Longform
Thứ ba, 22/04/2025 - 13:03
Longform | Nông sản vùng cao ‘chạm’ giấc mơ toàn cầu

Thứ ba, 22/04/2025 - 13:03

Những năm gần đây, Việt Nam đã có nhiều loại nông sản vùng cao như xoài, chanh leo... vươn tới các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE, EU, Anh...

‘Bắc cầu’ thị trường cho nông sản vùng cao: Khơi thông từ chính sách tới hành động

VCAMart: 'Cú hích' cho nông sản vùng dân tộc thiểu số Bình Định bắc nhịp cầu tiêu thụ nông sản vùng cao

Longform | Nông sản vùng cao ‘chạm’ giấc mơ toàn cầu

Những năm gần đây, Việt Nam đã không ít lần gây tiếng vang khi đưa xoài Mộc Châu, vải thiều Bắc Giang, chè Shan tuyết Yên Bái, gạo Séng Cù Lào Cai, cam Cao Phong, miến dong Cao Bằng, cà phê, sầu riêng Tây Nguyên… vươn tới các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, UAE, EU, Anh... góp phần khẳng định thương hiệu nông sản Việt trên thị trường thế giới. Có được thành quả này là do các Bộ ngành, địa phương đã nỗ lực vào cuộc để đưa sản phẩm của bà con xuất ngoại.

Longform | Nông sản vùng cao ‘chạm’ giấc mơ toàn cầu

Cuối năm 2024, ngành cà phê Việt Nam ghi dấu một sự kiện quan trọng khi Công ty TNHH thương mại dịch vụ Nông Trại EDE (trụ sở tại TP. Buôn Ma Thuột) – vùng cà phê lớn và chất lượng nhất của Việt Nam, nơi bà con dân tộc Ba Na, Ê đê vẫn ngày ngày lên núi trồng và chăm bón cà phê - xuất khẩu container cà phê rang xay thành phẩm đầu tiên nhãn hiệu MISS EDE đến thị trường Hoa Kỳ.

Container cà phê rang xay thành phẩm của thương hiệu MISS EDE xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ có kích thước 20 feet, chứa 18.000 gói cà phê rang xay thành phẩm.

Longform | Nông sản vùng cao ‘chạm’ giấc mơ toàn cầu

Đây là sản phẩm cà phê hoàn chỉnh của công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Nông trại EDE, được đóng gói tại Việt Nam, không phải cà phê nguyên liệu hay gia công nhãn mác. Cà phê được sơ chế theo quy trình lên men đạt chuẩn FDA Hoa Kỳ. Nguyên liệu cà phê được trồng tại vùng canh tác bền vững không xâm lấn rừng tự nhiên, đạt chứng nhận EUDR và được quản lý bởi Simexco Đắk Lắk. Doanh nghiệp nhập khẩu tại tiểu bang illinois (Mỹ), phân phối sản phẩm trên hệ thống siêu thị địa phương, mở ra cơ hội tiếp cận người tiêu dùng Hoa Kỳ và nâng cao thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đây không chỉ là tin vui cho toàn ngành cà phê Việt Nam mà còn là lời khẳng định hùng hồn cho sản phẩm Việt, trí tuệ Việt định danh trên thị trường quốc tế. Trên những triền núi cao ngút của Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, nơi có độ dốc lớn và địa hình hiểm trở, nơi bà con các dân tộc Mông, Dao, Tày, Thái... cần mẫn gùi từng gùi chè, từng quả xoài, từng nải chuối, từng bắp ngô, từng gùi cà phê… chuyển xuống vùng xuôi tiêu thụ – đang dần hình thành những vùng nông sản không chỉ “sạch”, mà còn “chuẩn xuất khẩu”.

Sản phẩm từ vùng núi đồi xa xôi đã nhận được “cánh tay nối dài” của các bộ ngành, Hiệp hội, doanh nghiệp nhằm tiếp tục lan toả sản phẩm ra thị trường thế giới. Tại Bộ Công Thương, nông sản nói chung và nông sản của bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nói riêng luôn là sản phẩm ưu tiên của Bộ Công Thương trong phát triển thị trường và xúc tiến thương mại. Có thể thấy rằng, thời gian qua xuất khẩu nông sản đã có những dấu hiệu đáng ghi nhận với kim ngạch đạt mức cao.

Trong quý đầu tiên của năm 2025, xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của Việt Nam đạt 15,72 tỷ USD, tăng 13,1% so với cùng kỳ năm 2024. Điểm sáng của nhóm hàng này nằm ở rất nhiều sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số như cà phê, hạt tiêu, xoài, chanh leo… Nhiều sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã xuất khẩu thành công như cà phê Vĩnh Hiệp sang Nhật Bản; chanh leo Lâm Đồng xuất khẩu thành công vào Úc… Đây đều là những điểm sáng trên bức tranh nông sản, khẳng định sự đóng góp của nông sản miền núi trong thành tích xuất khẩu nông sản nói chung.

Longform | Nông sản vùng cao ‘chạm’ giấc mơ toàn cầu

Ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu – Bộ Công Thương cho biết, trong bức tranh đó, Bộ Công Thương đã đóng góp tích cực vào việc hỗ trợ người nông dân những thông tin liên quan đến thị trường, đặc biệt là các thị trường gần nhất hoặc có truyền thống như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…

Bên cạnh đó, phát huy và chỉ đạo hệ thống thương vụ tham gia vào việc hỗ trợ mở rộng thị trường để giúp doanh nghiệp, thương nhân, hợp tác xã khu vực miền núi tiêu thụ sản phẩm.

Đồng thời, đẩy mạnh khâu xúc tiến thương mại. Đây là việc rất quan trọng và rất cần sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp. Đây cũng được đánh giá là một trong những điểm yếu vì các doanh nghiệp của chúng ta, đặc biệt là các doanh nghiệp miền núi, HTX chưa có nhiều kinh nghiệm trong vấn đề này.

“Bộ Công Thương đã mở các chương trình tập huấn online, offline để hỗ trợ cho các thương nhân, doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm. Đồng thời, tiến tới từng bước cho thương nhân tự chứng nhận xuất xứ hàng hoá nhằm tạo thuận lợi đưa hàng hoá nói chung và sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc ra nước ngoài”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Longform | Nông sản vùng cao ‘chạm’ giấc mơ toàn cầu

Thêm nữa, các địa phương đã nhận được hướng dẫn chi tiết trong xây dựng thương hiệu, bao bì, mẫu mã, truy xuất nguồn gốc, tiêu chuẩn GAP... để từng sản phẩm “made in vùng cao” đủ điều kiện bước ra thị trường quốc tế. Bộ Công Thương còn vào cuộc để hỗ trợ chính sách xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm vùng miền, định danh sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài bằng chính thương hiệu của mình.

Longform | Nông sản vùng cao ‘chạm’ giấc mơ toàn cầu

Cùng với sự hỗ trợ tích cực của các Bộ ngành, các địa phương cũng nỗ lực vào cuộc để triển khai các giải pháp thúc đẩy xuất khẩu nông sản bằng hàng loạt các chính sách hữu ích. Tỉnh Bắc Giang – nổi tiếng với vải thiều Lục Ngạn – đã chứng minh đẳng cấp sản phẩm của người nông dân miền núi khi xuất khẩu hơn 112.000 tấn vải thiều năm 2024, trong đó trên 25.000 tấn sang Trung Quốc, còn lại vào Nhật Bản, Mỹ, EU, Singapore, UAE...

Longform | Nông sản vùng cao ‘chạm’ giấc mơ toàn cầu

Theo Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa tỉnh Bắc Giang đến năm 2030, giai đoạn 2021-2030, toàn tỉnh phấn đấu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quân 13-15%/năm. Để đạt mục tiêu này, tỉnh đưa ra nhiều giải pháp, trong đó phát huy mọi tiềm năng, lợi thế, huy động các nguồn lực để sản xuất, xuất khẩu nông sản chủ lực.

Hoặc Sơn La – vùng đất được mệnh danh là “thủ phủ nông sản Tây Bắc” – đang sở hữu hơn 21.700 ha cây ăn quả với sản lượng đạt trên 400.000 tấn/năm. Trong đó, xoài, nhãn, mận hậu đã được cấp mã vùng trồng, đạt tiêu chuẩn GlobalGAP, đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch sang Nhật Bản, Hàn Quốc, EU. Sơn La không chỉ trở thành vựa nông sản của Tây Bắc nhờ các chính sách hỗ trợ thiết thực cho đồng bào dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, mà còn ghi dấu sự chuyển mình của các hợp tác xã địa phương. Nhiều HTX do đồng bào dân tộc thiểu số quản lý đã chủ động “chuyển mình” – từ canh tác sang quản trị, từ trồng lẻ sang liên kết chuỗi, đảm bảo các yêu cầu ngày càng cao của các đối tác quốc tế.

Longform | Nông sản vùng cao ‘chạm’ giấc mơ toàn cầu

Tại Yên Bái, giống chè Shan tuyết cổ thụ ở vùng cao Văn Chấn, Trạm Tấu... đã trở thành biểu tượng của nông sản sạch, hữu cơ. Sản phẩm chè đóng gói xuất khẩu từ HTX bản địa hiện được tiêu thụ ở thị trường Nhật Bản, Trung Đông, với giá cao gấp đôi thị trường trong nước.

Từ thành công của chè Shan tuyết, Yên Bái đã nhân rộng mô hình phát triển cây ăn quả của bà con đồng bào dân tộc thiểu số Yên Bái sang nhiều loại nông sản khác, trong đó có bưởi Đại Minh hay còn gọi bưởi “tiến vua” - đặc sản và niềm tự hào của người dân huyện Yên Bình (Yên Bái). Tỉnh đã khuyến khích người dân các hợp tác xã chủ động áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong trồng và chăm sóc bưởi theo hướng VietGAP; chủ động liên kết với các Hợp tác xã nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, duy trì chất lượng và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm cả ở trong và ngoài nước.

Longform | Nông sản vùng cao ‘chạm’ giấc mơ toàn cầu

Tuy nhiên, hành trình từ bản làng đến thị trường quốc tế không dễ dàng. Nhiều nông sản vùng dân tộc thiểu số có chất lượng tốt, tiềm năng cao nhưng vẫn gặp khó trong xuất khẩu vì hạn chế về sản lượng, quy trình sản xuất, đóng gói và đáp ứng các tiêu chuẩn. Quy mô sản xuất nhỏ, phân tán, chưa hình thành chuỗi giá trị bền vững khiến sản phẩm khó tìm được chỗ đứng vững vàng trong kênh phân phối. Bên cạnh đó, năng lực chế biến sâu, bảo quản lạnh còn hạn chế; trình độ ngoại ngữ, thương mại điện tử, logistics còn yếu khiến nhiều sản phẩm dù đã được cấp phép xuất khẩu vào các thị trường nhưng vẫn không thể đáp ứng được các yêu cầu về tiêu chuẩn xuất khẩu khắt khe của thị trường xuất khẩu.

Minh chứng từ các mô hình xuất khẩu thành công của các sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cho thấy, nếu không có sự vào cuộc và đồng hành của doanh nghiệp trong vai trò kết nối, xây dựng thương hiệu và đáp ứng các yêu cầu khắt khe của thị trường thì những khó khăn trong xuất khẩu sẽ khó có thể được hoá giải.

Longform | Nông sản vùng cao ‘chạm’ giấc mơ toàn cầu

TS Lê Quốc Phương – nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại chỉ rõ, doanh nghiệp phải là doanh nghiệp chính là chủ thể được hưởng lợi lớn nhất từ giá trị thương hiệu sản phẩm. Do đó, doanh nghiệp phải vào cuộc, chứng minh vai trò quan trọng nhất trong việc kết nối xây dựng chuỗi và hình thành thương hiệu nông sản.

Việc xây dựng thương hiệu là hành trình dài, tốn kém, song giá trị thương hiệu là điều không thể đo đếm được. Do đó, doanh nghiệp có được thương hiệu mạnh sẽ có được giá trị sản phẩm tốt, có được lợi nhuận cao từ chính giá trị thương hiệu đó” – TS Lê Quốc Phương nhấn mạnh.

Nông sản vùng cao đang trên hành trình vượt biên giới không chỉ theo đường chính ngạch mà còn bằng khát vọng bài bản – chất lượng – thương hiệu. Mỗi sản phẩm giờ đây là một câu chuyện, một hành trình từ nương rẫy đến tay người tiêu dùng quốc tế. Nhiều sản phẩm đã có mặt tại Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Mỹ… nhưng mục tiêu không dừng lại ở xuất khẩu đơn lẻ, mà là tạo được chuỗi giá trị bài bản, có thương hiệu quốc gia, vùng miền gắn với chỉ dẫn địa lý và giá trị văn hóa bản địa.

Longform | Nông sản vùng cao ‘chạm’ giấc mơ toàn cầu

Mỗi quả vải, mỗi bó chè, mỗi hạt ngô không chỉ là thành quả của lao động mà còn là kỳ vọng, là khát vọng vươn lên, vượt núi, vượt nghèo. Khi chính sách đủ sâu, thị trường đủ rộng, bà con có khát khao và doanh nghiệp đủ tâm huyết, nông sản vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi sẽ không chỉ lên kệ siêu thị nội địa mà còn ghi dấu ấn toàn cầu. Hành trình đó đang bắt đầu, và cần sự chung tay của “4 nhà” để biến những mảnh ruộng nương cheo leo thành “mỏ vàng xanh” của quốc gia.

Phương Lan

Đồ họa: Ngọc Lan

Bảo Ngọc