Sơn La: Gieo hạt liên kết, gặt mùa tiêu thụ
Xúc tiến thương mại Chủ nhật, 04/05/2025 - 17:33
Chủ động từ sản xuất đến tiêu thụ
Là vùng trồng cây ăn quả lớn thứ hai cả nước, tỉnh Sơn La không ngừng mở rộng diện tích và nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước. Năm 2025, toàn tỉnh ước đạt sản lượng 510.000 tấn nông sản, bao gồm nhiều loại quả chủ lực như xoài, nhãn, chuối, chanh leo...
Cùng với việc tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp, thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sơn La đã phối hợp với các địa phương triển khai đồng bộ nhiều giải pháp như lựa chọn giống phù hợp với điều kiện từng vùng, áp dụng kỹ thuật rải vụ, giãn vụ để có thể thu hoạch quanh năm.
Đặc biệt, tỉnh tập trung phát triển vùng sản xuất đạt chuẩn VietGAP, cấp mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói phục vụ xuất khẩu. Nhờ đó, đến nay Sơn La đã xây dựng 308 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn với hơn 4.500 ha, sản lượng khoảng 50.000 tấn mỗi năm. Toàn tỉnh đã cấp 218 mã số vùng trồng trên diện tích 3.142 ha, đủ điều kiện xuất khẩu hơn 35.000 tấn nông sản sang các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc...
![]() |
Sơn La chuẩn bị cho mùa tiêu thụ nhãn |
Tại huyện Mai Sơn, vùng trọng điểm cây ăn quả của tỉnh, người dân đang chăm sóc hơn 11.500 ha cây ăn quả, với sản lượng dự kiến đạt 86.500 tấn. Hiện nay, địa phương đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao, hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, gắn với xây dựng thương hiệu nông sản. Song song với đó là rà soát, tổ chức lại các HTX hoạt động chưa hiệu quả, cấp mã số vùng trồng và mã số đóng gói phục vụ xuất khẩu.
Huyện Yên Châu hiện có 12.150 ha cây ăn quả, sản lượng ước khoảng 87.000 tấn. Huyện đã xây dựng được 3 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cấp 36 mã số vùng trồng và có 1 cơ sở đóng gói đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Năm 2025, địa phương đặt mục tiêu tiêu thụ nội địa và chế biến khoảng 77.620 tấn, xuất khẩu khoảng 9.380 tấn quả tươi sang nhiều thị trường quốc tế như Trung Quốc, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Mông Cổ và Anh.
Để nâng cao giá trị cho nông sản địa phương, huyện đã tập trung thu hút doanh nghiệp và đơn vị đầu mối mở rộng thị trường tiêu thụ; tổ chức các lớp tập huấn bán hàng online; hỗ trợ HTX và hộ sản xuất tham gia hội chợ, ký kết hợp đồng tiêu thụ. Đặc biệt, huyện khuyến khích các HTX đầu tư vào kho bảo quản, cơ sở chế biến, đồng thời phát triển thương hiệu sản phẩm địa phương như “Xoài tròn Yên Châu”, “Chuối Yên Châu” đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và tương đương.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường
Cùng với việc chuẩn bị nguồn hàng, ngay từ đầu năm, tỉnh Sơn La đã yêu cầu các sở, ngành và địa phương triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển thị trường tiêu thụ nông sản với phương châm “từ sớm, từ xa”. Trong đó, ngành Công Thương giữ vai trò nòng cốt trong công tác xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu và kết nối tiêu thụ nội địa.
![]() |
Quảng bá nông sản Sơn La tại các sự kiện xúc tiến thương mại |
Theo Sở Công Thương Sơn La, ngành thường xuyên theo dõi tình hình thông quan tại các cửa khẩu biên giới Trung Quốc để hỗ trợ doanh nghiệp, HTX điều tiết hoạt động xuất khẩu. Đồng thời, tham gia các hội nghị giao ban xúc tiến thương mại, làm việc với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương để đề xuất các giải pháp hỗ trợ Sơn La phát triển thương mại điện tử, đẩy mạnh xuất khẩu nông sản.
Tỉnh Sơn La cũng tổ chức các tuần hàng nông sản sạch tại Hà Nội, Hải Phòng; tổ chức lớp tập huấn livestream bán hàng trên các sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh tiêu thụ qua các nền tảng số như Zalo, TikTok, YouTube… Đây là hướng đi mới trong bối cảnh chuyển đổi số đang trở thành xu thế tất yếu, giúp nông sản Sơn La tiếp cận thị trường nhanh hơn, hiệu quả hơn.
Chiếm gần 85% dân số toàn tỉnh, bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở Sơn La chính là lực lượng nòng cốt trong sản xuất nông nghiệp. Với truyền thống gắn bó đất đai, kinh nghiệm canh tác lâu đời và sự chịu khó, linh hoạt, bà con không chỉ trồng trọt mà còn tích cực tham gia các mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ sản xuất.
Nhiều hộ gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây ăn quả có giá trị cao như xoài, nhãn, mận hậu, chanh leo... trên diện tích đất dốc, kết hợp áp dụng tiến bộ kỹ thuật, sản xuất theo quy trình VietGAP, hữu cơ. Bà con còn học cách livestream bán hàng, quảng bá nông sản địa phương trên nền tảng số như TikTok, Facebook, Zalo…
“Trước đây chỉ biết mang ra chợ bán, giờ biết livestream, gửi ảnh sản phẩm cho khách đặt hàng tận Hà Nội, Sài Gòn, có khi cả nước ngoài”, chị Lò Thị Hợi, xã Chiềng Hặc (huyện Yên Châu) chia sẻ. Những thay đổi này không chỉ mang lại thu nhập ổn định mà còn tạo động lực để bà con tiếp tục bám đất, làm giàu trên quê hương mình.
![]() |
Nông sản Sơn La được người tiêu dùng ưa chuộng |
Song song với tiêu thụ tươi, Sơn La chú trọng phát triển công nghiệp chế biến nhằm nâng cao giá trị sản phẩm, đa dạng hóa phương thức tiêu thụ. Hiện toàn tỉnh có 17 nhà máy và 543 cơ sở chế biến nông sản, với nhiều mặt hàng đa dạng như hoa quả sấy dẻo, nước cốt, nước ép, long nhãn...
Giai đoạn 2021 - 2023, Sơn La đã thu hút được 11 dự án chế biến nông sản quy mô lớn, trong đó có 10 dự án mới được cấp chủ trương đầu tư. Trong năm 2024, các cấp ngành tiếp tục đôn đốc, hướng dẫn nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai, hoàn thiện hạ tầng phục vụ sản xuất, chế biến sâu. Tỉnh ưu tiên thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến gắn với vùng nguyên liệu, từng bước hình thành chuỗi giá trị bền vững cho nông sản.
Điển hình như HTX Mường Bú (huyện Mường La), trung bình mỗi 3 ngày xuất một chuyến xe 5 tấn nông sản xuống tiêu thụ tại các chợ đầu mối, cửa hàng nông sản sạch ở Hà Nội. HTX chú trọng chất lượng, ứng dụng công nghệ giảm giá thành, tổ chức sản xuất quy mô lớn và hỗ trợ tiểu thương trong tiêu thụ, tạo mạng lưới phân phối rộng khắp.
Với những bước đi bài bản, từ quy hoạch sản xuất, áp dụng công nghệ, tổ chức liên kết theo chuỗi đến đẩy mạnh chế biến và xúc tiến thương mại, tỉnh Sơn La đang khẳng định quyết tâm đưa nông sản địa phương vươn xa hơn trên thị trường quốc tế. Mục tiêu xuất khẩu sản phẩm quả đạt giá trị 35,2 triệu USD trong năm 2025 là hoàn toàn khả thi nếu các giải pháp được thực hiện đồng bộ và hiệu quả.
Vụ thu hoạch và tiêu thụ nông sản năm nay không chỉ là thước đo năng lực sản xuất và tiêu thụ, mà còn là bước đệm để nông nghiệp Sơn La tiến gần hơn đến nền nông nghiệp hiện đại, xanh và bền vững. Với sự vào cuộc mạnh mẽ của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, HTX và người dân, Sơn La đang thực sự sẵn sàng cho một mùa quả ngọt đầy triển vọng. |
Tin cùng chuyên mục

Giảm nghèo bền vững qua hành trình khởi nghiệp từ cam Cao Phong

Bà con dân tộc thoát nghèo nhờ trồng nấm công nghệ

Bản làng Yên Bái bừng sáng với những 'mùa vàng' xuất khẩu

Hun khói thịt trâu, thắp sáng khát vọng vươn lên thoát nghèo

Longform | Nông sản vùng cao ‘chạm’ giấc mơ toàn cầu

Bắc Kạn nhân lên hiệu quả tiêu thụ sản phẩm của đồng bào nhờ mô hình thương mại mới

Sản phẩm vùng sâu vùng xa được ‘săn đón’ tại Vietnam Expo 2025

Miến dong Bắc Kạn: Hành trình thoát nghèo từ cây dong riềng

Dâu tây Sơn La: Từ nương rẫy đồng bào đến 'bàn tiệc' năm châu

Nâng giá trị sản phẩm vùng dân tộc bằng ‘cánh cửa’ online

Điện Biên: Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu hàng hoá cho bà con đồng bào dân tộc

Bắc Kạn: Đẩy mạnh xúc tiến tiêu thụ sản phẩm đặc trưng, đặc sản miền núi

Bài 2: Tháo gỡ thách thức cho phương thức livetream bán hàng

Bài 1: Hướng dẫn tiếp cận phương thức livestream bán hàng

Sàn thương mại điện tử chung tay tiêu thụ nông sản cho bà con miền núi, vùng dân tộc

Thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số vào hệ thống phân phối hiện đại

Craft Link hỗ trợ bà con vùng dân tộc lưu giữ văn hoá từ thương mại hoá sản phẩm

Kênh phân phối Việt hỗ trợ tiêu thụ nông sản miền núi, vùng đồng bào dân tộc

Lạng Sơn: Đa dạng giải pháp tiêu thụ nông sản cho bà con vùng dân tộc thiểu số, miền núi
