Thanh Hóa: Triển khai nhiều giải pháp nhằm giảm nghèo nhanh và bền vững
Cơ chế - Chính sách Thứ bảy, 23/09/2023 - 12:05
Hậu Giang: Khơi dậy tinh thần vượt khó giúp người nghèo chủ động vươn lên Thừa Thiên Huế: Ngày hội việc làm gắn với giảm nghèo bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số |
Địa phương trong nhóm dẫn đầu cả nước về tốc độ giảm nghèo
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 19 đã đề ra mục tiêu trong giai đoạn 2021 - 2025, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới mỗi năm giảm bình quân 1,5% trở lên. Để đạt được mục tiêu này, ngay từ đầu nhiệm kỳ, tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả và đã đạt được những kết quả tích cực. Theo đó, tỷ lệ hộ nghèo từ 6,77% năm 2021 giảm xuống còn 4,99% cuối năm 2022, vượt 0,29% so với kế hoạch. Đến nay, tỉnh Thanh Hóa là địa phương trong nhóm dẫn đầu cả nước về tốc độ giảm nghèo.
Mô hình chăn nuôi trâu bò giúp người dân xóa đói giảm nghèo bền vững ở huyện Như Thanh |
Là địa phương có 11 huyện miền núi, cơ sở hạ tầng, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, những năm qua, tỉnh Thanh Hóa luôn quan tâm ưu tiên đầu tư phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi. Để thúc đẩy kinh tế - xã hội các huyện miền núi, tỉnh này đã ban hành các chính sách, trong đó, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 624, ngày 23/7/2021, về Chương trình phát triển kinh tế - xã hội khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu chung của Chương trình là tạo chuyển biến mạnh mẽ về tư duy, nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, phát huy tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc khu vực miền núi. Khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong khu vực; tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài để đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hẹp khoảng cách về mức sống của người dân so với miền xuôi, giảm dần địa bàn thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cũng xác định, để giảm nghèo nhanh và bền vững, thì giải pháp hàng đầu là khơi dậy ý chí vươn lên của chính các hộ nghèo, phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả nhằm nâng cao thu nhập cho người dân. Từ đó, giúp các hộ nghèo thay đổi cách nghĩ, cách làm, mạnh dạn chuyển đổi nghề nghiệp, vay vốn, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để đẩy mạnh sản xuất kinh doanh... Thanh Hóa đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo; tập trung vào các dự án như: hỗ trợ đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội các huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo; dự án đa dạng hóa sinh kế và phát triển mô hình giảm nghèo; dự án truyền thông về giảm nghèo đa chiều... Cùng với đó, tỉnh Thanh Hóa đã quan tâm công tác tư vấn, giới thiệu gắn với đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động.
Mô hình nuôi gà ở huyện Thạch Thành giúp người dân xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững |
Mặc dù đã đạt được những kết quả rất quan trọng trong công tác giảm nghèo, nhưng hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn còn hơn 49 nghìn hộ nghèo. Thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa vẫn tiếp tục xác định giảm nghèo nhanh và bền vững là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu, từ đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ưu tiên bố trí nguồn lực của nhà nước và huy động có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho công tác giảm nghèo.
Tăng cường việc giám sát
Để thực hiện có hiệu quả giảm nghèo nhanh và bền vững, tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện việc giám sát Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Mới đây, Đoàn giám sát của Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có buổi làm việc với, giám sát việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững từ năm 2021 đến ngày 21/9/2023 trên địa bàn huyện Thạch Thành.
Theo báo cáo của UBND huyện Thạch Thành, hiện nay toàn huyện còn 2.571 hộ nghèo, chiếm 7,05% (giảm 6,28% so với cuối năm 2021); tổng số hộ cận nghèo 1.920 hộ, chiếm 5,27% (giảm 2,59% so với cuối năm 2021). Dự kiến đến cuối năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,54%, tỷ lệ hộ cận nghèo giảm còn 1,96%.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được thực hiện hiệu quả, tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2023 ước đạt 69,8%. Huyện đã thực hiện giải quyết việc làm mới cho 5.084 lao động. Thu nhập bình quân đầu người tính đến tháng 6/2023 đạt 52,12 triệu đồng/người/năm, xếp thứ 17 toàn tỉnh và đứng đầu trong 11 huyện miền núi.
Mô hình trồng cây đu đủ đực lấy hoa giúp người dân xã Trí Nang, huyện lang Chánh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo nhanh và bền vững. |
Việc cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo được quan tâm thực hiện. Giai đoạn 2021-2023 tổng số người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế là 13.061 lượt, người cận nghèo là 8.674 lượt. 100% số học sinh thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện được thụ hưởng chế độ miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; hỗ trợ ăn trưa cho học sinh mầm non 3-5 tuổi; hỗ trợ bán trú cho học sinh phổ thông. Hàng năm, có trên 33 nghìn học sinh được thụ hưởng chế độ, với kinh phí trên 18,362 tỷ đồng.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Chỉ tiêu 100% xã khó khăn thoát khỏi tình trạng xã khó khăn, 50% thôn đặc biệt khó khăn thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn được dự báo khó hoàn thành. Kết quả xây dựng, phát triển, nhân rộng mô hình giảm nghèo, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thương mại, du lịch, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh... nhằm tạo sinh kế, việc làm, thu nhập bền vững cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo còn hạn chế. Cùng với đó, việc huy động nguồn lực ở cấp huyện và cấp xã để thực hiện các mục tiêu Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, khả năng đối ứng vốn của người dân tham gia các dự án còn khó khăn...
Ông Mai Nhữ Thắng, Phó Trưởng Ban Dân tộc Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa cho hay: Công tác giảm nghèo trên địa bàn huyện Thạch Thành nhận được sự quan tâm rất lớn của các cấp, ngành trong tỉnh. Thạch Thành cũng có nhiều điều kiện thuận lợi, đất rộng, người đông, giao thông thuận lợi, điều kiện sản xuất rất lớn. Từ đó, tạo điều kiện tổ chức triển khai chương trình một cách đồng bộ, toàn diện, đạt kết quả tốt.
Thời gian tới, huyện Thạch Thành cần tiếp tục quan tâm sâu hơn, rộng hơn, rà soát lại các mục tiêu của Chương trình. Đồng thời, đánh giá thận trọng các kết quả đạt được cũng như nguyên nhân của những tồn tại để đưa ra các giải pháp thực hiện. Đặc biệt là nhóm giải pháp liên quan đến ngành nông nghiệp tạo sinh kế, tổ chức sản xuất. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân tập trung tổ chức sản xuất vươn lên thoát nghèo, nâng cao nhận thức của nhân dân. Quan tâm chỉ đạo các xã, thôn thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo. Tích cực học tập cách làm của các địa phương khác trong công tác giảm nghèo.
Còn tại huyện Như Thanh, với sự vào cuộc quyết liệt, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2023 trên địa bàn huyện đã đạt được những kết quả bước đầu rất quan trọng. Từ các chương trình và nguồn xã hội hóa giúp hộ nghèo khó khăn về nhà ở có chỗ ở ổn định, trong 2 năm đã có gần 200 hộ được xóa nhà tạm và sửa chữa nhà; đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho trên 3.000 lao động, trong đó có gần 300 người đi lao động có thời hạn ở nước ngoài. Cùng với đó, các chính sách về giáo dục và đào tạo; y tế và dinh dưỡng; chính sách về nhà ở; chính sách hỗ trợ tiếp cận các dịch vụ pháp lý; hỗ trợ, hưởng thụ văn hóa, thông tin; chính sách về nước sạch và vệ sinh môi trường; chính sách tín dụng; chính sách hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo được triển khai chi trả kịp thời.
Mô hình giảm nghèo nhờ phát triển du lịch sinh thái đang được phát triển mạnh tại các xã của huyện Bá Thước. Ảnh: N.N |
Từ những nguồn lực hỗ trợ của chương trình đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân, tác động trực tiếp làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện Như Thanh. Tỷ lệ hộ cận nghèo giảm 4,9%. Từ 11,4% xuống 6,5%; giảm 1.162 hộ cận nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 5%, từ 11,8% xuống còn 6,8%, giảm 1.210 hộ nghèo, vượt chỉ tiêu tỉnh giao 420 hộ. Do làm tốt công tác giảm nghèo góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội ngày một phát triển, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.
Có thể thấy, công tác giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua đã đạt được kết quả đáng ghi nhận. Để thực hiện tốt các mục tiêu về giảm nghèo nhanh và bền vững, thời gian tới, tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục xác định giải pháp then chốt là phải tập trung nâng cao hiệu quả công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền trong thực hiện chương trình. Đẩy mạnh tuyên truyền nhằm khơi dậy ý chí nỗ lực vươn lên và xóa bỏ tư tưởng trông chờ ý lại của hộ nghèo, hộ cận nghèo. Đồng thời, tập trung nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế xã hội; đẩy mạnh phát triển sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân.