Thừa Thiên Huế: Phát huy sức mạnh hệ thống chính trị trong công tác giảm nghèo bền vững
Cơ chế - Chính sách Thứ năm, 13/07/2023 - 16:13
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ban hành Kế hoạch số 440/KH-UBND truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn.
Kế hoạch nhằm tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng. Đồng thời, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, tuyên truyền các gương điển hình, sáng kiến, mô hình hiệu quả về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã hội.
Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế phát động phong trào "Dòng họ, làng, bản không có hộ nghèo" tại huyện A Lưới |
Mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 đạt 100% các câu hỏi của người dân về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và câu trả lời của các cơ quan chức năng quản lý Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được đăng tải trên Trang Thông tin giảm nghèo tỉnh, Trang thông tin điện tử của các cấp chính quyền địa phương và thường xuyên cập nhật thông tin, kết quả, tiếp nhận và giải đáp kịp thời những phản hồi về chương trình giảm nghèo.
100% các huyện, thị xã, thành phố xây dựng kế hoạch truyền thông về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và hàng năm. Đặc biệt là triển khai có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững trên các phương tiện truyên truyền đại chúng, đài phát thanh truyền hình tỉnh, huyện…
Đại diện lãnh đạo Thừa Thiên Huế cho biết, để đạt những mục tiêu nói trên, Kế hoạch triển khai cần thực hiện các nội dung như tập trung tuyên truyền những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm của Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 và các nội dung nhằm cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 23/6/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XIII về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030, Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 03/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thừa Thiên Huế Khóa XVI về giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025.
Ngoài ra, tích cực truyền thông, thúc đẩy hiệu quả thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, khơi dậy ý chí tự lực tự cường, phát huy nội lực vươn lên “thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no” của người dân và cộng đồng, phấn đấu “Vì một Việt Nam không còn đói nghèo”.
Trên cơ sở đó, sẽ xây dựng chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, ấn phẩm truyền thông; tổ chức các sự kiện truyền thông, vận động xã hội, hội thảo, hội nghị; sản xuất các tác phẩm truyền hình, phát thanh, báo viết, báo điện tử về kinh nghiệm, sáng kiến, mô hình giảm nghèo hiệu quả và gương điển hình vươn lên thoát nghèo.
Huyện A Lưới đang từng bước phục hồi các nghi thức, lễ hội của bà con dân tộc thiểu số nhằm phát huy hơn nữa nét văn hoá đặc trưng trong việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống văn hoá tinh thần |
Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động đối thoại chính sách về giảm nghèo định kỳ ở các cấp, các ngành, nhất là cơ sở để tăng cường giải thích về chính sách, giải quyết các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách; các hình thức sáng tạo như hội thi, trò chơi truyền hình, sân khấu hóa để thúc đẩy giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm…
Trong đó, cần tập trung vào các giải pháp là phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững.
Đẩy mạnh hiệu quả công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị nhằm thực hiện thắng lợi các mục tiêu giảm nghèo bền vững. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số, chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông; xây dựng hệ thống và tăng cường các kênh truyền thông tương tác thông qua việc ứng dụng các công nghệ mới về thông tin truyền thông như mạng xã hội; tạo các kênh truyền thông hai chiều, vừa đảm bảo mục tiêu tuyên thuyền của cơ quan quản lý nhà nước vừa tiếp nhận thông tin, phản ánh của người dân về quá trình thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững. Thường xuyên nâng cấp, cập nhật các nội dung thông tin về chương trình giảm nghèo, chính sách giảm nghèo lên trang Thông tin điện tử về giảm nghèo của tỉnh Thừa Thiên Huế...
UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, hiện nay việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia tại địa phương còn gặp nhiều lúng túng trong việc triển khai thực hiện. Do văn bản hướng dẫn thực hiện của Trung ương chậm ban hành so với kế hoạch. Đồng thời các quy định về thực hiện và mức chi vẫn chưa đầy đủ dẫn đến việc triển khai gặp nhiều khó khăn và bị động. Hầu hết, các dự án đầu tư tập trung chủ yếu ở các địa phương miền núi (Nam Đông, A Lưới) nên công tác thẩm định và phê duyệt dự án còn chậm.
Năm 2023, tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai Nghị quyết của Tỉnh ủy về Giảm nghèo bền vững, xây dựng đề án Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2022-2025, Kế hoạch Truyền thông về Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Kiện toàn Văn phòng điều phối Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Phân bổ chỉ tiêu giảm nghèo từng năm (đến năm 2025) cho các địa phương. Phấn đấu giảm 0,96%, tỷ lệ hộ nghèo còn 3,17% (theo chuẩn nghèo mới giai đoạn 2022-2025). Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, tạo nhiều mô hình sản xuất gắn với việc làm ổn định cho người dân.