Bài 1: Trở lực từ thiếu hạ tầng giao thông
Cơ chế - Chính sách Thứ tư, 04/10/2023 - 17:12
Đắk Nông: Tuyên truyền pháp luật về giao thông tại khu vực biên giới Người dân ở nhiều huyện miền núi xứ Thanh mong chờ có một cây cầu bê tông |
Vùng Trung du và miền núi Bắc bộ có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Là vùng giàu tài nguyên, khoáng sản, thuận lợi phát triển nông, lâm nghiệp và kinh tế biên mậu.
Nhìn từ thực tiễn của tỉnh Lào Cai, nơi có rất nhiều đồng bào dân tộc sinh sống, ông Hoàng Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Lào Cai cho biết: Lào Cai là cực tăng trưởng và trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam - Trung Quốc, điều đó một phần dựa trên cơ sở các tiềm năng, thế mạnh sẵn có của tỉnh.
Hạ tầng giao thông hạn chế là một trong những trở lực cho phát triển kinh tế-xã hội vùng Trung du và miền núi Bắc bộ (Ảnh minh họa) |
Tỉnh cũng có điều kiện tự nhiên, thiên nhiên ưu đãi, đa dạng về bản sắc văn hóa để trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng quốc tế với trung tâm là khu du lịch quốc gia Sa Pa, Y Tý... đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Địa phương cũng có thế mạnh về công nghiệp chế biến gắn với hoạt động khai khoáng với trên 35 loại khoáng sản, 150 điểm mỏ có trữ lượng lớn.
“Kinh tế - xã hội của tỉnh Lào Cai trong những năm qua luôn là điểm sáng của vùng Trung du và miền núi Bắc bộ; GRDP bình quân đầu người của tỉnh luôn tăng trưởng ở mức cao, giai đoạn 2010-2020 đạt 10,9%/năm. Giá trị hàng hóa xuất nhập khẩu tăng trưởng bình quân đạt 15%/năm”, ông Hoàng Quốc Khánh nhấn mạnh.
Tương tự, Tuyên Quang được biết tới có kinh tế rừng phát triển mạnh mẽ, ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang cho hay: Tuyên Quang có khoảng 448.000 hecta đất lâm nghiệp, chiếm 76% đất tự nhiên với độ che phủ rừng đứng thứ 2 cả nước và luôn duy trì trên 65%. Đáng chú ý, diện tích rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững để phục vụ xuất khẩu sang các nước phát triển chiếm 48.300 hecta.
Với rừng phòng hộ, Tuyên Quang đã vận động bà con các dân tộc tập trung trồng cây dược liệu dưới tán rừng. Hiện Tuyên Quang đang sở hữu 1.000 hecta cây dược liệu trồng dưới tán rừng phòng hộ lĩnh vực này đang thu hút nhiều sự quan tâm của các doanh nghiệp quốc tế. Đây cũng là hướng đi mới nhằm phát triển rừng bền vững và nâng cao thu nhập của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Như vậy ở góc độ kinh tế, Tuyên Quang và Lào Cai đã minh chứng cho tiềm năng phát triển của các địa phương vùng Trung du và miền núi Bắc bộ. Ở khía cạnh du lịch, ông Hà Văn Siêu, Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam phân tích: Vùng sở hữu giá trị về sinh thái, văn hóa là “kho báu” về tài nguyên để phát triển du lịch. Trong quy hoạch phát triển du lịch, ngành xác định vùng có 16 điểm tiềm năng trở thành khu du lịch quốc gia như Đồng Văn, Sa Pa, Mộc Châu, Hồ Núi Cốc… những điểm này sẽ trở thành "cực" hút khách du lịch nhờ những tài nguyên đặc sắc.
Đồng thời, xu hướng kinh tế chia sẻ, ứng dụng công nghệ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết tạo hệ sinh thái du lịch liên tỉnh, liên vùng. Những cơ hội này tạo động lực cho vùng Trung du và miền núi Bắc bộ phát triển du lịch mạnh mẽ trong thời gian tới.
Dù có nhiều tiềm năng, lợi thế, tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia Trung du và miền núi Bắc bộ vẫn như “công chúa ngủ trong rừng”, chưa được khai thác hợp lý và phát huy hiệu quả. Đây vẫn là "vùng trũng" trong phát triển kinh tế và là "lõi nghèo" của cả nước.
Nguyên nhân thì có nhiều, trong đó ông Hoàng Trường Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Vùng và Địa phương - Ban Kinh tế Trung ương chỉ ra 3 vấn đề lớn, gồm: Công tác quy hoạch còn chậm, số tỉnh phê duyệt quy hoạch chung còn ít; cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông kết nối các tỉnh còn hạn chế; cải cách hành chính gắn với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và phê duyệt chủ trương các dự án đầu tư vẫn chậm.
Lãnh đạo UBND tỉnh Lào Cai cũng đồng tình khi chia sẻ: Xác định phát triển kết cấu hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông là một trong những lĩnh vực đột phá, theo đó, Lào Cai đã tập trung nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ.
Tuy nhiên, những nỗ lực này là chưa đủ, để hiện thực được mục tiêu xây dựng Lào Cai thành trung tâm kết nối giao thương kinh tế giữa Việt Nam và các nước ASEAN với vùng Tây Nam, Trung Quốc, đồng thời tạo động lực phát triển mạnh mẽ hơn cho khu vực Trung du và miền núi Bắc bộ, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lào Cai kiến nghị: Chính phủ quan tâm chỉ đạo đẩy nhanh việc triển khai các dự án lớn về hệ thống hạ tầng giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không để thúc đẩy liên kết vùng.