Hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án sinh kế bền vững ở miền Tây Nghệ An
Kinh tế nông thôn và miền núi Thứ tư, 21/09/2022 - 14:59
Từ năm 2001-2022, 14 dự án sinh kế của Quỹ Môi trường toàn cầu, Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc đã được triển khai thực hiện tại các huyện miền Tây Nghệ An như: Huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên, Quế Phong và Tương Dương, với tổng kinh phí gần 1 triệu USD.
Chương trình tài trợ nhỏ của Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF SGP) là một chương trình cung cấp hỗ trợ tài chính và kỹ thuật cho các cộng đồng và các tổ chức xã hội (CSO) nhằm đáp ứng các mục tiêu tổng thể của “đảm bảo lợi ích môi trường toàn cầu thông qua các sáng kiến và hành động dựa vào cộng đồng”.
Nhiều năm qua, tỉnh Nghệ An chú trọng phát triển diện tích trồng rừng gỗ lớn. |
Tại Nghệ An, từ năm 2001- 2022, đã có 14 dự án được tài trợ, triển khai thực hiện tại các huyện Kỳ Sơn, Con Cuông, Quỳ Hợp, Hưng Nguyên, Quế Phong, Tương Dương, với tổng kinh phí gần 1 triệu USD.
Các chương trình, dự án đều đạt kết quả tốt, có tính lan tỏa và ảnh hưởng lâu dài, sâu sắc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tạo sinh kế bền vững, thúc đẩy phát triển tiềm năng kinh tế mà vẫn gắn với bảo tồn đa dạng hoá sinh học, phát huy bản sắc văn hoá miền núi.
Đại diện dựa án - Bà Nguyễn Thị Thu Huyền đề nghị tỉnh Nghệ An tiếp tục quan tâm vấn đề trồng dược liệu dưới tán rừng; gắn phát triển sinh kế với bảo tồn một số loại cây như mét, dược liệu; quan tâm đầu tư phát triển du lịch cộng đồng bền vững tại một số điểm tiềm năng như Rừng săng lẻ Tam Đình; Bản Xiềng, Khe Cớ (Tương Dương) các xã Mường Lống, Mỹ Lý (Kỳ Sơn)…
“Chúng tôi rất mong muốn tỉnh Nghệ An quan tâm chỉ đạo các chủ rừng phối hợp với dự án, xây dựng cơ chế chia sẻ lợi ích với cộng đồng, người dân nhằm quản lý và sử dụng rừng bền vững, xây dựng các vùng nguyên liệu bền vững trong tương lai”, bà Nguyễn Thị Thu Huyền cho hay.
Nghệ An là địa phương có diện tích rừng và đất lâm nghiệp lớn nhất cả nước, với tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp được quy hoạch trên 1,16 triệu ha, chiếm 71,6% tổng diện tích tự nhiên. Hiện toàn tỉnh có khoảng 1 triệu ha rừng, độ che phủ rừng đạt 58,41%.
Đặc biệt, Khu Dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An được UNESCO công nhận vào năm 2007, là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới trên cạn lớn nhất Việt Nam với tổng diện tích gần 1,3 triệu ha, dân số khoảng trên 1 triệu người, với 6 dân tộc anh em.
Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc Hỗ trợ thực hiện các dự án tạo sinh kế bền vững ở miền Tây Nghệ An. |
Miền Tây Nghệ An là nơi có nguồn tài nguyên phong phú, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và tính đa dạng sinh học cao; đặc biệt, có 3 khu rừng đặc dụng, đó là khu Vườn quốc gia Pù Mát, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Huống, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hoạt với nhiều hệ sinh thái, hệ động thực - vật phong phú, đa dạng.
Nhiều năm qua, khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Các hoạt động giúp người dân có thu nhập từ nhận khoán chăm sóc và bảo vệ rừng, trồng rừng sản xuất, phục hồi và phát triển các nghề truyền thống như dệt thổ cẩm, làm hàng thủ công mây tre đan, phát triển du lịch cộng đồng như dịch vụ homestay, vận chuyển khách du lịch, hướng dẫn viên, phát triển chăn nuôi, trồng trọt các loài cây, con đặc sản của địa phương như nuôi lợn Nít, vịt bầu Quỳ, trồng cây bon bo, quế Quỳ, chè hoa vàng...
Tuy nhiên, trong những năm qua, kinh tế rừng của Nghệ An phát triển chưa tương xứng tiềm năng; vùng miền Tây tỷ lệ hộ nghèo còn cao, chiếm khoảng 19,1%, trong khi bình quân cả tỉnh là gần 3%; mức thu nhập bình quân đầu người thấp, ở mức 32 triệu đồng/người/năm. Đời sống người dân chưa được đảm bảo, phải sống dựa vào rừng và tài nguyên rừng, tạo áp lực lớn đối với công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học.
Ông Hoàng Nghĩa Hiếu – Phó bí thư tỉnh uỷ, Phó chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An mong muốn chương trình phát triển Liên Hợp Quốc tiếp tục hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án tạo sinh kế bền vững cho người dân, đồng bào miền núi, nhằm thúc đẩy khai thác và phát huy các tiềm năng gắn với bảo tồn, phát triển đa dạng sinh học và đa dạng bản sắc văn hóa, phát huy thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên, theo hướng bền vững kinh tế - xã hội, môi trường thích ứng biến đổi khí hậu.
“Đề nghị Dự án phối hợp cùng chính quyền địa phương tổ chức đánh giá, rút ra bài học thành công ở những mô hình hiệu quả, giúp các địa phương tiếp tục nhân rộng trên địa bàn. Tỉnh cũng cam kết tạo mọi điều kiện để các chương trình dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao nhất”, ông Hoàng Nghĩa Hiếu nhấn mạnh.
Mục tiêu duy trì và phát triển giá trị đa dạng sinh học phong phú của khu vực; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa độc đáo và đa dạng của 5 nhóm dân tộc thiểu số sinh sống trên địa bàn Nghệ An. Đó là thiết lập và duy trì hành lang đa dạng sinh học kết nối 3 vùng lõi; xây dựng Khu dự trữ sinh quyển thành mô hình phát triển bền vững, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh Nghệ An, của quốc gia và góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp quốc.