộc thiểu số không làm nông nghiệp để đi theo sau. Chúng tôi làm để giữ gìn văn hóa, tạo sinh kế cho cộng đồng, và chứng minh rằng người vùng cao hoàn toàn có thể làm chủ kinh tế,” chị Yến chia sẻ.

Thành công của chị Yến cũng là lời khẳng định mạnh mẽ về vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số trong giảm nghèo và phát triển kinh tế địa phương. Họ không còn là “người đứng bên lề,” mà đã và đang trở thành những chủ thể chủ động, sáng tạo, linh hoạt và bền bỉ.

Sự đồng hành bền bỉ từ chính quyền các cấp

Trong những năm gần đây, tỉnh Sơn La đã chủ động ban hành nhiều chính sách có tầm nhìn xa, nhằm thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn gắn với chế biến nông sản tại các địa phương vùng sâu, vùng xa. Nhận thức rõ tiềm năng của những đặc sản bản địa như cá tép dầu, măng, chè Shan tuyết, xoài hay nhãn, chính quyền tỉnh đã và đang tập trung triển khai các chương trình hỗ trợ có trọng tâm – trọng điểm, không chỉ giúp bà con làm ra sản phẩm mà còn tiếp sức để sản phẩm có thể bước ra thị trường lớn.

Bà Lê Thị Hồng Anh – Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch tỉnh Sơn La – khẳng định: “Trung tâm sẽ bám sát các mục tiêu của Chương trình khuyến công quốc gia và chương trình khuyến công địa phương năm 2025 để triển khai xây dựng các đề án hỗ trợ doanh nghiệp, HTX đầu tư máy móc, thiết bị chế biến. Chúng tôi cũng sẽ tổ chức các lớp tập huấn chính sách khuyến công theo cụm tại các huyện, thành phố – ưu tiên địa bàn có nhiều hợp tác xã, doanh nghiệp sản xuất nông sản.”

Đòn bẩy giảm nghèo từ đặc sản bản địa
Chính quyền tỉnh đã và đang tập trung triển khai các chương trình hỗ trợ có trọng tâm – trọng điểm. Ảnh: Thanh Đào

Chương trình khuyến công chính là một trong những trụ cột quan trọng được tỉnh Sơn La vận dụng linh hoạt để hỗ trợ các cơ sở sản xuất nhỏ đổi mới công nghệ chế biến, nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng sản phẩm. Việc này không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước mà còn mở cánh cửa xuất khẩu – nơi mà yêu cầu về truy xuất nguồn gốc, bao bì, nhãn mác và chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm ngày càng khắt khe.

Bà Hồng Anh nhấn mạnh thêm: “Chúng tôi xác định rõ, phát triển công nghiệp nông thôn không chỉ là nâng tầm sản phẩm, mà còn là nâng tầm con người. Mỗi lớp tập huấn, mỗi buổi chia sẻ chính sách đều là một cơ hội để người dân bản địa thay đổi tư duy sản xuất, chuyển mình sang tư duy làm kinh tế, tư duy khởi nghiệp và làm chủ chuỗi giá trị”.

Bên cạnh hỗ trợ kỹ thuật, tỉnh Sơn La cũng quan tâm tới công tác xây dựng thương hiệu và phát triển thị trường. Các HTX, cơ sở sản xuất được hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu tập thể, mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm; kết nối với hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, chợ đầu mối và các nền tảng thương mại điện tử. Với sự hậu thuẫn chính sách mạnh mẽ và tinh thần đổi mới sáng tạo từ người dân, nhiều sản phẩm đặc sản của Sơn La đã ghi dấu ấn rõ nét trên bản đồ tiêu dùng nội địa và từng bước tiếp cận thị trường quốc tế.

Nhìn từ góc độ phát triển bền vững, những chính sách này không chỉ đơn thuần hỗ trợ sản xuất, mà còn là giải pháp căn cơ để xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy bình đẳng tiếp cận cơ hội kinh tế, và nâng cao năng lực nội sinh của đồng bào dân tộc thiểu số. Khi những đặc sản của núi rừng không chỉ là “món ăn dân dã” mà trở thành sản phẩm hàng hóa mang hàm lượng tri thức và công nghệ, thì chính là lúc người dân bản địa thực sự làm chủ tương lai trên chính mảnh đất mình.

Từ những con suối Mai Sơn, vị cá tép dầu sấy khô đã vượt rừng, băng đèo, lên phố thị, vào siêu thị và bước lên không gian số. Một hành trình không chỉ là chuyển đổi sản phẩm, mà là chuyển đổi tư duy – để bà con làm chủ thương hiệu, làm chủ tương lai trên chính mảnh đất quê hương mình.

Đó là câu chuyện của những người con dân tộc Mường không cam chịu cảnh nghèo truyền kiếp, mà dám đứng lên gây dựng thương hiệu riêng, mang đặc sản của núi rừng trở thành biểu tượng mới cho sự sáng tạo, kiên cường và bản lĩnh của người miền núi trong thời đại số.

Thiên Kim

Bản quyền thuộc về "Báo Công Thương Điện Tử", chỉ được dẫn nguồn khi có thỏa thuận bằng văn bản.