Bà con nông dân Gia Lai đổi đời nhờ cây mía
Kinh tế nông thôn và miền núi Thứ ba, 01/04/2025 - 16:21
Nông sản Gia Lai làm gì để vào thị trường Nhật Bản? Ngành Công Thương Gia Lai lên phương án thúc đẩy các cụm công nghiệp Cải thiện hạ tầng để du lịch TP. Pleiku 'cất cánh' |
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, mở rộng diện tích và liên kết với các doanh nghiệp, bà con nông dân trồng mía trên địa bàn tỉnh Gia Lai không chỉ ổn định cuộc sống mà còn có thu nhập cao ngay trên chính mảnh đất quê hương.
Đổi đời nhờ trồng mía
Gia Lai là một trong những tỉnh có diện tích trồng mía lớn nhất cả nước, tập trung chủ yếu ở các huyện như Ia Pa, Phú Thiện, Krông Pa, Chư Pưh, Chư Sê… Điều kiện thổ nhưỡng và khí hậu nơi đây rất thích hợp cho sự phát triển của cây mía, giúp cây sinh trưởng tốt, năng suất cao.
![]() |
Gia Lai là một trong những tỉnh có diện tích trồng mía lớn nhất cả nước |
Trước đây, người dân chủ yếu trồng mía theo phương pháp truyền thống, năng suất thấp, đầu ra bấp bênh. Song với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương và doanh nghiệp, bà con đã áp dụng các mô hình sản xuất hiện đại, sử dụng giống mía chất lượng cao, đầu tư hệ thống tưới tiêu và cơ giới hóa trong thu hoạch, giúp tăng hiệu quả kinh tế đáng kể.
Việc chuyển đổi sang mô hình trồng mía theo hướng bền vững đã giúp nhiều hộ nông dân vươn lên làm giàu. Trung bình, mỗi hecta mía có thể đạt năng suất từ 80-100 tấn, với giá bán ổn định từ 900.000 – 1.200.000 đồng/tấn. Sau khi trừ chi phí, người trồng mía có thể thu về từ 80 - 120 triệu đồng/năm, thậm chí cao hơn nếu canh tác tốt.
![]() |
Trung bình, mỗi hecta mía có thể đạt năng suất từ 80-100 tấn |
Anh Nguyễn Văn Thành, một hộ trồng mía lâu năm ở huyện Phú Thiện chia sẻ: “Trước đây, tôi chỉ trồng lúa và một số cây hoa màu nhưng thu nhập không đáng kể. Từ khi chuyển sang trồng mía và áp dụng kỹ thuật mới, mỗi năm tôi có thể thu lãi trên 200 triệu đồng từ 3ha mía. Nhờ đó, gia đình có điều kiện xây nhà mới, mua sắm tiện nghi và lo cho con cái ăn học”.
Khoảng 3 năm trở lại đây, gia đình chị Trịnh Thị Na (thôn Đoàn Kết, xã Ia Hiao, huyện Phú Thiện) có thu nhập ổn định 500-600 triệu đồng/năm từ 12 ha mía. “Bên cạnh việc được nhà máy hỗ trợ phân bón, bã bùn, cày sâu để cải tạo đất, cung cấp giống sạch bệnh, gia đình tôi cũng đầu tư hệ thống béc tưới cho toàn bộ diện tích mía. Nhờ đó, năng suất mía năm nào cũng đạt 80-90 tấn/ha. Sau khi trừ chi phí đầu tư, gia đình tôi thu về khoảng 50 triệu đồng/ha” - chị Na phấn khởi cho biết.
Không chỉ riêng huyện Ia Pa, nhiều nông dân ở huyện Chư Sê cũng đã thay đổi cuộc sống nhờ cây mía. Nhiều hộ dân đã vươn lên làm giàu từ cây mía, có hộ thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.
![]() |
Nhiều nông dân ở huyện Chư Sê cũng đã thay đổi cuộc sống nhờ cây mía |
Trồng mía đã hơn 10 năm, gia đình anh Đinh Văn Tạ (làng Kte, xã Hbông) có hơn 65 hecta mía. Anh Tạ cho biết, năm 2007, gia đình anh chuyển từ huyện Phú Thiện về Hbông lập nghiệp. Ban đầu, anh trồng cao su và hồ tiêu. Thế nhưng, các loại cây trồng này đều bị chết vì không hợp khí hậu, thổ nhưỡng. Không nản chí, anh tiếp tục vay vốn đầu tư trồng mía và đã thành công.
“Mỗi héc ta mía sau khi trừ chi phí đầu tư còn lãi 30-32 triệu đồng. Nhờ cây mía, gia đình tôi xây được căn nhà trị giá hơn 1 tỷ đồng, mua được xe ô tô để đi lại cho thuận tiện. Dự kiến trong năm 2025, tôi sẽ thuê thêm 15 ha đất nữa để mở rộng diện tích mía”-anh Tạ chia sẻ.
Còn gia đình ông Nguyễn Văn Vinh (làng Ia Sa) trồng 7 ha mía. Nhờ chăm sóc tốt nên năng suất mía đạt 110-115 tấn/ha. Vụ mía 2023-2024, gia đình ông lãi 350 triệu đồng. “Nhờ cây mía mà gia đình tôi có cuộc sống ấm no hơn, con cái có tiền ăn học đầy đủ, gia đình tôi cũng vừa làm được căn nhà trị giá gần 1 tỷ đồng” - ông Vinh mừng vui.
Liên kết doanh nghiệp: Chìa khóa thành công
Dù có nhiều tiềm năng, nhưng ngành mía đường Gia Lai cũng đối mặt với một số thách thức như giá cả biến động, chi phí đầu tư cao, ảnh hưởng của thời tiết và sâu bệnh. Tuy nhiên, với định hướng phát triển vùng nguyên liệu bền vững, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ, cây mía vẫn là một trong những hướng đi triển vọng giúp nông dân Gia Lai làm giàu.
![]() |
Mía được tiêu thụ tại Nhà máy đường An Khê |
Để đảm bảo đầu ra ổn định, nhiều nông dân đã tham gia chuỗi liên kết với các doanh nghiệp như Nhà máy Đường An Khê, Công ty cổ phần Nông nghiệp AgriS Gia Lai. Các doanh nghiệp này không chỉ bao tiêu sản phẩm mà còn hỗ trợ kỹ thuật, giống, phân bón và cơ giới hóa thu hoạch, giúp giảm chi phí sản xuất. Mô hình liên kết này không chỉ giúp nông dân yên tâm sản xuất mà còn nâng cao chất lượng vùng nguyên liệu, tăng tính cạnh tranh cho ngành mía đường Gia Lai trên thị trường.
Để phát triển vùng nguyên liệu mía bền vững, những năm qua Nhà máy đường An Khê đã trang bị hơn 350 máy cày trồng, hàng trăm thiết bị chăm sóc và 8 máy thu hoạch mía liên hợp để phục vụ người dân trên vùng nguyên liệu mía trong chuỗi liên kết sản xuất.
![]() |
Áp dụng cơ giới hóa thu hoạch giúp tăng hiệu quả kinh tế |
Ông Nguyễn Hoàng Phước - Phó Giám đốc Nhà máy đường An Khê cho biết: Nhà máy đang đẩy mạnh thực hiện 4 chương trình gồm cơ giới hóa, hóa học hóa, sinh học hóa và tối ưu hóa trong quản lý đồng ruộng và thu hoạch, giúp người dân tiết giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế.
Chương trình cơ giới hóa được thực hiện từ năm 2007 nhằm hỗ trợ việc cày xới, trồng, chăm sóc và thu hoạch bằng máy cũng như xây dựng cánh đồng lớn. Chương trình này đã nâng được năng suất mía từ 50 tấn/ha trước đây lên 80 tấn/ha, thậm chí hơn 100 tấn/ha. Ngoài ra, cánh đồng mía lớn thu hoạch bằng máy sẽ giảm được chi phí từ 50-70.000 đồng/tấn, góp phần tăng hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích.
Đáng chú ý, nhà máy đã tối ưu hóa trong quản lý, ứng dụng các phần mềm trong việc xây dựng lịch thu hoạch, vận chuyển, tiếp nhận, thanh toán chính xác và tiết kiệm thời gian cho người trồng mía.
Theo ông Trần Văn Đấu - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Kông Chro: Niên vụ 2024-2025, toàn huyện có khoảng 10.500 ha mía nguyên liệu. Năm nay, mía chín sớm. Đến thời điểm này, người dân đã thu hoạch được khoảng 80% diện tích mía nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy Đường An Khê.
Do thời tiết không thuận lợi nên năng suất mía bình quân đạt 75 tấn/ha, giảm 4-5 tấn/ha so với niên vụ 2023-2024. Song nhờ giá thu mua của Nhà máy Đường An Khê giữ ổn định ở mức hơn 1,1 triệu đồng/tấn mía chữ đường 10CCS nên người dân có lợi nhuận 35-40 triệu đồng/ha. Hiện nay, người dân đã đăng ký chuyển những diện tích mì năng suất thấp sang trồng mía để nâng cao hiệu quả kinh tế.
![]() |
Người dân đã chủ động ứng dụng công nghệ tiên tiến vào quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch cây mía, góp phần tăng năng suất lên 80-100 tấn/ha. |
Ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường cho biết: Gia Lai có diện tích mía lớn nhất cả nước với trên 40.000 ha, đáp ứng nguyên liệu cho 2 nhà máy đường trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, các nhà máy đường đã chú trọng liên kết với người dân canh tác mía theo Nghị định số 98/2018/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Trong đó, các nhà máy đường đã đưa cơ giới vào sản xuất từ khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến. Bên cạnh đó, chọn những giống mía có năng suất, chất lượng cao thay thế những giống đã nhiễm bệnh trắng lá. Không những vậy, người dân cũng đã chủ động ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước cho cây mía, góp phần tăng năng suất lên 80-100 tấn/ha.
“Để cây mía phát triển bền vững, tỉnh sẽ rà soát, đánh giá những khu vực thuận lợi để định hướng người dân sản xuất theo hướng thâm canh, ổn định vùng nguyên liệu. Những diện tích không phù hợp sẽ chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Bên cạnh đó, cơ cấu lại ngành mía đường của tỉnh theo hướng bền vững bằng cách giảm diện tích không phù hợp với cây mía. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ tưới tiên tiến, tiết kiệm nước, gắn vùng nguyên liệu mía cho các nhà máy đường đầu tư để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho người dân” - ông Có thông tin.
Ngày 20/8/2024, UBND tỉnh Gia Lai đã có Quyết định số 383/QĐ-UBND ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025. Theo đó, đến năm 2025, tỉnh duy trì ổn định khoảng 38.000 ha mía, sản lượng đạt khoảng 2,66 triệu tấn. Đẩy mạnh cơ giới hóa từ khâu làm đất đến thu hoạch, đưa giống mía mới vào sản xuất; tạo mối liên kết bền vững giữa nông dân và doanh nghiệp. |
Tin mới nhất

Mai Châu (Hòa Bình) phát huy nguồn lực giảm nghèo bền vững

Biến sản phẩm vùng quê thành ‘chìa khóa’ mở hướng thoát nghèo
Tin cùng chuyên mục

Từ bản sắc đến sinh kế: Con đường giảm nghèo bền vững

Thái Nguyên: Hành trình đưa chè Sông Cầu vươn tầm quốc tế

Đưa kinh tế vùng dân tộc thiểu số Điện Biên vươn xa

Lạng Sơn: Chú trọng nâng cao chất lượng cán bộ người dân tộc thiểu số và người có công

Đảng viên người dân tộc Chứt quyết thoát nghèo với cây mít ruột đỏ

Chuyện về những “cây đại thụ” lan tỏa tinh thần mới trong xóa đói giảm nghèo

Những trái ngọt từ “vườn cây giảm nghèo”

Dồn sức để giảm nghèo trên mảnh đất "xứ trầm hương”

Lai Châu: “Quả ngọt” từ chính sách phát triển nông nghiệp hàng hoá

“Hạt ngọc nâu” trên đỉnh núi mù sương

Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc Khmer

Thanh Hóa: Thương hiệu vịt Cổ Lũng giúp người dân vùng Bá Thước nâng cao thu nhập

Thanh Hoá: Nghề dệt thổ cẩm giúp đồng bào dân tộc Thái thoát nghèo bền vững

Tăng sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số từ việc bán tín chỉ carbon

Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm: Giúp bà con miền núi xóa đói giảm nghèo

Hậu Giang: Khơi dậy tinh thần vượt khó giúp người nghèo chủ động vươn lên

Nghệ An: Bộ đội hỗ trợ sinh kế, nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số

Longform | Tạo sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc

Người dân miền núi Nghệ An vào rừng hái 'lộc trời', chế biến thành đặc sản
