Điện Biên bứt phá tiêu thụ nông sản: ‘Bệ phóng’ từ hạ tầng thương mại mới
Cơ chế - Chính sách Chủ nhật, 27/04/2025 - 07:51
Ngành Công Thương chú trọng triển khai chính sách giảm nghèo
Tại Điện Biên, chính sách giảm nghèo được địa phương đặc biệt quan tâm. Đơn cử. Chương trình Mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 đã được địa phương triển khai với tổng nguồn vốn hơn 2.063 tỷ đồng, triển khai 7 dự án như đa dạng hóa sinh kế, hỗ trợ sản xuất, phát triển giáo dục nghề nghiệp.
Kết quả là đã hỗ trợ xây dựng và nhân rộng trên 200 mô hình, dự án giảm nghèo; Đào tạo nghề cho khoảng 8.000 - 8.300 lao động mỗi năm… Bên cạnh đó, Chương trình Mục tiêu Quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719) cũng được triển khai với mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số bình quân từ 5% trở lên mỗi năm; nâng GRDP bình quân đầu người đạt trên 60 triệu đồng/năm vào năm 2025.
Trọng tâm trong chính sách giảm nghèo của tỉnh Điện Biên là triển khai những giải pháp xây dựng và phát triển thị trường hàng hoá. Theo Sở Công Thương Điện Biên, trong giai đoạn 2021–2025, tỉnh Điện Biên đã chú trọng đầu tư xây dựng, cải tạo, nâng cấp hệ thống chợ tại các huyện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Với tổng nguồn vốn được phân bổ lên tới 19,515 tỷ đồng từ ngân sách Trung ương, Điện Biên đã triển khai dự án xây dựng mới, cải tạo tổng cộng 13 chợ trên địa bàn các huyện Điện Biên Đông, Mường Nhé và Tủa Chùa.
![]() |
Điện Biên chú trọng đầu tư hệ thống chợ (Ảnh: TTXVN) |
Đáng chú ý, Mường Nhé – huyện miền núi đặc biệt khó khăn đã được ưu tiên đầu tư 13,1 tỷ đồng để xây dựng mới 8 chợ tại các xã vùng sâu xa như Huổi Lếch, Pá Mỳ, Quảng Lâm, Chung Chải, Sín Thầu, Sen Thượng, Nậm Kè… Đến cuối năm 2024, 5/13 công trình đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, đạt 38,4% kế hoạch giai đoạn 5 năm.
Việc đầu tư hệ thống chợ bài bản, đúng trọng tâm, đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa nông sản của đồng bào dân tộc, đồng thời góp phần nâng cao đời sống kinh tế - xã hội tại các vùng khó khăn.
Song song với hạ tầng chợ, hoạt động khuyến công cũng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy tiêu thụ nông sản vùng dân tộc thiểu số. Giai đoạn 2021–2025, Sở Công Thương Điện Biên đã triển khai 16 đề án khuyến công với tổng kinh phí 3,5 tỷ đồng, hỗ trợ 16 doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.
Các đề án tập trung vào việc bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu, xây dựng website giới thiệu sản phẩm, hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào chế biến gạo, cà phê, quả mắc ca, cà gai leo, gỗ, bao bì, gạch không nung... Hoạt động này không chỉ nâng cao năng lực sản xuất, quản lý mà còn cải thiện chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh của nông sản địa phương trên thị trường.
Nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn đã có bước tiến mới nhờ đầu tư công nghệ hiện đại, góp phần giảm lao động thủ công nặng nhọc, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, giảm ô nhiễm môi trường và thúc đẩy phát triển kinh tế bền vững.
Xúc tiến thương mại: Kết nối thị trường tiêu thụ
Để nông sản vùng cao Điện Biên không còn chỉ quanh quẩn tiêu thụ nội địa, Sở Công Thương đã triển khai đồng loạt nhiều chương trình xúc tiến thương mại bài bản. Cụ thể, 13 đề án xúc tiến thương mại đã được thực hiện với tổng kinh phí hơn 2 tỷ đồng, trong đó 2 đề án thuộc Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia.
![]() |
Điện Biên chú trọng phát triển các sản phẩm thế mạnh của đồng bào dân tộc (Ảnh: Đài PTTH Điện Biên) |
Các sản phẩm OCOP, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được đưa đi tham gia các hội chợ, hội nghị kết nối cung cầu lớn trong nước như Hội chợ Công Thương vùng Đông Bắc tại Phú Thọ 2023, Hội chợ thương mại quốc tế Việt - Trung tại Lào Cai 2023, Hội nghị kết nối cung cầu giữa Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành 2024...
![]() |
Điện Biên chú trọng triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại (Ảnh minh hoạ) |
Đặc biệt, Điện Biên đã đầu tư xây dựng Điểm trưng bày, giới thiệu, bán sản phẩm OCOP và sản phẩm nông sản đặc sản vùng miền ngay trong tỉnh, giúp các sản phẩm địa phương có thêm một kênh tiêu thụ ổn định, chuyên nghiệp, gia tăng nhận diện thương hiệu.
Không dừng lại ở các phương thức xúc tiến truyền thống, thương mại điện tử đang trở thành kênh tiêu thụ mới nhiều tiềm năng cho nông sản Điện Biên. Giai đoạn 2021–2025, tỉnh đã xây dựng và triển khai 16 đề án thương mại điện tử với tổng kinh phí 1,365 tỷ đồng.
Thông qua việc hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, quản lý website thương mại điện tử, tiếp cận kỹ năng số hóa, và duy trì vận hành bản đồ số ngành Công Thương (congthuongdienbien.com), Điện Biên đã góp phần giúp các doanh nghiệp, HTX tiếp cận khách hàng ngoài tỉnh, tăng cơ hội tiêu thụ sản phẩm OCOP, nông sản đặc sản vùng cao ra thị trường cả nước và từng bước vươn ra quốc tế.
Việc hỗ trợ doanh nghiệp tham gia sàn thương mại điện tử uy tín cũng nằm trong định hướng lâu dài nhằm giảm phụ thuộc vào thương lái truyền thống, nâng cao giá trị sản phẩm cho bà con vùng dân tộc thiểu số.
Giai đoạn 2026 - 2030, tỉnh Điện Biên đặt mục tiêu tiếp tục đầu tư phát triển mạng lưới chợ, củng cố hoạt động khuyến công, xúc tiến thương mại, đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử, đồng thời kêu gọi nguồn vốn xã hội hóa và tận dụng tối đa các chương trình mục tiêu quốc gia nhằm nâng cao hiệu quả tiêu thụ nông sản cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Việc phát triển hệ thống tiêu thụ nông sản bài bản không chỉ giúp bà con vùng cao Điện Biên có cuộc sống ổn định hơn, mà còn góp phần thực hiện mục tiêu lớn hơn: phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo bền vững cho các vùng đất khó khăn của Tổ quốc. |
Tin cùng chuyên mục

Sản phẩm Lào Cai vươn xa nhờ kết nối giao thương

Giảm nghèo bằng chính sách, vươn tới phát triển bền vững

Yên Bái: Xóa nhà tạm cho hộ nghèo trước 30/8

‘Ngôi nhà chung’ mở lối sinh kế cho đồng bào dân tộc

Chính sách giảm nghèo tạo dựng sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc Thủ đô

Những cánh tay nối dài chạm đến giấc mơ thoát nghèo của đồng bào dân tộc

Cánh đồng công nghệ cao mở lối giảm nghèo bền vững

Giấc mơ thoát nghèo bừng sáng giữa sóng nước vùng cao

'Mở đường' cho nông sản vùng cao: Bộ Công Thương hành động quyết liệt

Giấc mơ thoát nghèo ươm mầm từ những hạt cà phê

Kinh tế vùng dân tộc thiểu số chuyển mình nhờ chính sách

Củ cải muối Hà Giang tiếp tục ‘xuất ngoại’ thành công sang Nhật Bản

Lào Cai kết nối đầu ra cho sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc

Chuyển nguồn vốn - giải pháp tăng tốc giảm nghèo bền vững

“Áo mới” miền biên cương xứ Thanh

Hỗ trợ xây dựng và cải tạo nhà vệ sinh trường học tại vùng khó khăn

Đưa kiến thức pháp luật đến với đồng bào vùng cao

Giảm nghèo thông tin vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Quan trọng và thiết thực

Tín dụng chính sách: Tạo nguồn lực giúp đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi lựa chọn những cơ hội lớn
