Chính sách khuyến công: Đồng hành cùng bà con khu vực miền núi giảm nghèo
Cơ chế - Chính sách Chủ nhật, 24/09/2023 - 00:00
Chính sách khuyến công thúc đẩy sản xuất khu vực nông thôn, miền núi, hải đảo Tuyên Quang: 100% cơ sở thụ hưởng chính sách khuyến công thuộc địa bàn khó khăn |
Thực hiện chủ trương của Đảng, Chính Phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững cho bà con dân tộc miền núi, Bộ Công Thương đã có rất nhiều chính sách, quy định và giải pháp thiết thực để giúp các tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp bao gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh tại khu vực miền núi tăng năng suất, tạo việc làm… từ đó giảm nghèo hiệu quả. Ông Dương Quốc Trịnh- Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương đã chia sẻ với Báo Công Thương xung quanh nội dung này.
Sau hơn 10 năm được ban hành, ông đánh giá ra sao về tác động của Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến công tới sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở khu vực miền núi?
Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21/5/2012 của Chính phủ về Khuyến công là chính sách lớn của Nhà nước về khuyến khích phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn, trong đó bao gồm nhiều nội dung.
Với khu vực các tỉnh miền núi, sau nhiều năm thực hiện, điều đầu tiên phải nhấn mạnh là chính sách khuyến công đã tác động và làm thay đổi đáng kể nhận thức của bà con về sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp.
Ông Dương Quốc Trịnh- Phó Cục trưởng Cục Công Thương địa phương, Bộ Công Thương |
Các địa phương khu vực miền núi đã rất dày công thực hiện công tác thông tin tuyên truyền bằng mọi hình thức bao gồm cả trực tiếp, gián tiếp để bà con hiểu, tiếp nhận và tham gia thụ hưởng chính sách. Công tác tuyên truyền chính sách hiện vẫn là một nhiệm vụ quan trọng của các địa phương này.
Nguồn kinh phí khuyến công hỗ trợ các cơ sở công nghiệp công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chủ yếu tại các khu vực như vùng Trung du miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, cụ thể như: Yên Bái, Hà Giang, Phú Thọ, Kon Tum, Lâm Đồng…
Trong giai đoạn 5 năm trở lại đây mức hỗ trợ kinh phí khuyến công cho khu vực này ngày càng tăng, một số nội dung hoạt động có mức chi áp dụng hệ số ưu tiên so với các địa bàn khác.
Công tác chỉ đạo, lãnh đạo của các cấp chính quyền địa phương đối với hoạt động khuyến công được tăng cường. Đến nay chương trình đã hỗ trợ tới 1.793 cơ sở sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Hoạt động khuyến công đã góp phần giúp các cơ sở xác định đúng hướng đầu tư, qua đó nâng cao hiệu quả và năng lực quản lý, mở rộng sản xuất kinh doanh và gia tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Đâu là những khó khăn còn tồn tại khiến công tác khuyến công ở khu vực miền núi chưa thực sự phát huy hết hiệu quả? Nguyên nhân mấu chốt là gì, thưa ông?
Trong quá trình thực hiện chính sách, có xét ưu tiên hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở các địa bàn khó khăn, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo quy định của pháp luật. Mặc dù vậy, số lượng các cơ sở đăng ký tham gia chương trình còn ít.
Nguyên nhân được xét đến một phần là do công tác phổ biến tuyên truyền về chính sách khuyến công tới các cơ sở còn hạn chế. Đa số các cơ sở công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp đều có vốn ít, quy mô sản xuất nhỏ, sức cạnh tranh yếu, năng lực quản trị của nhiều cơ sở còn chưa phù hợp với yêu cầu của thời kỳ đổi mới.
Ngoài ra điều kiện địa lý xa xôi, địa bàn hiểm trở, cơ sở vật chất phương tiện của các trung tâm khuyến công ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi còn nhiều khó khăn. Ở một số đơn vị, phương tiện làm việc còn chưa đồng bộ; đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công thường xuyên có sự thay đổi nên việc cập nhật, nắm bắt các nội dung hoạt động khuyến công thường kém về chất lượng.
Từ những thách thức đã chỉ ra, ở vai trò đơn vị xây dựng chính sách và quản lý Nhà nước ông có đề nghị gì với các địa phương để khuyến công phát huy tối đa hiệu quả, giúp cơ sở công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp ở khu vực miền núi tăng thu nhập và giảm nghèo?
Để tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động khuyến công, hỗ trợ có trọng tâm trọng điểm nhằm khai thác tiềm năng, phát huy hiệu quả lợi thế so sánh, tạo động lực phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của từng địa phương khu vực miền núi, các Sở Công Thương và trung tâm khuyến công cần quan tâm rà soát, sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khuyến công của địa phương; nghiên cứu xây dựng định mức kinh tế kỹ thuật đối với hoạt động khuyến công áp dụng tại địa phương.
Đẩy mạnh công tác bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, phổ biến văn bản, quy định về công tác khuyến công để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến công.
Kiện toàn tổ chức, xây dựng đội ngũ lãnh đạo, cán bộ đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Công Thương thực hiện nhiệm vụ về khuyến công theo hướng ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả.
Đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện làm việc cho đơn vị thực hiện. Xây dựng hệ thống cộng tác viên khuyến công cấp huyện, cấp xã nhằm giúp các cơ sở công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp thuận lợi hơn trong tiếp cận chính sách khuyến công.
Các đề án khuyến công được triển khai giúp các cơ sở sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp khu vực miền núi nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm. Ảnh Văn Đốc |
Thực hiện các đề án khuyến công đúng tiến độ làm cơ sở để xem xét đánh giá năng lực thực hiện và khen thưởng về công tác khuyến công. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các đề án khuyến công quốc gia trên địa bàn, đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ và nội dung hợp đồng đã ký.
Sở Công Thương tham mưu UBND cấp tỉnh tăng cường bố trí ngân sách địa phương cho các hoạt động khuyến công trên địa bàn; có sự hài hòa giữa ngân sách địa phương và Trung ương trong hỗ trợ khuyến khích phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Và đặc biệt chú trọng công tác thông tin tuyên truyền chính sách khuyến công để bà con hiểu và thụ hưởng chính sách. Bởi lẽ, mục tiêu cuối cùng của chính sách là hỗ trợ cho bà con phát triển sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, từng bước tiến tới giảm nghèo hiệu quả.
Nghị định số 45/2012/NĐ-CP của Chính phủ về Khuyến công đã được đưa vào thực thi hơn 10 năm, bối cảnh cho phát triển kinh tế nay đã thay đổi đáng kể, nên chăng chính sách này cần được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp? Và trong dài hạn, Cục có định hướng tham vấn ban hành mới hoặc sửa đổi bổ sung chính sách khuyến công như thế nào, thưa ông?
Trong giai đoạn từ nay đến 2025, hoạt động khuyến công tiếp tục thực hiện theo Quyết định số 1881/QĐ-TTg với các mục tiêu cụ thể nhằm tạo động lực cho phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp ở khu vực nông thôn.
Đó là huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp; khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch hơn hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững; thúc đẩy hoạt động kết nối giao thương các sản phẩm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao; tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh trong các sản phẩm công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản, gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Đặc biệt, dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, chuyển đổi số đang là xu hướng tất yếu.
Do đó, Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 – 2025 cũng sẽ tạo điều kiện cho các cơ sở thuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất chất lượng, năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế.
Bên cạnh đó, với những định hướng tại Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đề ra, việc tiếp tục xây dựng, sửa đổi Nghị định quy định về chính sách khuyến công phù hợp thời kỳ đổi mới sẽ tiếp tục góp phần thúc đẩy công nghiệp khu vực nông thôn đặc biệt là vùng đồng bào thiểu số và miền núi sẽ ngày một phát triển.
Trân trọng cảm ơn ông!