Đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử, hỗ trợ người dân giải quyết đầu ra
Xúc tiến thương mại Thứ sáu, 16/09/2022 - 19:17
Sàn thương mại điện tử - Lối ra cho nông sản
Đối với người nông dân khu vực miền núi, vùng sâu vùng xa, việc tiêu thụ nông sản luôn gặp nhiều khó khăn vì thiếu thông tin về thị trường, bạn hàng và khó khăn trong nhận biết nhu cầu thực sự của người tiêu dùng.
Hỗ trợ nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử |
Những năm gần đây, đại dịch COVID-19 càng khiến việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên đây lại chính là cơ hội để sàn thương mại điện tử “tỏa sáng” trong việc vừa hỗ trợ người dân tiêu thụ nông sản hiệu quả, vừa thay đổi thói quen mua, bán hàng trên môi trường số. Người nông dân, đặc biệt là nông dân khu vực miền núi, đồng bào dân tộc càng tiếp cận sớm với cách bán hàng mới trên môi trường số, cách thanh toán không dùng tiền mặt thì việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp càng nhanh chóng.
Là một trong những sàn thương mại điện tử thuần Việt có uy tín và lượng khách hàng truy cập lớn, sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã hỗ trợ người dân rất nhiều trong quá trình tiêu thụ sản phẩm. Ông Nghiêm Tuấn Anh – Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Truyền thông - Tổng công ty Bưu điện Việt Nam cho biết, chúng tôi luôn cố gắng tối ưu hóa mọi quy trình sản xuất, phương tiện vận chuyển, nguồn nhân lực một cách tốt nhất để vận hành sàn thương mại điện tử Postmart.vn nhằm giúp người nông dân bán được nhiều hàng hóa, người mua được nhiều sản phẩm ưng ý nhất. Dịch bệnh phức tạp cũng là một trong những “cú hích” để sàn thương mại điện tử Postmart thích ứng nhanh và nhanh chóng bứt phá trên đường đua thương mại điện tử đầy khốc liệt.
Với mạng lưới phủ rộng trên toàn quốc, nhân viên Bưu điện có mặt ở khắp thôn, bản, chúng tôi có mối quan hệ chặt chẽ và nắm rất rõ thông tin về hộ sản xuất nông nghiệp. Bưu điện các tỉnh, thành phố đang phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương và sở, ngành xác định nhu cầu, lập danh sách, lựa chọn sản phẩm nông sản đặc trưng, chất lượng cao của từng hộ sản xuất lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn.
Song song đó, nhân viên Bưu điện sẽ tư vấn, hướng dẫn từng hộ gia đình cách đăng kí tài khoản, lập gian hàng, đăng bán sản phẩm trên sàn, quy trình vận chuyển, thanh toán… Khi hộ nông dân có đơn hàng trên sàn thương mại điện tử, sàn sẽ cử nhân viên hỗ trợ đóng gói, tư vấn cách bảo quản và thu gom, vận chuyển, thu tiền nhanh chóng, chính xác nhất.
Nhiều bà con chưa hình dung được bán hàng trên sàn thương mại điện tử như thế nào. Nhiều người lo ngại và không tin có thể trực tiếp bán những củ khoai tím tại ruộng Vĩnh Long, na Chi Lăng, nhãn Đồng Tháp, thậm chí rau, củ, thịt, trứng… cho người dân địa phương khác mà không cần qua thương lái. Khi đó, nhân viên bưu điện dành thời gian trò chuyện, giải thích, đưa ra câu chuyện điển hình. Và kết nối trực tiếp giữa hộ sản xuất nông nghiệp tiêu thụ hiệu quả trên sàn Postmart với người dân để họ thấy được lợi ích và tự tin đem sản phẩm chất lượng cao nhất lên sàn thương mại điện tử.
Tính riêng trong năm 2022, sàn thương mại điện tử Postmart đã đưa hơn 110.000 sản phẩm nông nghiệp lên sàn. Tiêu thụ gần 4.000 tấn nông sản trọng điểm, đặc biệt là nông sản mùa vụ như: Vải thiều, nhãn lồng Hưng Yên, Nhãn xuồng Đồng Tháp, Na Chi Lăng, Mận, xoài Sơn La, sầu riêng Đắk Lắk và nhiều loại nông sản, các sản phẩm chế biến từ nông sản khác.
Tập huấn, cung cấp thông tin cho người nông dân
Ông Nghiêm Tuấn Anh chia sẻ thêm, với định hướng là sàn thương mại điện tử hàng đầu về nông sản Việt cũng như hướng tới mục tiêu giúp cho người nông dân làm chủ được gian hàng của mình trên môi trường số cũng như đảm bảo chất lượng sản phẩm và trải nghiệm khách hàng tốt nhất, Bưu điện Việt Nam đã tập trung vào các giải pháp đào tạo bằng cả hình thức trực tiếp lẫn trực tuyến, củng cố thêm về kiến thức, kĩ năng cho người nông dân thông qua việc hỗ trợ đào tạo hướng dẫn các cách thức bán hàng, cách thức quảng bá sản phẩm qua sàn thương mại điện tử cũng như truyền thông qua các kênh số, mạng xã hội phổ biến hiện nay.
Không chỉ hướng dẫn “cầm tay chỉ việc”, sàn thương mại điện tử Postmart còn đào tạo online, livestream hướng dẫn tại những khu vực bị cách ly, phong tỏa trong dịch covid-19 năm 2021.
Bên cạnh đó, Bưu điện Việt Nam cũng phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn báo chí, tổ chức các chương trình truyền thông để lan tỏa rộng khắp các thông tin, hỗ trợ quảng bá thương hiệu giúp người dân kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử dễ dàng và hiệu quả hơn.
Tính đến hết tháng 8/2022, Bưu điện Việt Nam đã tổ chức hơn 1.500 hội nghị đào tạo kỹ năng số, kỹ năng kinh doanh trên sàn thương mại điện tử cho hơn 4,5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp nắm rõ kỹ năng số và nghiệp vụ sàn thương mại điện tử, từ đó lan truyền và phổ cập đến nhiều hộ sản xuất nông nghiệp trên địa bàn các tỉnh. Bên cạnh đó, Bưu điện Việt Nam cũng đã hỗ trợ đào tạo từ xa cho hàng chục ngàn học viên là các cán bộ chủ chốt của Hội Nông dân tỉnh, đoàn viên thanh niên 6 tỉnh/thành phố trên toàn quốc. Đây cũng sẽ là nhóm hạt nhân để phối hợp với nhân viên Bưu điện tại các tỉnh, thành phố tiếp tục đào tạo, hướng dẫn cho từng hộ gia đình đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn
Trong năm 2022, nhằm đạt mục tiêu đưa 5 triệu hộ dân lên sàn TMĐT Postmart, Bưu điện Việt Nam đã tích cực triển khai các phương án nhằm hiện thực hóa việc Chuyển đổi số cho người nông dân, cụ thể có thể kể đến 3 phương án lớn như sau:
Thứ nhất: thay đổi tư duy kinh doanh truyền thống sang kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.
Bưu điện Việt Nam đã cụ thể hóa việc thay đổi tư duy này bằng việc “Đi từng ngõ, gõ từng nhà”, đặc biệt với các hộ nông dân ở khu vực xa xôi, không thuận tiện đi lại để hướng dẫn chi tiết cho các hộ nông dân, từ cách tạo tài khoản tham gia kinh doanh trên sàn thương mại điện tử Postmart đến hướng dẫn quy trình, cách khởi tạo gian hàng, đưa sản phẩm lên gian hàng và theo dõi đơn hàng phát sinh; hướng dẫn cách chụp ảnh, quay clip, xây dựng nội dung giới thiệu sản phẩm, cách thức đóng gói, vận chuyển đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Thứ hai: việc đưa các hộ nông dân lên kinh doanh trên một môi trường mới – môi trường số đòi hỏi phải có sự hoàn thiện và tối ưu của các công cụ kinh doanh, và ở đây sàn Postmart là một công cụ được đánh giá thân thiện, thuận lợi và tối ưu cho việc kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử.
Để làm được điều này, đội ngũ vận hành sàn đã luôn điều chỉnh, cải tiến các tính năng, tập trung ưu tiên về trải nghiệm người dùng nhằm đảm bảo cho các hộ nông dân có thể dễ dàng sử dụng và thao tác. Cụ thể, sàn đã hoàn thiện và tích hợp các công cụ marketing, kênh giao tiếp mạng xã hội và các hãng vận chuyển để đảm bảo người bán có thể quảng bá sản phẩm một cách tốt nhất, đồng thời giúp khách hàng có những lựa chọn tối ưu nhất về việc vận chuyển sản phẩm. Ngoài ra, sàn đã bổ sung thêm các tính năng dành riêng cho người bán như công cụ quản lý tập khách hàng, quản lý thông tin khách hàng nhằm giúp người bán dễ dàng tiếp cận khách hàng cho những giao dịch tiếp theo. Và không thể kể đến là việc sàn đã phát triển kênh kết nối bán hàng đa kênh với các nền tảng mạng xã hội như zalo, facebook… nhằm đồng nhất các thông tin khách hàng cũng như gia tăng hiệu quả của việc quảng bá sản phẩm trên nhiều kênh, nhiều nền tảng
Thứ ba: chú trọng vào công tác truyền thông mà có bài bản và quy mô nhằm quảng bá về lợi ích, sự tiện lợi và hiệu quả của việc kinh doanh trên sàn thương mại điện tử đến với đối tượng hộ nông dân.
Với thông điệp “Nâng tầm nông sản Việt”, Bưu điện Việt Nam xây dựng kế hoạch thực hiện công tác truyền thông đa kênh, như: Báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử, Cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử đến các trang mạng xã hội, Fanpage của các cơ quan, đơn vị, tận dụng cơ sở truyền thanh cấp huyện, hệ thống thông tin cơ sở, thông tin đối ngoại, các chương trình hội nghị, các hệ thống ấn phẩm truyền thông tại các cơ quan, chính quyền địa phương…
Cùng với đó, Bưu điện Việt Nam cũng luôn cập nhật thông tin các sản phẩm, hàng hóa nông sản trên địa bàn cần tiêu thụ; hướng dẫn người dân đặt mua hàng hóa trên các sàn thương mại điện tử; vận chuyển hàng hóa đến địa chỉ người mua hàng; truyền thông, quảng bá sản phẩm nông nghiệp của các tỉnh thành phố trên sàn thương mại, điện tử; chia sẻ kinh nghiệm, kỹ năng thương mại điện tử.
Với việc lan tỏa truyền thông cùng với sự quyết tâm trong đào tạo tập huấn để thay đổi nhân thức kinh doanh của các hộ nông dân và sự tối ưu của công cụ trên sàn thương mại điện tử, Bưu điện Việt Nam tin tưởng rằng các giải pháp của mình sẽ góp phần thay đổi tư duy trong kinh doanh của bà con nông dân, từ truyền thống lên hiện đại bắt kịp xu hướng, gia tăng hiệu quả kinh doanh cho bà con, đồng thời cũng sớm hoàn thành được mục tiêu đưa 5 triệu hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử của Bưu điện Việt Nam.