Kỳ 2: Lên rừng xem người Mông ở Nghệ An làm du lịch
Kinh tế nông thôn và miền núi Chủ nhật, 28/08/2022 - 06:00
Nhiều bản làng người mông ở Nghệ An đã được hình thành ở vùng đât Kỳ Sơn từ khoảng 200 năm trước. Người Mông là dân tộc tộc thiểu số đông thứ 4 ở tỉnh Nghệ An, hiện với gần 34.000 người. Trước đây, đời sống của người Mông trước đây rất khó khăn, cùng với nhiều hủ tục lạc hậu. Tuy nhiên, với nhiều nỗ lực đến từ hệ thống chính trị và cả từ những con người Mông đổi mới, đến nay cộng đồng thiểu số này đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Từ mảnh đất này, nhiều hộ gia đình an cư, lạc nghiệp, vươn lên làm giàu.
Người mông giữ rừng
Phát huy lợi thế từ rừng, bà con người Mông nơi vùng biên xứ Nghệ đã biết làm giàu từ rừng. Những gốc cây pơ mu, sa mu đang ngày một dày thêm theo năm tháng. Từ những hộ tiên phong, đến nay đã có hàng trăm ha cây sa mu, pơ mu được trồng trên rẻo cao huyện Kỳ Sơn. Góp một cây là có rừng, trồng một cây là có rừng, nhưng với người Mông hôm nay, trồng cây không chỉ để gây rừng.
Cánh rừng pơmu của gia đình Cụ Rê có những cây có đường kính gần nửa mét, dù được trả giá cao nhưng nhất quyết không bán mà giữ lại làm du lịch sinh thái. |
“Người Mông mình lâu nay không quen làm cái này đâu. Không biết buôn bán, làm dich vụ. Nhưng rồi cũng phải thay đổi, phải học thôi”, ông Vừ Giống Phử - bản Huồi Giảng 3, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn nói và cho hay, ban đầu mục đích của bố con ông trồng rừng là muốn để giữ những cây pơ mu, sa mu cho các thế hệ đời sau. Vì thế, dù nhiều người đã đến hỏi mua, anh em ông nhất quyết không bán. Việc đầu tư làm du lịch mục đích chính cũng là để giáo dục con em thấy được giá trị của rừng để từ đó có được ý thức bảo vệ rừng.
Gia đình Cụ Vừ Pà Rê, ở bản Huồi Giảng 3, là hộ tiên phong của xã Tây Sơn trồng rừng. Ngay sau khi những cây pơ mu đầu tiên đượcc cắm xuống, cụ Rê và 5 người còn đã chủ động bảo vệ "tài sản” của mình bằng cách đến từng nhà, gặp từng người nói cho họ nghe, hiểu, để không chặt phá rừng. Không chỉ tuyên truyền, vận động anh em, họ hàng trong xóm, bản, để tuyên truyền, vận động bà con không lên rừng chặt cây, lấy gỗ, lấy củi...
Ban đầu, thấy ai cũng không ưng, cũng lảng tránh. Bởi, "nhà cụ Rê đến nói toàn những chuyện không ưng cái bụng”. Người ta bảo: Người Mông vốn ở trên núi cao. Sống phụ thuộc vào rừng. Rừng cho cây lấy gỗ để dựng nhà, làm cái tủ, cái ghế. Mùa đông đến, nếu bếp không có than hồng, không có củi thì làm sao để người già, con trẻ sưởi ấm được. Nên bao đời nay, người Mông vẫn phải sống phụ thuộc vào rừng.
Nằm ngay cạnh đường từ Huồi Tụ đi xã Na Loi, Keng Đu, Huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An là cánh rừng pơ mu của ông Vừ Vả Chống (55 tuổi) ở bản Huồi Đun. |
Có lẽ, suy nghĩ ấy sẽ còn hằn sâu vào tư duy, quan niệm sống của đồng bào người Mông ở Tây Sơn, nếu họ cứ bỏ ngoài tai chuyện nhà cụ Rê đến từng nhà kiên trì thuyết phục thay đổi lối nghĩ xưa cũ để sống có trách nhiệm hơn với rừng...
Về Tây Sơn, Huồi Tụ...ngày nay ngoài những cánh rừng tràm, xoan đâu, lát… còn là những cánh rừng pơ mu, sa mu xanh tốt. Từ những người tiên phong như cah con cụ Rê, đến nay nhiều người Mông ở xã Tây Sơn đã mang những giống pơ mu, sa mu phủ kín đồi núi trọc. Toàn xã hiện đã phủ xanh được 99 ha rừng pơ mu, sa mu.
Tiên phong làm du lịch
Từ năm 2020, các con của cụ Rê bỏ tiền thuê máy múc mở rộng con đường từ dưới chân núi lên khu vực này. Ban quản lý bản Huồi Giảng 3 cũng hỗ trợ, lắp một số ghế ngồi, xích đu để làm điểm du lịch sinh thái. Thời gian gần đây, cánh rừng đã trở thành điểm check-in nổi tiếng, thu hút nhiều người đến tham quan dù vẫn chưa được đầu tư nhiều. “Chúng tôi không nhằm để thu tiền người đến dã ngoại mà muốn nhiều người tìm đến đây để họ thấy giá trị của rừng và có ý thức bảo vệ rừng”, ông Vừ Rả Tênh (con trai cụ Rê) chia sẻ. Người đàn ông này cũng không có ý định khai thác pơ mu để bán mà chỉ muốn “trồng và giữ rừng cho đời sau”.
Một cây pơ mu cổ thụ có đường kính hơn 40cm trong rừng của cụ Vừ Pà Rê ở Tây Sơn. |
Khi cải tạo xong khu rừng của gia đình thành khu du lịch sinh thái. Ông Tênh nói, khu sinh thái này không nhằm kiếm tiền mà ông muốn dùng nó để thay đổi nhận thức của dân bản về rừng. Phải trồng cây, gây lại rừng vì chúng ta đã phá đi quá nhiều.
Tuy nhiên để cánh rừng trở thành điểm check-in nổi tiếng, thu hút nhiều người đến tham quan vẫn còn nhiều điều phải làm. Sắp tới sẽ đầu tư thêm nhiều hạng mục như các bậc tam cấp, nhà vệ sinh, các chòi nghĩ dưỡng… để bắt đầu phục vụ du lịch một cách chuyên nghiệp. “Mùa hè dù ở bên ngoài nắng nóng đến mấy, thì đặt chân vào rừng khác hẳn. Trong đó mát rượi. Còn mùa đông thì lạnh quá, du khách chỉ đến chụp ảnh rồi về chứ không ở lại nghỉ ngơi, vui chơi được”, ông Tênh nói.
Nhận thấy cánh rừng pơ mu có nhiều tiềm năng du lịch, ông Vừ Vả Chống ở bản Huồi Đun, xã Huồi Tụ, huyện Kỳ Sơn đã có ý định, là xây dựng mô hình du lịch sinh thái. Ông Chống kể “Nhà mình mới bắt tay làm du lịch thôi, còn sơ sài lắm nên vừa làm vừa học hỏi đã…”.
Nói rồi ông Chống chỉ tay lên phía đỉnh núi, nơi ông chừa lại một khoảnh đất trống với nhiều dự định. Ở trên đó, ông vừa thuê máy móc làm mặt bằng để xây một khu nghỉ dưỡng với hệ thống phòng nghỉ, bãi đậu xe, sân bóng đá, bóng chuyền…
Kể về dự định xa hơn, ông Chống nói: “Mình nhất quyết không bán rừng mà còn có dự định nhân rộng, để những dãy núi đã bị cạo trọc như hiện nay được phủ kín bởi sa mu, pơ mu như ngày xưa…”.
Ông Chống không thu phí người đến tham quan, vui chơi trên cánh rừng của mình. Thu nhập từ du lịch của ông ban đầu chỉ là những đồng lợi nhuận trong trường hợp du khách gọi đồ ăn, thức uống. “Thông thường trước khi đến họ điện thoại đặt trước đồ ăn. Những món ăn là đặc sản người Mông như gà đen, lợn đen…”, ông Chống nói và cho biết, không những nhất quyết không bán rừng, ông còn có dự định nhân rộng, để những dãy núi đã bị cạo trọc như hiện nay được phủ kín bởi sa mu, pơ mu như ngày xưa.
Từ những người tiên phong là bố con cụ Rê, đến nay nhiều người Mông khác ở đây cũng học tập, mang những giống pơ mu, sa mu phủ kín đồi núi trọc. Đến nay, toàn xã đã có gần 70 hecta rừng pơ mu, sơ mu. Những cánh rừng này rất có giá trị phòng hộ đầu nguồn.
Không chỉ ở Tây Sơn, Huồi Tụ, dịp gần đây, nhiều hộ đồng bào Mông ở xã Mường Lống cũng đang dần đầu tư để làm du lịch sinh thái. Nhiều căn nhà gỗ khang trang đã được dựng lên để làm homstay phục vụ du khách. Nổi tiếng vì khí hậu mát mẻ, sở hữu nhiều cảnh quan đẹp, người dân cũng như chính quyền địa phương đang hy vọng du lịch sẽ là một sinh kế mới cho đồng bào nơi đây.
Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở Du lịch Nghệ An hào hứng: Du lịch ở vùng cao nói chung và vùng có đồng bào người Mông sinh sống nói riêng có tiềm năng rất lớn. Du lịch rất có triển vọng, những mô hình du lịch hiện nay không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế mà còn nâng cao ý thức bảo vệ rừng, bảo vệ thiên nhiên
Lời ông Cường đã khẳng định cho một hướng đi mới mẻ, nhưng hiệu quả nhiều mặt, đối với bà con người Mông nơi miền biên viễn xứ Nghệ. Đó là làm du lịch từ rừng. Cùng với khí hậu mát mẻ, có những vùng như Huồi Tụ, Mường Lống… được ví như “Sa Pa xứ Nghệ”, có nhiều bản làng còn giữ được mái nhà thâm nâu thời gian của gỗ pơ mu, sa mu; thì những cánh rừng pơ mu, sa mu… bạt ngàn đang là điểm dừng chân trong nhiều tuor du lịch trải nghiệm của du khách gần xa.