Tháo gỡ khó khăn, phát huy hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia Tây Nguyên
Cơ chế - Chính sách Thứ sáu, 10/02/2023 - 11:35
Sáng 10/2, tại tỉnh Gia Lai, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh vùng Tây Nguyên về công tác triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia.
Tham dự hội nghị có lãnh đạo Hội đồng Dân tộc của Quốc hội; lãnh đạo, đại diện các Bộ: Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao đông - Thương binh và Xã hội, Thông tin - Truyền thông, Xây dựng, Văn hoá - Thể thao và Du lịch, Y tế, Giáo dục - Đào tạo, Ủy ban Dân tộc.
Về phía các địa phương có lãnh đạo các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến với các tỉnh vùng Tây Nguyên về công tác triển khai thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia |
Ba chương trình mục tiêu quốc gia có ý nghĩa rất lớn nhằm chăm lo cho những người yếu thế, những người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa để kéo gần lại sự chênh lệch giữa đô thị và nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Đây là các chương trình lớn được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, người dân đặc biệt quan tâm.
Ba Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 về xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được lãnh đạo Đảng, Quốc hội, Chính phủ, người dân đặc biệt quan tâm.
Từ đầu năm 2022 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương các chương trình mục tiêu quốc gia đã ban hành tổng cộng 11 Nghị quyết, 2 Chỉ thị, 5 Công điện, 4 Thông báo kết luận và tổ chức 6 hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để đôn đốc tiến độ thực hiện 3 chương trình này.
Gần đây nhất, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang cũng đã có ý kiến chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện các giải pháp, nhiệm vụ nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện các chương trình MTQG.
Địa bàn các tỉnh Tây Nguyên, địa bàn đặc thù, có ý nghĩa quan trọng về địa chính trị, quốc phòng, an ninh với diện tích rộng lớn, chiếm khoảng 1/6 diện tích cả nước nhưng chỉ có khoảng 6,3 triệu người sinh sống (chiếm tỉ lệ 6% dân số cả nước), trong đó đồng bào người dân tộc thiểu số chiếm 36,5%.
Cùng với đó, tỉ lệ số xã đạt chuẩn nông thôn mới bình quân của vùng năm 2022 đạt khoảng 52%, thấp hơn bình quân chung của cả nước (khoảng 72%); Tỉ lệ hộ nghèo bình quân năm 2022 của vùng là hơn 8,6%, cao hơn tỉ lệ bình quân của cả nước là 5,2%. Thu ngân sách còn hạn chế, cần hỗ trợ nhiều từ ngân sách Trung ương.
Vì vậy việc triển khai thực hiện tốt, hiệu quả 3 chương trình mục tiêu quốc gia là nhiệm vụ quan trọng, nặng nề và có ý nghĩa to lớn đối với nhân dân các tỉnh Tây Nguyên.
Báo cáo nêu rõ, giai đoạn 2021-2025, Trung ương giao tổng vốn đầu tư phát triển cho 5 tỉnh Tây Nguyên là trên 11.731 tỷ đồng, chiếm 11,73% tổng nguồn vốn đầu tư phát triển cho các địa phương trên cả nước.
Riêng năm 2022, ngân sách Trung ương hỗ trợ thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia cho vùng Tây Nguyên là 3.878,700 tỷ đồng (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển sang năm 2022), chiếm 11,38% tổng nguồn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho toàn quốc, trong đó, vốn đầu tư phát triển là 2.801,213 tỷ đồng, vốn sự nghiệp là 1.077,484 tỷ đồng.
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện 3 chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là 2 chương trình về giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số - miền núi.
Tại Hội nghị, các đại biểu sẽ trao đổi và tìm ra hướng tháo gỡ khó khăn và phát huy hiệu quả trong thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại các tỉnh Tây Nguyên.