Longform
Thứ bảy, 10/05/2025 - 06:00
Longform | Giỏ trái cây triệu USD: Giấc mơ từ núi đồi đến bàn ăn thế giới

Thứ bảy, 10/05/2025 - 06:00

Bộ Công Thương đang định hướng xây dựng Việt Nam trở thành giỏ trái cây của thế giới với đa dạng sản phẩm chất lượng cao, trong đó có trái cây miền núi.
Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ Công Thương nghiên cứu giải pháp tăng xuất khẩu trái cây Ớt, chanh leo, tổ yến và ‘giấc mơ lớn’ ở thị trường tỷ dân Từ mã QR đến lòng tin vào trái cây Việt Nam
Longform | Giỏ trái cây triệu USD: Giấc mơ từ núi đồi đến bàn ăn thế giới

Bộ Công Thương đang định hướng xây dựng Việt Nam trở thành giỏ trái cây của thế giới với đa dạng sản phẩm chất lượng cao, có thương hiệu, trong đó có một phần quan trọng là trái cây, nông sản từ các địa phương miền núi và vùng dân tộc thiểu số.

Longform | Giỏ trái cây triệu USD: Giấc mơ từ núi đồi đến bàn ăn thế giới

Từ những ngọn núi sương mù giăng phủ của Tây Bắc đến cao nguyên đất đỏ bazan miền Trung, đâu đâu cũng thấy bóng dáng nông dân cần mẫn với những mảnh vườn, sườn đồi, vạt núi đầy ắp cà phê, thanh long, chanh leo, mận hậu, mắc ca, vải thiều, xoài tượng da xanh...

Những sản vật tưởng chừng chỉ dành cho chợ quê, nay đã bước ra khỏi lũy tre làng, vượt hàng ngàn cây số để có mặt trong các siêu thị châu Âu, trên bàn ăn của các gia đình Nhật Bản, Hàn Quốc, tại các nhà hàng cao cấp ở Pháp, Đức, Mỹ, giúp hiện thực hoá giấc mơ của người nông dân là đưa nông sản Việt ra thế giới. Càng đặc biệt hơn khi nhiều loại trái cây Việt đang vươn ra thế giới lại đến từ những vùng núi cao, những nơi từng là vùng trũng trong sản xuất nông nghiệp. Chúng không chỉ là sản vật của vùng cao, mà đã trở thành những đại sứ thương hiệu, vươn tới những thị trường khó tính như Hoa Kỳ, Úc, EU – nơi từng sản phẩm dù là nhỏ nhất đều phải trải qua kiểm dịch.

Việt Nam hiện có trên 30 loại trái cây có giá trị xuất khẩu, đứng trong nhóm 10 nước có kim ngạch xuất khẩu rau quả lớn nhất thế giới. Năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt kỷ lục 5,6 tỷ USD, tăng hơn 65% so với cùng kỳ. Trong quý đầu tiên của năm 2025, xuất khẩu rau quả đạt 1,164 tỷ USD với thanh long, bưởi, dừa tươi… là các sản phẩm chủ lực. Mùa thu hoạch trái cây rộ sắp tới với nhãn, vải, xoài… dự báo sẽ tiếp tục đóng góp mức kim ngạch xuất khẩu khả quan cho mặt hàng rau quả. Trong đó, vải thiều Lục Ngạn, chanh leo Đắk Lắk, chuối Tây Bắc, sầu riêng Tiền Giang, xoài Sơn La... đang là những “gương mặt vàng” trong giỏ hoa quả toàn cầu.

Longform | Giỏ trái cây triệu USD: Giấc mơ từ núi đồi đến bàn ăn thế giới

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, trong thời gian qua, Bộ Công Thương đã chú trọng đưa các sản phẩm nông sản, đặc biệt là nông sản từ khu vực đồng bào thiểu số vào các chương trình xúc tiến thương mại quốc gia để hỗ trợ cho việc tìm kiếm thị trường, hỗ trợ bà con quảng bá sản phẩm. Thông qua các doanh nghiệp đầu mối, thông qua các hợp tác xã, doanh nghiệp cũng đóng vai trò thu mua cũng như hướng dẫn bà con nông dân để có thể sản xuất ra được các sản phẩm đạt được yêu cầu chất lượng để xuất khẩu, đáp ứng cam kết trong các hiệp định thương mại tự do.

“Các sản phẩm nông sản của khu vực miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số thì hiện chiếm khoảng 40% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu chung trong cơ cấu mặt hàng nông sản” – ông Trần Thanh Hải chia sẻ.

Longform | Giỏ trái cây triệu USD: Giấc mơ từ núi đồi đến bàn ăn thế giới

Các thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản, Úc... giờ đây đã quen thuộc với nhãn hiệu nông sản Việt. Không chỉ vì hương vị thơm ngon, mà còn nhờ vào quá trình chuyên nghiệp hóa trong sản xuất, bảo quản, chế biến sâu và xây dựng thương hiệu. Việc đưa sản phẩm ra nước ngoài đã giúp nâng cao giá trị cho sản phẩm nông sản miền núi, đồng thời nâng cao ý thức cho bà con trong việc tổ chức sản xuất và gìn giữ, nâng cao chất lượng, giá trị cho sản phẩm.

Đơn cử, tại Sơn La, năm 2010, cây thanh long ruột đỏ được đưa vào trồng tại huyện Thuận Châu theo đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh mã số KN-01-2020. Năm 2018, huyện xây dựng chuỗi cho sản phẩm thanh long ruột đỏ, liên kết với hợp tác xã Ngọc Hoàng cung ứng giống, hướng dẫn người dân kỹ thuật chăm sóc và bao tiêu sản phẩm.

Đây là 1 trong 8 chuỗi liên kết sản xuất về phát triển cây ăn quả bền vững của huyện Thuận Châu. Đến nay, huyện có 50ha thanh long ruột đỏ, trong đó 44ha được liên kết theo chuỗi, tập trung chủ yếu tại các xã Chiềng Pha, Phổng Lái, Phổng Lăng, Mường É. Năm 2024, sản lượng thanh long thu hoạch ước đạt trên 500 tấn, giá bán bình quân từ 30.000 đến 35.000 đồng/kg.

Longform | Giỏ trái cây triệu USD: Giấc mơ từ núi đồi đến bàn ăn thế giới

Cũng trong năm 2024, 5 tấn thanh long ruột đỏ của hợp tác xã Nông nghiệp Quỳnh Thuận, xã Chiềng Pha và 27 hộ dân ở các xã Chiềng Pha, Phổng Lái, huyện Thuận Châu được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường Italia thông qua hợp tác xã Nông nghiệp Ngọc Hoàng, huyện Mai Sơn, tỉnh Sơn La và Công ty trách nhiệm hữu hạn thực phẩm hữu cơ Hà Nội. Năm 2024, 60 tấn thanh long ruột đỏ Sơn La đã được xuất khẩu theo đường chính ngạch sang thị trường các nước Anh, Pháp, Nga, Italia, một số nước Trung Đông và thị trường EU.

Longform | Giỏ trái cây triệu USD: Giấc mơ từ núi đồi đến bàn ăn thế giới

Không chỉ chinh phục thị trường thế giới mà để củng cố vị thế trái cây nội địa và lan tỏa tinh thần “người Việt yêu hàng Việt”, Bộ Công Thương đã mở cửa Không gian trưng bày “Tinh hoa trái cây Việt” vào cuối tháng 4/2025, tại Hà Nội. Đây không chỉ là một sự kiện xúc tiến tiêu dùng nội địa mà còn là nơi lan tỏa tinh thần tự hào về trái cây Việt. Hàng chục loại nông sản tươi ngon từ khắp các vùng miền được quy tụ, từ những chùm vải thiều đỏ mọng của Bắc Giang, mận hậu của Sơn La, tới chanh leo Đắk Nông, bơ Lâm Đồng, sầu riêng Long An…

Longform | Giỏ trái cây triệu USD: Giấc mơ từ núi đồi đến bàn ăn thế giới

Tại đây, người tiêu dùng không chỉ được thưởng thức sản vật tươi ngon mà còn trải nghiệm công nghệ truy xuất nguồn gốc, được giới thiệu về quy trình sản xuất, bảo quản, chứng nhận tiêu chuẩn và thương hiệu của từng loại trái cây. Từ đó, không chỉ giới thiệu đến người tiêu dùng trong nước, mà cả du khách nước ngoài, các bạn hàng quốc tế về sự đa dạng của trái cây Việt Nam, độ tươi ngon của trái cây Việt Nam – những thức quà mát lành hoàn toàn có đủ khả năng hiện diện trên bàn ăn của hàng triệu gia đình trên thế giới.

Bà Vũ Thị Thương Huyền – Giám đốc HTX Chè Thịnh An (Thái Nguyên) chia sẻ, nông dân miền núi như chúng tôi không thiếu sản phẩm ngon, từ những quả na chín mọng, những hạt lạc bé mẩy bùi được trồng trong hốc đá, được bà con gùi từng gùi đưa xuống đồng bằng bán cho người dân… Nhưng cái thiếu là đầu ra bền vững. Khi được Nhà nước, doanh nghiệp, sàn thương mại điện tử hỗ trợ, chúng tôi có cơ hội đưa sản phẩm mình ra chợ lớn hơn, không chỉ trong nước mà cả thế giới”.

Longform | Giỏ trái cây triệu USD: Giấc mơ từ núi đồi đến bàn ăn thế giới

Việt Nam có hơn 12 triệu ha đất nông nghiệp, trong đó hàng triệu ha đang được quy hoạch trồng cây ăn quả với năng suất ngày càng cao. Sự phong phú về hệ sinh thái, vùng khí hậu cùng sự đa dạng sinh học chính là điều kiện "vàng" để Việt Nam trở thành một trong những trung tâm cung ứng trái cây lớn nhất thế giới. Riêng khu vực miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các sản phẩm trái cây, nông sản của bà con không những có chất lượng tốt mà còn có câu chuyện văn hoá đặc biệt phía sau.

Longform | Giỏ trái cây triệu USD: Giấc mơ từ núi đồi đến bàn ăn thế giới

Ví dụ, vùng cao nguyên Lâm Đồng là thủ phủ của chanh leo – loại trái cây không quá xa lạ, song với lợi thế khí hậu ôn đới, với điều kiện canh tác hữu cơ, thuần tự nhiên, chanh leo Lâm Đồng vẫn có nét riêng nhờ hương vị đặc biệt đậm đà và giàu dinh dưỡng. Nhờ chính sách hỗ trợ từ địa phương và sự liên kết với doanh nghiệp, cây chanh leo đã được đưa vào canh tác theo chuỗi giá trị, từ giống, phân bón, kỹ thuật trồng trọt đến thu mua, bao tiêu sản phẩm.

Đặc biệt, với sự vào cuộc của các doanh nghiệp như Công ty cổ phần xuất nhập khẩu thương mại Blue Ocean trong đầu tư công nghệ chế biến trái cây đông lạnh tại xã Phú Sơn, huyện Lâm Hà (tỉnh Lâm Đồng), sản phẩm chanh leo Lâm Đồng ngày càng nâng cao giá trị. Hiện doanh nghiệp này có khả năng sản xuất và cung cấp ra thị trường trên 10.000 tấn sản phẩm chanh leo mỗi năm. Sản phẩm chanh leo Lâm đồng đã đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đến Úc. Tham gia chuỗi giá trị cùng doanh nghiệp, nhiều hộ người dân tộc thiểu số như K’Ho, Mạ, Cơ Ho… từng sống dựa vào canh tác nhỏ lẻ, nay đã có thu nhập ổn định, một số hộ đạt 150 - 200 triệu đồng/năm - điều từng là giấc mơ xa vời ở vùng đất sương mù.

Longform | Giỏ trái cây triệu USD: Giấc mơ từ núi đồi đến bàn ăn thế giới

Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước – Bộ Công Thương cho biết, Việt Nam là quốc gia nhiệt đới, quanh năm hoa thơm trái ngọt. Việt Nam cũng định hướng xây dựng thương hiệu cho trái cây, tuy nhiên, thay vì lựa chọn 1 loại trái cây, Bộ Công Thương có ý tưởng biến Việt Nam thành “giỏ trái cây” của thế giới.

“Không phải là vựa trái cây mà là “giỏ trái cây” bởi mỗi mặt hàng có một lối đi riêng. Các mặt hàng có sản lượng hàng hoá lớn như gạo, thuỷ sản có thể gọi là “vựa” vì sẽ ra nước ngoài theo hướng xuất khẩu hàng hoá lớn. Còn các sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc, với đặc trưng là số lượng ít hơn nhưng chất lượng cao, giá trị tốt thì có thể xây dựng thành “giỏ trái cây” với những câu chuyện văn hoá đặc sắc phía sau để người dân thế giới biết đến và chọn mua” – ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Longform | Giỏ trái cây triệu USD: Giấc mơ từ núi đồi đến bàn ăn thế giới

Tiềm năng lớn như vậy, nhưng để hiện thực hóa mục tiêu trở thành "giỏ hoa quả của thế giới", cần một chiến lược tổng lực để phát triển vùng nguyên liệu gắn với chỉ dẫn địa lý; Chuẩn hóa giống cây trồng theo hướng thích ứng biến đổi khí hậu; Tăng tỷ lệ chế biến sâu, giảm tỉ lệ xuất khẩu thô; Mở rộng mạng lưới xúc tiến thương mại và bảo vệ thương hiệu quốc gia; Xây dựng chuỗi liên kết chặt chẽ giữa nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà nước. Hay nói cách khác, từ nông dân, HTX, doanh nghiệp, nhà phân phối, nền tảng thương mại điện tử… mỗi mắt xích trong chuỗi cung ứng đều phải nâng cấp. Việc xây dựng chỉ dẫn địa lý, vùng trồng đạt chuẩn Global G.A.P, bao bì, bảo quản lạnh, chế biến sâu… là bắt buộc nếu muốn đi xa.

Đồng hành cùng nông sản vùng cao không chỉ là Nhà nước, mà còn là hàng loạt doanh nghiệp dẫn đầu trong xuất khẩu và phân phối nội địa. Nhiều nền tảng số như nongsan.buudien.vn, Sendo Farm, Tiki Ngon, TikTok Shop... đã trở thành cánh tay nối dài, đưa trái cây đến tận tay người tiêu dùng thành thị và quốc tế.

Một quả xoài thơm không chỉ là món ăn, mà là niềm tự hào. Một chùm vải đỏ chín ngọt hay hạt mắc ca béo bùi không chỉ là sản vật, mà là thành quả của bao thế hệ nông dân gùi từng cây giống lên nương, chăm từng mầm xanh trên núi. Khi trái cây Việt không còn nằm trong giỏ của người mẹ vùng cao mang ra chợ sớm, mà xuất hiện trong giỏ hàng trên sàn thương mại điện tử, hay tại các siêu thị ở trời Âu, thì đó là lúc chúng ta không chỉ bán hàng mà còn kể một câu chuyện văn hóa, bản sắc và khát vọng trong việc đưa trái cây Việt Nam trở thành giỏ hoa quả thơm ngon, chất lượng trên kệ hàng thế giới.

Phương Lan

Đồ họa: Ngọc Lan

Phương Lan