Gia Lai: Đào tạo và hỗ trợ việc làm ổn định cho bà con dân tộc
Cơ chế - Chính sách Thứ hai, 31/10/2022 - 15:35
Quảng Nam: Tăng cường hỗ trợ việc làm cho người lao động Hiệu quả từ mô hình hỗ trợ việc làm tại Bến Tre Hòa Bình hỗ trợ việc làm cho người lao động dân tộc thiểu số |
Hiện tỉnh Gia Lai có 44 dân tộc anh em sinh sống, trong đó đồng bào thiểu số chiếm 46,23% dân số. Những năm qua, hiệu quả của sử dụng lao động đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương này đã mang lại những hiệu ứng rất tích cực.
Xã A Dơk - huyện Đăk Đoa – Gia Lai là một trong những địa phương từng được xem là nghèo nhất, nhì của tỉnh gia Lai. Tuy nhiên vài năm trở lại đây, bộ mặt nông thôn của xã A Dơk đã thay đổi, kinh tế nhiều khởi sắc. Có được điều này là nhờ chính quyền xã, các đoàn thể phối hợp cùng với Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang vận động rất nhiều người dân, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia đi làm công nhân cao su.
Làm công nhân cao su từ hơn 10 năm trước, anh Byôm (xã A Dơk) luôn có thu nhập ổn định, với hơn 7 triệu đồng/tháng. Cùng với tiền lương và các khoản phụ cấp, gia đình anh đã xây được nhà kiên cố, lo cho con ăn học.
Được biết, không chỉ có anh Byôm, rất nhiều người dân trong xã A Dơk cũng được các công ty cao su nhận vào làm việc với mức thu nhập kinh tế ổn định.
Ông Trương Minh Tiến, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang cho biết, trong thời gian qua, đơn vị rất tích cực hỗ trợ, cam kết việc làm cho người đồng bào dân tộc thiểu số. Hiện toàn công ty có 1.490 lao động thì người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 800 lao động.
Người lao động khai thác mủ cao su tại Công ty TNHH MTV Cao su Mang Yang |
“Đối với người lao động làm việc tại công ty sẽ được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, cấp phát chế độ bồi dưỡng độc hại, đóng các loạt bảo hiểm, giải quyết nhanh chóng các chế độ ốm đau, thai sản…. Đặc biệt, đối với ngành cao su có ba tháng mùa khô nghỉ cạo mủ thì công ty hỗ trợ cho người đồng bào dân tộc thiểu số mỗi người 1.000.000 đồng/tháng”, ông Tiến cho biết.
Tương tự với Công ty TNHH một thành viên cao su Chư Sê, lao động người đồng bào dân tộc thiểu số có gần 500 người, chiếm hơn 1 nửa lao động toàn công ty. Chính vì người đồng bào dân tộc thiểu số chiếm số đông nên Công ty cao su Chư Sê luôn được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện trong quá trình sản xuất kinh doanh.
Cụ thể, trong những năm qua, công ty luôn được hỗ trợ đóng bảo hiểm, miễn giảm tiền thuế đất hàng tỷ đồng do sử dụng người lao động người đồng bào dân tộc thiểu số.
Nhờ có thu nhập ổn định, mà đời sống người lao động người đồng bào dân tộc thiểu số ở các công ty cao su có những bước phát triển mạnh mẽ về kinh tế hộ gia đình. Bình quân mỗi tháng người lao động trong ngành cao su sẽ có thu nhập từ 5 - 6 triệu/tháng.
Không chỉ ngành cao su, nhiều doanh nghiệp có vốn nhà nước, doanh nghiệp tư nhân đang thực hiện hiệu quả sử dụng người lao động người đồng bào dân tộc thiểu số. Đa số các đơn vị sử dụng lao động đã tiến hành ký hợp đồng lao động, đóng bảo hiểm xã hội và trang bị bảo hộ lao động.
Có được điều này là nhờ triển khai thực hiện theo Quyết định 42/2012/QĐ-TTg năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ đã khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng lao động người dân tộc thiểu số, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập.
Theo báo cáo của Sở Tài chính, năm 2022 trên địa bàn tỉnh Gia Lai có 12 tổ chức, đơn vị sử dụng lao động người dân tộc thiểu số được cấp dự toán kinh phí hỗ trợ. Trong đó có 7 doanh nghiệp nhà nước, 1 doanh nghiệp ngoài nhà nước, 4 đơn vị thuộc Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam. Theo đó. kinh phí dự toán hỗ trợ cho lao động người đồng bào dân tộc thiểu số trong năm nay là hơn 14 tỷ đồng.
Ông Đặng Công Lâm, Phó Giám đốc Sở Tài Chính Gia Lai cho biết, Quyết định 42/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã có tác động rất lớn đến người lao động tại khu vực Tây Nguyên nói chung và tỉnh Gia Lai nói riêng.
“Quyết định này đã tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số ở miền núi, vùng đặc biệt khó khăn có công ăn việc làm, được tham gia bảo hiểm, góp phần giải quyết ổn định chế độ chính sách khi hết tuổi lao động, khi ốm đau và khi thất nghiệp, giúp ổn định tình hình an ninh, trật tự trên địa bàn”, ông Lâm chia sẻ.
Hiện nay có rất nhiều thanh niên dân tộc thiểu số ở Gia Lai đang được hưởng những chính sách hỗ trợ đào tạo nghề và tìm việc làm giai đoạn 2017-2022. Một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh Gia Lai đã thực hiện chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học nghề cho học sinh, sinh viên người đồng bào dân tộc thiểu số với tổng số tiền trị giá hàng chục tỷ đồng.
Cùng với các chính sách giảm nghèo bền vững kết hợp với dự án đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động, hỗ trợ hệ thống dịch vụ việc làm, vay vốn tạo việc làm từ quỹ quốc gia về việc làm được triển khai đồng bộ ở các cấp. Điều này đang làm đa dạng hoá việc làm của người lao động dân tộc thiểu số, đáp ứng yêu cầu một phần tuyển dụng của doanh nghiệp.