Người dân Mường Nhé ấm no nhờ chính sách giảm nghèo
Cơ chế - Chính sách Thứ ba, 29/04/2025 - 20:03
Chính sách giảm nghèo tạo dựng sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc Thủ đô Chuyển nguồn vốn - giải pháp tăng tốc giảm nghèo bền vững Yên Bái: Xóa nhà tạm cho hộ nghèo trước 30/8 |
Đời sống người dân từng bước đổi thay
Mường Nhé là huyện vùng cao biên giới, nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Điện Biên, giáp Lào và Trung Quốc. Với xuất phát điểm thấp, điều kiện địa hình đặc biệt khó khăn, dân cư chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều năm qua, Mường Nhé luôn nằm trong danh sách các huyện nghèo nhất cả nước.
![]() |
Tỷ lệ học sinh mẫu giáo 5 tuổi đến trường tại huyện Mường Nhé đạt 99,9%. Ảnh minh họa |
Tuy nhiên, nhận thức rõ công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, tác động trực tiếp đến ổn định xã hội, phát triển kinh tế và đảm bảo quốc phòng, an ninh, Đảng bộ và chính quyền, nhân dân huyện Mường Nhé đã tập trung cao độ trong chỉ đạo, điều hành. Huyện xác định giảm nghèo là việc làm thường xuyên của cả hệ thống chính trị, là tiêu chí đánh giá năng lực của cán bộ, đảng viên ở cơ sở.
Trên cơ sở xác định rõ nguyên nhân nghèo tại từng địa bàn, Mường Nhé đã thực hiện rà soát, phân loại hộ nghèo và cận nghèo một cách sát thực, từ đó xây dựng các giải pháp phù hợp với từng nhóm đối tượng. Huyện Mường Nhé cũng chủ động kiến nghị tỉnh và Trung ương bổ sung, hoàn thiện chính sách giảm nghèo theo hướng sát thực tiễn, đồng thời tổ chức triển khai các nghị quyết chuyên đề, chương trình kế hoạch gắn với nghị quyết đại hội Đảng các cấp và tiềm năng, lợi thế của từng vùng.
![]() |
Huyện Mường Nhé chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tư duy, phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế. Ảnh minh họa |
Song song với việc hoàn thiện chính sách, huyện Mường Nhé đặc biệt chú trọng công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi tư duy, phát huy tinh thần tự lực, tự cường trong phát triển kinh tế. Thông qua các chương trình tuyên truyền sâu rộng, nhận thức của người dân về trách nhiệm thoát nghèo từng bước được nâng lên. Nhiều hộ gia đình đã chủ động vươn lên, thoát khỏi tình trạng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước.
Cùng với đó, việc đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn được xem là đòn bẩy quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở Mường Nhé. Huyện đã huy động tối đa nguồn lực từ các chương trình, dự án của Trung ương và tỉnh, đồng thời vận động nhân dân đóng góp sức người, sức của để xây dựng hệ thống điện, đường, trường, trạm, thủy lợi và nhà văn hóa.
Đến nay, kết cấu hạ tầng thiết yếu tại nhiều xã vùng sâu, vùng xa đã có bước cải thiện rõ rệt. Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựa, bê tông đạt trên 81%; 100% trạm y tế xã được xây dựng kiên cố; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Những con đường mới mở, những ngôi trường, trạm y tế khang trang không chỉ tạo thuận lợi cho người dân trong sinh hoạt, mà còn mở ra cơ hội giao thương, kết nối thị trường, phát triển sản xuất hàng hóa.
Ông Bùi Minh Hải, Bí thư Huyện ủy, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên cho biết, những năm qua công tác giảm nghèo luôn được Ðảng bộ, chính quyền huyện Mường Nhé quan tâm. Đặc biệt trong việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, huyện Mường Nhé đã đạt những thành tựu đáng mừng, đời sống Nhân dân nhất là khu vực vùng cao, biên giới ngày càng ấm no, đủ đầy hơn; tỷ lệ hộ nghèo của huyện Mường Nhé năm 2024 còn 47,3% giảm 7,47% so với năm 2023.
Cơ sở hạ tầng tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện rõ rệt, hệ thống điện - đường - trường - trạm, các công trình phúc lợi (trường học, trạm y tế, điện, nước, thủy lợi, nhà văn hóa...) được đầu tư đồng bộ, góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới ở các xã vùng sâu, vùng xa, biên giới.
![]() |
Một trong những thành công lớn của Mường Nhé trong công tác giảm nghèo là đã khơi dậy được niềm tin của người dân vào chính sách, đường lối của Đảng. Ảnh minh họa |
Tiếp tục phát huy hiệu quả các chương trình giảm nghèo
Trong quá trình triển khai các chính sách giảm nghèo, huyện Mường Nhé đã vận dụng linh hoạt các chương trình, dự án hỗ trợ của nhà nước như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Đề án phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cùng các nguồn vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội.
Cụ thể, theo ông Bùi Minh Hải, các chương trình 30a, 135, 167, xây dựng nông thôn mới, xây dựng kinh tế vùng biên giới, cùng với các chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo về y tế, giáo dục, tín dụng ưu đãi và nguồn xã hội hóa… Thông qua các hoạt động chương trình, dự án, hỗ trợ việc làm cho người lao động đã giúp đồng bào phát triển sản xuất, từng bước giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.
Nhiều mô hình chăn nuôi gia súc, trồng cây ăn quả, cây dược liệu và phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ đã mang lại thu nhập ổn định, giúp các hộ từng bước vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, huyện đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, nhất là cho lao động trẻ và lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo.
Thông qua các lớp tập huấn kỹ thuật, người dân được trang bị kiến thức cơ bản để áp dụng vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế hộ gia đình, điều kiện sống của người dân Mường Nhé đã từng bước được nâng lên.
Một trong những thành công lớn của Mường Nhé trong công tác giảm nghèo là đã khơi dậy được niềm tin của người dân vào chính sách, đường lối của Đảng, sự điều hành của chính quyền các cấp. Niềm tin đó là động lực tinh thần để đồng bào các dân tộc trên địa bàn đoàn kết, tích cực tham gia vào các phong trào thi đua phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ đường biên, mốc giới quốc gia.
Đặc biệt, nhờ hạ tầng cơ bản được đầu tư đồng bộ, nhiều xã vùng sâu, vùng xa như Chung Chải, Leng Su Sìn, Sín Thầu… đã có điều kiện để vươn lên. Trẻ em có trường lớp để học hành, người dân được chăm sóc y tế thường xuyên hơn, sản phẩm nông nghiệp có cơ hội kết nối thị trường. Những tín hiệu tích cực này đang tạo nên một vòng tròn phát triển mới – từ giảm nghèo, đến tăng nội lực, mở rộng sinh kế, rồi nâng cao chất lượng cuộc sống.
Tuy nhiên, với xuất phát điểm còn thấp và tỷ lệ nghèo còn ở mức cao, thách thức đối với Mường Nhé vẫn còn rất lớn. Những năm tới, theo Bí thư Huyện ủy Mường Nhé, địa phương tiếp tục rà soát lại toàn bộ hệ thống chính sách giảm nghèo, tăng tính chủ động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện. Đặc biệt, cần tập trung hỗ trợ người dân nâng cao kỹ năng sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế tập thể, liên kết chuỗi để tăng khả năng cạnh tranh và tiêu thụ sản phẩm.
Nhờ triển khai chính sách giảm nghèo đồng bộ, đến nay tỷ lệ các xã tại huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên có đường ô tô đến trung tâm xã được rải nhựạ, bê tông đạt 81,81%. 100% trạm y tế xã được xây dựng kiên cố; 100% đồng bào dân tộc thiểu số được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh. Trên 90% hộ nghèo đã được hỗ trợ làm nhà ở theo nguồn hỗ trợ của bộ, ngành trung ương và lồng ghép một số chương trình, nguồn vốn khác. |
Tin cùng chuyên mục

Sản phẩm Lào Cai vươn xa nhờ kết nối giao thương

Điện Biên bứt phá tiêu thụ nông sản: ‘Bệ phóng’ từ hạ tầng thương mại mới

Giảm nghèo bằng chính sách, vươn tới phát triển bền vững

Yên Bái: Xóa nhà tạm cho hộ nghèo trước 30/8

‘Ngôi nhà chung’ mở lối sinh kế cho đồng bào dân tộc

Chính sách giảm nghèo tạo dựng sinh kế bền vững cho đồng bào dân tộc Thủ đô

Những cánh tay nối dài chạm đến giấc mơ thoát nghèo của đồng bào dân tộc

Cánh đồng công nghệ cao mở lối giảm nghèo bền vững

Giấc mơ thoát nghèo bừng sáng giữa sóng nước vùng cao

'Mở đường' cho nông sản vùng cao: Bộ Công Thương hành động quyết liệt

Giấc mơ thoát nghèo ươm mầm từ những hạt cà phê

Kinh tế vùng dân tộc thiểu số chuyển mình nhờ chính sách

Củ cải muối Hà Giang tiếp tục ‘xuất ngoại’ thành công sang Nhật Bản

Lào Cai kết nối đầu ra cho sản phẩm của bà con vùng đồng bào dân tộc

Chuyển nguồn vốn - giải pháp tăng tốc giảm nghèo bền vững

“Áo mới” miền biên cương xứ Thanh

Hỗ trợ xây dựng và cải tạo nhà vệ sinh trường học tại vùng khó khăn

Đưa kiến thức pháp luật đến với đồng bào vùng cao

Giảm nghèo thông tin vùng dân tộc thiểu số và miền núi: Quan trọng và thiết thực
